Trong Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu thị trường về nhân lực CNTT sẽ
tiếp tục nâng cao, không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng nhân sự.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam là một trong những nước có thị trường nhân lực CNTT năng động và đang có xu hướng tăng mạnh.
Thống kê của Navigos mới đây cho thấy, số lượng tin tuyển dụng trong
ngành CNTT đã tăng từ 6.792 trong năm 2013 lên tới 14.997 trong năm
2016. Tính riêng trong năm 2016, ngành CNTT luôn nằm trong top 5 các
ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.
Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng này được dự đoán sẽ thay đổi mạnh mẽ khi Việt Nam tiến vào kỉ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong bối cảnh đó, đánh giá của Bộ Công thương cho thấy nhu cầu thị
trường về nhân lực CNTT sẽ tiếp tục nâng cao, không chỉ về số lượng mà
còn về chất lượng nhân sự. Tại Việt Nam, số lượng nhân sự CNTT khá dồi
dào, tuy nhiên nhân sự CNTT có chất lượng đủ đáp ứng được các yêu cầu
trong bối cảnh mới lại chưa cao.
Một trong những tiêu chí quan
trọng nhất để đánh giá chất lượng chuyên môn của một ứng viên là qua
các chứng chỉ chuyên môn ứng viên đạt được. Trong ngành IT, các chứng
chỉ chuyên môn được xem là quy chuẩn đánh giá kiến thức của ứng viên.
Theo ý kiến của các nhà tuyển dụng qua khảo sát, các chứng chỉ Kỹ
năng quản lý dự án, quy trình Agile, Cisco, Microsoft và Amazon Web
Service là những chứng chỉ có giá trị nhất. Có tới 54% nhà tuyển dụng
sẵn sàng trả mức lương cao hơn dành cho những ứng viên có các chứng chỉ
liên quan.
Ngoài ra, trong năm 2017, các trào lưu công nghệ trên thế giới sẽ có
những tác động đến thị trường IT tại Việt Nam, bao gồm Điện toán đám
mây, JavaScript, An ninh mạng, Big Data, Internet of Things và Docker.
Mức lương dành cho các lập trình viên là tương đối cao so với mặt
bằng chung: thu nhập một kỹ sư lập trình tại Việt Nam có thể đạt từ
1.300 - 2.000 USD mỗi tháng nếu bắt kịp kiến thức về những công nghệ mới
nhất trên thị trường hiện nay, trong đó quan trọng nhất là kinh nghiệm
với ngôn ngữ lập trình Objective-C.
Cách mạng công nghiệp 4.0 là thuật ngữ mô tả về một
nền công nghiệp thông minh, với viễn cảnh tất cả các dây chuyền sản xuất
đều được vi tính hóa và kết nối với nhau thông qua công nghệ Internet
of Thing, trí tuệ nhân tạo.../.
Theo ICTnews