GS. TSKH Đỗ Trung Tá, Phái viên Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia đã trao đổi những trăn trở của ông khi đánh giá thành quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong sự nghiệp Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá và kế thừa nó để bắt tay thực hiện Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Đẩy mạnh thương mại hoá sản phẩm CNTT-TT
- Thưa Tiến sỹ, việc triển khai Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT kế thừa được gì từ kết quả thực hiện Chỉ thị 58?
- Chỉ thị 58 đã vạch ra hướng đi để ứng dụng và phát triển CNTT. Qua 10 năm thực hiện, VN đạt được 1 số thành tựu tương đối nổi bật, nhưng còn những hạn chế mà chúng ta phải tiếp tục phấn đấu mạnh hơn nữa trong giai đoạn 10 tới, đến năm 2020.
Tính kế thừa Chỉ thị 58 đối với Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT thể hiện trước hết là tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng để phát triển nguồn nhân lực, phát triển CNTT và phát triển hạ tầng thực sự hiện đại, tạo ra môi trường cho tất cả các loại hình dịch vụ. Đó cũng là yếu tố cơ bản cho sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đồng thời tạo ra môi trường kinh doanh cho các DN CNTT-TT trong những năm tới.
Ngoài ra, tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta phải ứng dụng CNTT để thực sự tạo ra sự minh bạch, công bằng trong xã hội, thông tin đến được với mọi người dân. Nói cách khác, xã hội đã được thông tin hoá, để mỗi người dân đều được tiếp cận với Chính phủ, tham gia vào những công việc của Nhà nước. Đó có thể nói là những vấn đề cơ bản nhất mà chúng ta tiếp tục phải thực hiện trong đề án.
Tuy nhiên, trong tình hình mới thì cũng có những đặc điểm mới. Trong đó, chúng ta phải tăng cường tiềm lực về KHCN, chỉ có yếu tố này mới là nền tảng phát triển CNTT-TT vốn tăng cường tính độc lập, sáng tạo của dân tộc trong thời kỳ hội nhập. Nhờ đó, CNTT-TT mới trở thành động lực cho sự phát triển nền kinh tế tri thức.
Một điểm nữa cần nhấn mạnh, VN phải phổ cập ứng dụng CNTT-TT đến mọi người dân. Hiện nay, chúng ta đã số hoá truyền hình, đã có vệ tinh Vinasat, do đó, thông tin không còn phụ thuộc vào địa hình và khoảng cách. Vậy thì những người dân ở nông thôn cũng phải được hưởng mọi loại dịch vụ với chất lượng cao như ở thành thị.
Đó chính là những điểm nhấn mà chúng ta phải cố gắng tiếp tục thực hiện cho được khi Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
- Trước bước phát triển mới từ 2011 - 2020, VN có những tiền đề nào làm cơ sở hoàn thành mục tiêu Đề án, thưa ông?
- Về nhân lực, hiện nay 100% các trường từ tiểu học đến đại học đều được kết nối Internet. Đây là công cụ rất hiệu quả cho việc tiếp thu tri thức nhân loại cũng như tạo ra những phương pháp học tập, giảng dạy mới. Trên cơ sở đó, chúng ta thúc đẩy chương trình học, sao cho cập nhật với thế giới trong lĩnh vực KHCN, CNTT. Đây là các lĩnh vực luôn ở mức phát triển cao, với tốc độ rất lớn nên VN còn phải nỗ lực rất nhiều, đẩy mạnh việc học hỏi nếu muốn bắt kịp với trình độ tiên tiến trên thế giới.
Đồng thời, cũng phải nhấn mạnh rằng những nhân lực được đào tạo ra phải có trình độ quốc tế. Chúng ta làm trong nước hoặc cho nước ngoài, nhưng mỗi cá nhân và các DN đều phải đạt trình độ quốc tế. Chúng ta phải tận dụng cơ hội hội nhập để biến cái hồn, tri thức, trí tuệ VN để tham gia hội nhập với quốc tế. Nếu phối hợp với những thành quả của sự hội nhập, trên cơ sở nguồn mở, vật liệu mới và môi trường đòi hỏi sự quản lý tri thức, hiện đại, tiên tiến, chúng ta sẽ có những sản phẩm của VN.
Chính vì thế, tôi nhấn mạnh VN phải coi trọng nghiên cứu khoa học cơ bản có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, đưa các thành quả nghiên cứu (R) và phát triển (D) nhanh chóng thương mại hoá sản phẩm (C). Đến khi đó, chúng ta có thể chuyển đổi từ việc chỉ nghiên cứu - phát triển (R – D) sang chu trình nghiên cứu – phát triển và thương mại hoá sản phẩm (R – D – C).
Như vậy, các nhà khoa học sẽ được xã hội đánh giá cao và họ cũng phải xem đó là mục tiêu phấn đấu để tham gia đóng góp vào công cuộc CNH-HĐH.
Đẩy mạnh CNTT-TT để phát triển kinh tế đất nước
- Với kinh nghiệm nhiều năm theo dõi sự phát triển của ngành CNTT-TT, ông hình dung như thế nào về bức tranh ngành này từ nay tới năm 2020?
- Thấm nhuần thấu đáo tư tưởng chỉ đạo của Chỉ thị 58, bất cứ ai cũng nhận ra CNTT-TT không chỉ là công cụ mà còn đóng vai trò động lực quan trọng và thực sự là lực lượng sản xuất trực tiếp. Không những thế, bản thân ngành CNTT-TT cũng là ngành kinh tế kỹ thuật cao và mang lại hiệu quả, lợi nhuận cao cho đất nước. Do đó, tôi nghĩ rằng sự phát triển ngành này vừa nâng cao đời sống tinh thần, đời sống vật chất của xã hội, vừa làm cho xã hội được quản lý minh bạch, công bằng, với tính dân chủ được đề cao.
Chính vì thế, chúng ta dùng CNTT để thoát nghèo, hội nhập với quốc tế và để có những sản phẩm mang thương hiệu VN.
Đặc biệt hơn, chúng ta dùng CNTT không chỉ để đảm bảo an toàn trong thời bình mà ngay cả trường hợp có chiến tranh điện tử xảy ra, chúng ta sẽ có đủ những phương tiện hữu hiệu trên cơ sở CNTT để giữ vững chủ quyền của đất nước.
Ngoài ra, chúng ta dùng CNTT-TT để phát triển kinh tế, tăng mức độ đóng góp của ngành cho GDP, cả về nồng độ khoa học, giá trị vật chất, để VN trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
|
Theo Đề án Đưa VN sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, đến năm 2020, VN sẽ đứng trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới (Ảnh: HL). |
- Đánh giá khách quan. ngành vẫn đứng trước nhiều những khó khăn mà nếu không giải quyết được thì mục tiêu của Đề án là cái đích xa vời, thưa ông?
- Đúng vậy, muốn giải quyết nó thì trước tiên là tăng cường nhận thức, nhất là ở những người đứng đầu mọi cấp, các cơ quan, xí nghiệp nhà máy. Họ phải nhận thức và trực tiếp bắt tay sử dụng CNTT.
Thứ hai là nâng cao kỹ năng sử dụng, ứng dụng CNTT của toàn dân, nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực này và các ngành nghề ứng dụng CNTT.
Cần nhận thức được rằng sản phẩm của ngành này rất đặc biệt, là sản phẩm của trí tuệ, nên không thể đánh giá chung chung. Kể cả trong đào tạo, trong sử dụng nhân lực, tính toán chi phí trong đề án,… mọi yếu tố đều phải xem xét theo cách nhìn đối với sản phẩm tri thức. Cũng như vậy, các cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư cho ngành phải được hoàn thiện dần theo hướng đặc thù, để chúng ta có động lực cho sự phát triển.
- Còn hướng đầu tư của các tập đoàn lớn trong ngành, ông đánh giá thế nào?
- Các tập đoàn tuy phát triển, có doanh thu cao nhưng thực sự vẫn chỉ là ứng dụng CNTT. Tôi cho rằng các tập đoàn trong ngành cần chú ý đầu tư mạnh hơn cho CNTT, đặc biệt là lĩnh vực Nội dung số, vì nó sẽ mang lại ứng dụng cho mọi lĩnh vực, cho cả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và các hoạt động khác. Chúng ta phải lấp đầy băng thông bằng các dịch vụ nội dung.
Đó chính là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao, mới thực sự là nguồn thu tương lai của các doanh nghiệp, chứ không phải nguồn thu từ viễn thông và Internet đơn thuần như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
|
Theo VTCnews