Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 10/9/2010 22:3'(GMT+7)

Ngành Cơ khí: Cơ hội phát triển từ chương trình chế tạo thiết bị nhà máy điện

Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã chế tạo phần lớn thiệt bị  chính cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3.

Các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã chế tạo phần lớn thiệt bị chính cho Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 3.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến năm 2025, trong giai đoạn 2010-2015, cả nước sẽ có hơn 40 nhà máy nhiệt điện chạy than công suất tổ máy từ 600MW trở lên đi vào vận hành.

Tương tự, giai đoạn từ 2015-2025 có thêm 30 nhà máy. Với quy mô trên, nhu cầu thiết bị của các nhà máy nhiệt điện chạy than ở nước ta từ nay đến năm 2025 rất lớn.

Với mong muốn tận dụng năng lực chế tạo thiết bị của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, ngày 26/12/2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam với mục tiêu ưu tiên phát triển một số chuyên ngành và sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó ưu tiên cho chương trình chế tạo thiết bị toàn bộ của nền kinh tế cũng như cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Theo Thứ trưởng Công Thương Đỗ Hữu Hào, thời gian qua, ngành Cơ khí đã có bước trưởng thành đáng kể trong chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện công suất đến 600MW.

Về thiết kế, ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam cùng với sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài đã thực hiện được toàn bộ phần thiết kế cơ sở, chế tạo được 30% khối lượng thiết bị.

Về chế tạo thiết bị lẻ, các doanh nghiệp trong nước như Tổng công ty Máy và Thiết bị Công nghiệp, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam đã chế tạo được một số thiết bị quan trọng như động cơ, hộp số, hộp giảm tốc, bơm quạt.

Ngành Cơ khí trong nước đã chế tạo được 50-70% khối lượng của một số thiết bị tiêu chuẩn như thiết bị vận chuyển bao gồm gầu nâng, vít tải, băng tải thiết bị kho bãi như thiết bị chất liệu, dỡ liệu, thiết bị lọc bụi…

Về chế tạo thiết bị toàn bộ, các đơn vị trong nước chế tạo và lắp đặt phần lớn thiết bị chính của Nhà máy nhiệt điện Na Dương, Nhiệt điện Phú Mỹ 3,4…

Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đảm nhận được khối lượng lớn các thiết bị trong nhà máy nhiệt điện, nhưng nhìn chung, trên thực tế đối với các dự án nhiệt điện đã và đang thi công, các doanh nghiệp trong nước mới chiếm 40% về khối lượng và 20-25% về giá trị.

Những bộ phận thiết bị phức tạp được các đơn vị trong nước gia công, chế tạo theo thiết kế và giám sát của chuyên gia nước ngoài, còn các dây chuyền tản nhiệt điện đều phải nhập ngoại.

Đột phá khâu thiết kế

Không thể phủ nhận với một thị trường đầy tiềm năng, nếu không tự vươn lên, các doanh nghiệp cơ khí sẽ tự đánh mất cơ hội.

Tuy nhiên để hoàn toàn làm chủ một nhà máy nhiệt điện, ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí cho rằng cần đột phá vào khâu thiết kế.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) nếu không nắm được thiết kế sẽ không làm được gì, bởi từ thiết kế mới tiến hành các công việc chế tạo. Tuy nhiên để thiết kế toàn bộ một nhà máy nhiệt điện chúng ta cần có thời  gian.

Giám đốc Trung tâm thiết kế và Công nghệ chế tạo máy thuộc Viện nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) Hoàng Văn Gợt đưa ra một số phương án nội địa hóa. Theo ông Gợt, thay vì chỉ làm thầu phụ (chế tạo theo bản vẽ) cho nhà thầu nước ngoài như hiện nay thì chúng ta nên chọn phương án làm chủ công tác thiết kế, làm chủ tích hợp nhà máy. Kết hợp cùng đối tác nước ngoài  chế tạo lò hơi.

Đối với turbin máy phát, chúng ta có thể chế tạo các thiết bị phụ trợ đồng bộ với sự trợ giúp của tư vấn nước ngoài. Ông Gợt cho rằng phương án này có thể đạt tới hơn 40% giá trị...

Để thực hiện thành công nội địa hóa theo phương án trên, ông Gợt cũng đề xuất giải pháp nên giao cho liên doanh trong nước làm tổng thầu EPC để đảm bảo chủ động thực hiện kế hoạch chế tạo và được chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cơ khí cũng đề nghị để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam, cần có cơ chế khuyến khích bằng cách đưa điều kiện bắt buộc về tỷ lệ nội địa hóa vào đấu thầu quốc tế, khuyến khích hình thành các Trung tâm cơ khí chế tạo dây chuyền thiết bị công nghệ đồng bộ quốc gia

Được biết, hiện Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương chủ trì dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị của nhà máy Nhiệt điện 600MW ở Quỳnh Lập - Nghệ An.

Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai công việc này. Ông Ngô Văn Trụ hy vọng trong vài năm tới, nhà máy nhiệt điện này (do Việt Nam phối hợp với một số công ty nước ngoài nghiên cứu thiết kế) sẽ đi vào vận hành và khi thành công sẽ đánh dấu bước phát triển mới đối với ngành Cơ khí trong nước./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất