CHỈ ĐẠO SÁT SAO, KỊP THỜI TỪ TRUNG ƯƠNG TỚI ĐỊA PHƯƠNG
Từ đó đến nay, hàng năm, Bộ Công Thương đều xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động này; thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động. Định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả tình hình thực hiện gửi Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động; tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm, 5 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động và được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đánh giá cao kết quả thực hiện của Bộ Công Thương trong suốt 10 năm qua; Tham gia các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động kiểm tra, nắm tình hình thực hiện Cuộc vận động tại các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thường xuyên tham mưu, đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Cuộc vận động hàng năm.
Về phía địa phương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Ban Chấp hành Đảng bộ, Lãnh đạo các Sở Công Thương đã chỉ đạo cấp ủy thông qua các buổi sinh hoạt tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng Cuộc vận động. Một số địa phương đã thành lập và ban hành Quy chế làm việc của Ban chỉ đạo Cuộc vận động để hướng dẫn triển khai Cuộc vận động đến các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp.
Sở Công Thương các địa phương đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Uỷ ban Nhân dân các huyện, thành thị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc triển khai Cuộc vận động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án khuyến công, định hướng cho các doanh nghiệp tổ chức hội chợ gắn với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Chương trình bình ổn giá, trong đó hàng hóa tham gia Chương trình 100% là hàng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Việc thực hiện nghiêm túc 4 nhóm giải pháp chính của Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, từ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo.
Những nỗ lực trong triển khai thực hiện Cuộc vận động đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu nhanh chóng và phát triển ngành Công Thương.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất, tiêu thụ cao. Chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp qua các năm có sự tăng trưởng đáng kể (năm 2018: 10,2%; năm 2017: 9,4%; năm 2016: 7,5%; năm 2015: 9,8%). Sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí, ước tăng 9,9%/năm, tiếp đó là ngành chế biến, chế tạo ước tăng 9%/năm.
Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm (tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm của ngành dệt may nhằm tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm,…).
Đặc biệt, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam nhanh: Saigon Co.opmart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm; Vingroup đã mở được khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng Vinmart+...).
Phát triển mạnh số điểm bán hàng bình ổn thị trường: Hiện trên toàn quốc có khoảng hơn 20.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường, trong đó chủ yếu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và các hàng hóa thiết yếu Việt Nam.
Nhằm góp phần phát triển kinh tế thương mại địa phương, nhiều hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước đã được tổ chức, tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương tại thị trường trong nước.
Tập trung nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng; chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam.
Từ chỗ vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
NHỮNG THÁCH THỨC VÀ KHÓ KHĂN
Bên cạnh các kết quả khả quan đã đạt được, Cuộc vận động cũng đối mặt không ít thách thức: Kinh tế thế giới đã dần đi vào ổn định, phục hồi nhưng chưa chắc chắn. Các nền kinh tế chủ chốt - cũng là đối tác thương mại đầu tư lớn của Việt Nam - tiếp tục xu hướng phục hồi tăng trưởng nhưng vẫn đối mặt với nhiều bất định. Tình hình biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến nhanh, gây ảnh hưởng tới thị trường thế giới và trong nước.
Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo với một loạt các thỏa ước hội nhập song phương và đa phương, là nhân tố quan trọng thúc đẩy kinh tế, thương mại toàn cầu. Việc mở rộng thị trường quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước và làm tăng tính đa dạng với thương mại trong nước, tuy nhiên cũng làm tăng sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi có được, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ. Sức ép từ hàng hóa nhập khẩu sẽ lớn dần, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Sức ép đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ sẽ lớn dần do cạnh tranh với chuỗi phân phối từ các nước ASEAN.
Tranh chấp chủ quyền biển, đảo và những bất lợi địa chính trị thế giới và khu vực có thể còn tiếp diễn cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những bất ổn này có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của một số mặt hàng, đặc biệt hàng nông sản của Việt Nam, gây sức ép mạnh mẽ lên bình ổn thương mại trong nước.
Khi Mỹ tiếp tục tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc xuất vào Mỹ, có thể thấy rằng căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc là cơ hội cho Việt Nam mở cửa đón đầu tư, tuy nhiên cũng là thách thức khiến doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa Trung Quốc tràn vào cả con đường chính thức và tiểu ngạch.
Bên cạnh các thách thức từ bên ngoài, quá trình thực hiện Cuộc vận động cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Đó là áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các doanh nghiệp FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng Việt Nam còn chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi,... Một số doanh nghiệp Việt còn gian lận thương mại, sản xuất hàng giả gây mất uy tín hàng hóa thương hiệu Việt.
Các kết quả đạt được
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ liên tục tăng trưởng từ năm 2009 đến nay với mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2016, 2017, 2018 tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức 10,2%, 10,9%, 11,7%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây (đặc biệt trong các năm 2016, 2017, 2018 chỉ số CPI lần lượt ở các mức 2,66%, 3,53%, 3,54%).
Chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu: Năm 2010, Việt Nam nhập siêu là 12,5 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu. Năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD.
|
Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của quản lý thị trường còn thiếu và yếu.
Hạ tầng thương mại chưa phát triển, đặc biệt là các chợ chưa hỗ trợ được phát triển, phân phối hàng Việt Nam, chưa thực sự là đầu ra cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Quá trình truyền thông cho Cuộc vận động trên các phương tiện thông tin chưa có sự đồng nhịp để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả, vì vậy chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.
Kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất kinh doanh còn chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, tại khu vực nông thôn và hệ thống phân phối hiện đại còn khó khăn.
TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả hơn nữa Cuộc vận động, Bộ Công Thương tập trung triển khai một số giải pháp đồng bộ.
Một là, nhằm góp phần triển khai thực hiện các hoạt động có chiều sâu, Bộ Công Thương tiếp tục đôn đốc các đơn vị tăng cường thực hiện các nhiệm vụ được phân công, trong đó đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tập trung tăng cường rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, tạo khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi, cung cấp thông tin có chất lượng, tháo gỡ các khó khăn, rào cản cho phát triển của doanh nghiệp trong nước, tạo động lực khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển ngành. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam để người tiêu dùng Việt Nam tự hào sử dụng hàng Việt Nam.
Trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; lành mạnh hóa mạng lưới phân phối; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự, kỷ luật thị trường.
Hai là, quan tâm phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp trong phân phối, lưu thông, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tăng cường các biện pháp phát triển hệ thống phân phối trong nước, khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phân phối có khả năng kết nối với doanh nghiệp trong nước, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.
Ba là, khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng. Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc kinh doanh hàng hoá tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics, các doanh nghiệp quản lý và kinh doanh chợ, các doanh nghiệp liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản - thực phẩm, các hợp tác xã thương mại và dịch vụ nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình liên kết hình thành mạng lưới kinh doanh dịch vụ thương mại, từ đó tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt của ngành Công Thương./.
Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công Thương,
Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”