Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/12/2008 17:26'(GMT+7)

Ngành Giao thông vận tải: Ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ kích cầu đầu tư

Đột phá trong giải ngân vốn XDCB

Sự thăng - trầm trong hoạt động của ngành giao thông trong năm qua thể hiện rõ nét nhất trong công tác giải ngân vốn XDCB. Sáu tháng đầu năm, do gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá vật liệu quá cao nên toàn ngành chỉ giải ngân được hơn 2.405 tỷ đồng, bằng 27,5% kế hoạch nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng chỉ thực hiện được hơn 2.417 tỷ đồng, đạt 30,2% kế hoạch, giải ngân 2.237 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch.

Tuy nhiên, nửa cuối năm đã có bước đột phá mạnh mẽ. Kết quả cả năm 2008, vốn nước ngoài thực hiện 3.247 tỷ, đạt 93,6% kế hoạch, giải ngân 3.851 tỷ, đạt 111% kế hoạch; vốn ứng trước kế hoạch năm 2008 thực hiện 3.125 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, giải ngân 3.022 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; Vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện 8.600 tỷ, đạt 107,5% kế hoạch, giải ngân 8.300 tỷ, đạt 104% kế hoạch; Nguồn vốn ngoài ngân sách (các dự án BOT và dự án Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương) khối lượng thực hiện 4.345 tỷ, giải ngân đạt 4.218 tỷ.

Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ, khoảng thời gian từ tháng 8/2008 đến cuối năm với những giải pháp đồng bộ và kịp thời của Chính phủ như tháo gỡ vướng mắc trong việc xử lý bù trừ biến động giá, cải cách một số thủ tục đầu tư, đấu thầu,… nhiều công trình giao thông trên địa bàn cả nước đã bắt đầu sôi động trở lại và đẩy nhanh tiến độ thi công, nhiều dự án mới được triển khai.

Tương tự, trong lĩnh vực vận tải, cả năm 2008 vận tải được 1,9 tỷ lượt khách, 604 triệu tấn hàng, tăng lần lượt 8,1 và 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Hàng thông qua cảng biển ước đạt 193,8 triệu tấn, tăng 16,3%. Tuy nhiên, vận tải chính là lĩnh vực được đánh giá chịu nhiều tác động hơn cả từ những khó khăn chung của nền kinh tế: do ảnh hưởng của giá nguyên nhiên liệu, nhu cầu, luồng hàng biến động,… và được dự báo tiếp tục năm 2009 với nhiều khó khăn trước mắt.

Công nghiệp giao thông tiếp tục tăng trưởng với giá trị sản xuất đạt 32.807,8 tỷ đồng, tăng 45,6%, doanh thu đạt 26.930 tỷ, tăng 53,9%. Tuy nhiên, mức tăng này không đồng đều ở từng lĩnh vực. Điển hình như trong khi công nghiệp tàu thủy giữ vững và phát triển về thị trường thì công nghiệp ôtô gặp nhiều khó khăn do sức ép gia nhập WTO, mức cầu tiêu dùng chỉ tăng trưởng 3,5 – 3,7% so với năm trước

2008 là năm triển khai toàn diện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ với những kết quả đáng khích lệ. Con số thống kê 11 tháng đầu năm 2008, số người chết do tai nạn giao thông đã giảm 1.512 người so cùng kỳ năm trước, tai nạn giao thông tháng sau liên tục giảm so với tháng trước, các trường hợp bị chấn thương sọ não giảm 30-40%.

Một loạt các sự kiện đáng nhớ khác của ngành giao thông cũng được ghi nhận trong năm 2008 như thói quen đội MBH của người điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông, bước đầu xã hội hóa vận tải đường sắt với nhiều đoàn tàu “xã hội hóa” được lăn bánh trên tuyến đường sắt quốc gia. Đặc biệt, lĩnh vực hàng không lần đầu tiên có cảng xây dựng bằng vốn doanh nghiệp cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cũng như lần đầu tiên Công ty hàng không cổ phần của tư nhân Indochina Airlines đã bắt đầu khai thác đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

Đảm bảo tăng trưởng cao về vận tải, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Hội nghị xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch năm 2009 là vượt khó khăn trước mắt, đảm bảo tăng trưởng cao trên các lĩnh vực vận tải, công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tiếp tục giảm thiểu tai nạn, chống ùn tắc tại các đô thị lớn. “Đặc biệt trong đó, thực hiện chủ trương kích cầu của Chính phủ, ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, ngành giao thông sẽ ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ kích cầu đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và vận tải”, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, năm 2009, cùng với những khó khăn đối với sự tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, lĩnh vực trật tự an toàn giao thông cũng sẽ gặp những trở ngại, thách thức. Phương tiện cơ giới đường bộ tiếp tục tăng nhanh trong khi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp, vi phạm về an toàn giao thông còn phổ biến, vì vậy đòi hỏi công tác chỉ đạo phải quyết liệt hơn, các bộ ngành và địa phương phải thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ hơn và phải bắt đầu ngay từ chiến dịch phục vụ Tết Kỷ Sửu, đồng thời phải khắc phục tư tưởng chủ quan, lơ là mới có thể kiềm chế được tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, an toàn giao thông là vấn đề của quốc gia, của cả hệ thống chính trị, các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp và qui định thì mới có thể có được kết quả bền vững. Năm 2009, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư xây dựng những công trình hạ tầng giao thông thiết yếu để cải thiện tình hình quá tải phương tiện giao thông. Chính phủ cũng sẽ xem xét các kiến nghị về việc tăng cường xử phạt vi phạm hay tăng cường đội ngũ thanh tra giao thông. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giao thông và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra phương tiện giao thông, đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các cấp các ngành tiếp tục thực hiện 7 giải pháp cấp bách của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là các văn bản hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ mới sửa đổi để triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, chú trọng tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ 2008. Xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”; Xây dựng, giáo dục văn hóa giao thông, ý thức tôn trọng và tự giác chấp hành Luật Giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện giao thông, người trẻ tuổi tham gia giao thông. Kiên trì tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế để duy trì tốt việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy. Tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với người điều khiển xe tô chở khách, xe container, xe tải chở vật liệu, xe mô tô vi phạm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, như: chạy quá tốc độ quy định, quá tải; sử dụng xe hết niên hạn hoặc không đảm bảo an toàn kỹ thuật; không giấy phép lái xe, sau khi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện, người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm; dừng và đỗ xe không đúng quy định, đặc biệt ở các đô thị lớn. Trọng tâm kiểm tra trên các tuyến giao thông có mật độ phương tiện giao thông cao, tai nạn giao thông nhiều như QLI, QL5, QL51, QL18... Tăng cường công tác kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến khách, phương tiện thủy không bảo đảm quy định về điều kiện an toàn. Nâng cao chất lượng đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe; Tăng cường quản lý, giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng lái xe an toàn cho đội ngũ lái xe, nhất là lái xe khách. Cải thiện điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục kịp thời điểm đen tai nạn giao thông, triển khai mạnh mẽ, đồng bộ giai đoạn 2 Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856/2007/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ.

Các chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 của ngành GTVT:

- Vận tải: hàng hóa tăng 9-10%, hành khách tăng 8-9%

- Công nghiệp GTVT tăng 29% về giá trị, 34,5% về doanh thu.

- XDCB: thực hiện 4.865 tỷ cho dự án ODA, giải ngân 10.000 tỷ vốn TPCP, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình vốn ngoài ngân sách dở dang, sớm hoàn chỉnh thủ tục để khởi công các công trình đã xác định nguồn vốn.

- Tiếp tục kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt giảm số người chết, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.


PV - (Theo Chinhphu.vn, CPV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất