Thứ Bảy, 28/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/12/2008 21:45'(GMT+7)

Ngành Ngân hàng phải bám sát thực hiện 5 nhóm giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương ngành Ngân hàng trong khó khăn vẫn giữ được an toàn hệ thống, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh. Thủ tướng nhấn mạnh, năm qua, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ đắc lực để duy trì sản xuất, xuất khẩu hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động hiệu quả của ngành Ngân hàng thông qua thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, có ý nghĩa quyết định góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2008, sau khi Chính phủ ban hành 8 nhóm giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của ngành phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế, đạt một số chỉ tiêu tiền tệ, tín dụng quan trọng. Hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn đảm bảo an toàn và có bước phát triển. Cuối năm 2008, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống tăng 30% so với năm 2007, tỷ lệ an toàn vốn tăng từ 8,9 đến 9,7%, mạng lưới hoạt động được mở rộng và ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng.

Cũng trong năm, ngành Ngân hàng đã trình Chính phủ 3 dự thảo Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Dân sự; Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ; đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngành cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục trong năm qua: có thời điểm chưa dự báo, lường trước hết diễn biến tiêu cực của thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối. Công tác thống kê tiền tệ, tín dụng chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc chuyển từ phương pháp thanh tra tuân thủ sang thanh tra trên cơ sở rủi ro còn chậm, không đủ và thiếu chính xác. Nguồn nhân lực thanh tra tại chỗ còn yếu, thiếu và các công cụ hỗ trợ còn nhiều bất cập. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng chưa được các tổ chức tín dụng chú trọng đầu tư đồng đều, chất lượng thấp, gây bức xúc cho người sử dụng, nhất là dịch vụ ATM.…

Năm 2009, ngành Ngân hàng xác định trọng tâm hoạt động bám sát thực hiện 5 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, cụ thể: xây dựng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; kiểm soát chặt chất lượng tín dụng; đổi mới công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; phát triển tổ chức tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục triển khai các đề án trả lương qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng; tăng cường hợp tác quốc tế…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng năm 2009, phải là lực lượng nòng cốt thực hiện chính sách tiền tệ, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ. Phải thực hiện điều hành công cụ lãi suất, tỷ giá linh hoạt, đảm bảo vốn cho phát triển kinh tế, thực hiện triệt để chủ trương kích cầu của Chính phủ thông qua chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, ngành cần chú trọng công tác dự báo, đề xuất chính sách liên quan đến tất cả 5 giải pháp nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế. Phải huy động sức mạnh cả hệ thống, đoàn kết để thực hiện có hiệu quả kế hoạch ngành đề ra, chung sức cùng đất nước vượt qua khó khăn, Thủ tướng yêu cầu.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực hoạt động Ngân hàng năm 2008./.

Năm 2008 tổng phương tiện thanh toán ngành Ngân hàng tăng 16-17%; dư nợ tín dụng tăng 21-22% so với năm 2007; tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 5,4% và tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại tăng 8-9% so với cuối năm 2007. Lãi suất cho vay tối đa của các tổ chức tín dụng giảm nhanh trong những tháng cuối năm từ mức 23-24% xuống dưới mức 12,75%/năm. Lãi xuất cho vay hiện nay của các ngân hàng thương mại nhà nước đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu, hộ sản xuất phổ biến ở mức 10-11%/năm; mức lãi suất cho vay thấp nhất của một số ngân hàng thương mại lớn đối với đối tượng khách hàng truyền thống, có dự án khả thi ở mức 8,5%/năm. Trong năm, vốn tín dụng đầu tư vào khu vực dân doanh tăng 35-37%; khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 12-14%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 35-37%; khu vực sản xuất tăng 43-46%; khu vực nông nghiệp và nông thôn tăng 30%; cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác tăng 40-42%.


Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất