Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 5/7/2017 20:51'(GMT+7)

Ngành tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và triển khai nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, nhiệm vụ tài chính-NSNN 6 tháng qua được triển khai trong bối cảnh kinh tế-xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát...
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,73%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra (6,7%); các chỉ số sản xuất công nghiệp, chăn nuôi bị ảnh hưởng; giải ngân tăng chậm.

Bộ Tài chính và các địa phương đã bám sát chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách. Bộ cũng đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Kết quả, đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước đạt 563.500 tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4%; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu Nhà nước… thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016, cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất-xây dựng, nên tiến độ một số lĩnh vực như thủy điện, khai khoáng, sản xuất lắp ráp ô tô, điện thoại di động, chế biến thực phẩm,... đạt thấp so với yêu cầu.

Có 54 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng ngược lại, vẫn còn 18 địa phương thu chưa bảo đảm tiến độ dự toán (dưới 48%) và 9 địa phương thu đạt thấp so cùng kỳ, chủ yếu do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như khai khoáng (dầu thô, khí thiên nhiên, than,...), thủy điện, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất điện thoại di động, sản xuất chế biến thực phẩm,… tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước.

Về phía chi, tổng chi NSNN ước đạt 582.960 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016.

Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, chi NSNN vừa qua được tổ chức điều hành chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ, trong phạm vi dự toán được giao và phù hợp với tiến độ thực hiện. Cân đối NSTƯ và ngân sách các cấp địa phương 6 tháng đầu năm được bảo đảm, trong đó bội chi NSTƯ bằng khoảng 43,5% dự toán.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành tài chính đã chủ động đề xuất, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính-NSNN; điều hành quyết liệt thu, chi, bảo đảm giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức, tác động không thuận đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017.

Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế đạt thấp; tiến độ thu NSNN, đặc biệt là thu NSTƯ đạt thấp. Công tác quản lý thu NSNN ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp; nợ đọng thuế có khả năng thu còn lớn.

Ảnh: VGP/Huy Thắng

Tăng cường hiệu quả kiểm tra, kỷ luật ngân sách

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính triển khai 16 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 25 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về tài chính 1.496 tỷ đồng.

Cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 36.700 doanh nghiệp, tăng 23,5% so cùng kỳ năm 2016; kiến nghị thu vào ngân sách trên 7.600 tỷ đồng, tăng 34% so cùng kỳ năm 2016 (đã thực nộp vào ngân sách trên 3.400 tỷ đồng).

Cơ quan hải quan đã thực hiện gần 3.900 cuộc kiểm tra sau thông quan, thu vào ngân sách 861 tỷ đồng. Các cơ quan Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Nhà nước, Chứng khoán Nhà nước, Quản lý và giám sát bảo hiểm,… cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đề ra, góp phần siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN và tài sản công.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tính đến tháng 6 đã bắt giữ, xử lý trên 6.800 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý tăng thu cho ngân sách 151 tỷ đồng. Cơ quan hải quan đã khởi tố 20 vụ và chuyển các cơ quan khác khởi tố 37 vụ.

Lãnh đạo ngành tài chính đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách.  Trong đó, trước tiên là tập trung hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, phát triển doanh nghiệp theo các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.

Cơ quan thuế, hải quan tập trung thực hiện rà soát, nắm chắc địa bàn, dữ liệu cơ sở sản xuất kinh doanh, người nộp thuế và nguồn thu được giao quản lý; chủ động đề ra các giải pháp và triển khai quyết liệt, liên tục; phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn.

Tăng cường quản lý thu, quyết liệt chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; xử lý thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế xuống dưới 5% so với số thực thu NSNN. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế VAT.

Song song với đó, Bộ Tài chính tập trung điều hành chi NSNN chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đề xuất ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm.

Bộ Tài chính lưu ý các địa phương chủ động điều hành bảo đảm cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng thu. Cần chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn hợp pháp khác của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.

Lưu ý về vấn đề nhiệm vụ tài chính ngân sách, ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng, tỷ lệ huy động GDP vào NSNN còn thấp và có xu hướng giảm. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là tính bền vững trong tăng trưởng chưa cao, thâm dụng vốn, thâm dụng lao động. Các yếu tố quan trọng như năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) dù đã có cải thiện những năm qua nhưng chưa đạt yêu cầu.

Đại diện Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, chính sách thu thời gian tới cần nâng dần tỷ lệ huy động GDP vào NSNN. Nhưng điều này không có nghĩa là tăng thuế bằng mọi cách, vì đây không phải là giải pháp duy nhất. Dư địa nguồn lực để tăng tỷ lệ huy động GDP vào NSNN còn lớn thông qua quản lý sử dụng tài sản công hợp lý hơn. 

Bộ Tài chính và các địa phương cần khắc phục tình trạng chi thường xuyên liên tục tăng cao. Thực tế vừa qua, có không ít khoản chi chưa phù hợp xu thế phát triển, làm bội chi ngân sách, khiến nợ công ngày càng tăng cao./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất