Thứ Năm, 28/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 8/1/2014 21:57'(GMT+7)

Ngành Tư pháp đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: /TTXVN)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: /TTXVN)

Trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, ngành tư pháp đã có nhiều đóng góp quan trọng vào nhiều mặt của đất nước trong đó có việc hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành các chương trình xây dựng luật của Quốc hội, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn luật...

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành tư pháp cần khắc phục, sửa đổi như chưa ban hành kịp thời các thông tư hướng dẫn thi hành luật, việc bồi dưỡng pháp luật cho cán bộ có nơi còn hình thức, chạy theo phong trào, chưa thiết thực, chưa đúng đối tượng.

Người dân, doanh nghiệp vẫn còn bức xúc nhiều thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, thuế, hải quan; việc theo dõi thi hành pháp luật chưa đạt được chỉ tiêu, có nơi còn xảy ra tiêu cực; hệ thống chứng thực vẫn còn thủ công, lối mòn và diễn ra chậm.

Về nhiệm vụ công tác năm nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành tư pháp cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả việc thi hành Hiến pháp sửa đổi; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, tránh tình trạng “ngứa trên răng, gãi trên đầu” mà phải đúng đối tượng; rà soát, công bố và đơn giản thủ tục hành chính; giải quyết các tiêu cực còn tồn tại trong thi hành án dân sự; tạo thuận lợi cho người dân trong các thủ tục về hộ tịch.

Ngành tư pháp cần chuẩn bị điều kiện cần thiết để đưa Luật xử phạt vi phạm hành chính vào cuộc sống vì đây là luật có tính nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; chủ động hội nhập pháp luật quốc tế, hạn chế tối đa rủi ro tranh chấp pháp lý; tiếp tục thực hiện đề án xây dựng trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp trở thành các trung tâm lớn đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành tư pháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, năm nay ngành tư pháp cả nước tiếp tục đẩy mạnh việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhất là trong các dự án đầu tư, trong đó có các dự án có sử dụng đất; công bố kịp thời các thủ tục hành chính mới; phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan giải quyết vấn đề di cư tự do, hộ tịch, quốc tịch tại khu vực biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; thực hiện tốt công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án.

Ngành sẽ tham gia chủ động vào việc giải quyết tranh chấp quốc tế liên quan đến Nhà nước, Chính phủ Việt Nam; nâng cao hơn nữa chất lượng đàm phán quốc tế; xử lý dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng…


Trong năm 2013, cùng với các bộ ngành, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ trình 29 dự án luật, trong đó có 23 dự án được Quốc hội thông qua; đã kiểm tra và phát hiện hơn 8.000 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp. Công tác rà soát, phân loại án có chuyển biến tích cực với tỷ lệ án có điều kiện thi hành về việc là 77,8% và tiền là 56,1% (cao hơn 10,4% về việc và 25,01% về tiền so với năm 2012).

Các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh, khai sinh lại cho gần 2 triệu trường hợp (tăng 10,6% so với năm 2012); đăng ký kết hôn cho hơn 827.000 trường hợp (tăng 5,4% so với năm 2012), trong đó có yếu tố nước ngoài là 12.500 trường hợp.

Cơ quan tư pháp cấp huyện, xã đã chứng thực 67 triệu bản sao (tăng 1,8% so với năm 2012), các tổ chức giám định giải quyết được hơn 121.000 vụ việc (tăng 15% so với năm 2012).../.
 


(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất