Thứ Ba, 24/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 24/12/2012 17:36'(GMT+7)

Ngành xuất bản cần xử lý tốt mối quan hệ giữa nhiệm vụ chính trị và kinh doanh

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn  mạnh điều này tại Hội nghị giao ban các cơ quan chủ quản xuất bản năm 2012, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2012, ngành xuất bản đã chủ động tổ chức xuất bản được nhiều sách, tài liệu phục vụ kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ chính trị.

Trong điều kiện kinh phí đầu tư của Nhà nước còn hạn hẹp, các nhà xuất bản đã nỗ lực cho ra đời các bộ sách, tủ sách không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chính trị mà còn là những công trình có nội dung tốt về chính trị, văn hóa, khoa học có giá trị như các tủ sách về: Bác Hồ, truyền thống yêu nước và cách mạng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, những tấm gương người tốt, việc tốt…

Phần lớn các nhà xuất bản đã ổn định được đội ngũ, duy trì được số lượng và từng bước nâng cao chất lượng xuất bản phẩm. Một số đơn vị đã chủ động, sáng tạo, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ đảm bảo xuất bản đúng định hướng, đạt hiệu quả cao và từng bước nâng cao năng lực, tiềm lực của nhà xuất bản. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản đã tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện, giải quyết kịp thời nhiều vấn đề bất cập nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của các nhà xuất bản…

Kế hoạch xuất bản năm 2013 của các nhà xuất bản được xây dựng với mục tiêu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội; chú trọng xuất bản các loại sách, tài liệu tuyền truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thành tựu của đất nước ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Những xuất bản phẩm có giá trị tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên xuất bản; đẩy mạnh xuất bản các loại sách, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia, các tác phẩm có giá trị góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, tinh thần Việt Nam. Ngành xuất bản thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở.

Nhiều ý kiến phát biểu tại Hội nghị của đại diện cơ quan chủ quản, đại diện các nhà xuất bản đều đã nhìn thẳng vào sự thật, thấy rõ mặt mạnh, mặt yếu,  những việc đã làm được và còn hạn chế; quyết tâm cao và nỗ lực nhiều hơn nữa trong năm 2013, cùng cả nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, đạt được những thành tựu mới trong công tác xuất bản.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Năm 2012, công tác Tuyên giáo nói chung, xuất bản nói riêng triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh có những thuận lợi cơ bản, đồng thời gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, với sự cố gắng, nỗ lực cao độ, Ngành xuất bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
 



Khẳng định những kết quả đạt được của ngành, đồng chí Đinh Thế Huynh cũng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị thẳng thắn nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian qua. Cụ thể là:

Trước hết, chất lượng xuất bản phẩm chưa đáp ứng được đòi hỏi mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế.
Do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, số tác phẩm có giá trị cao về văn hóa, khoa học, thẩm mỹ… còn ít; sách viết về công cuộc đổi mới, viết về cuộc đấu tranh giữa những nhân tố mới, tiến bộ với những gì lạc hậu, kìm hãm sự phát triển xã hội còn kém sâu sắc, thiếu sinh động; số sách “vô bổ” còn nhiều; vẫn xuất hiện một số xuất bản phẩm có nội dung không phù hợp về chính trị - tư tưởng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn của không ít nhà xuất bản chưa đạt tới tính chuyên nghiệp, xét từ mô hình, năng lực, tiềm lực đến qui trình, công nghệ, nhân lực; một số mặt có dấu hiệu tụt hậu. Tỉ lệ giữa đầu sách và bản sách còn bất cập, chưa tương xứng. Trung bình dưới 1000 bản/đầu sách là quá thấp so với một đất nước gần 90 triệu dân. Nguồn lực để phát triển ngành còn yếu.

Ngoài ra, công tác chỉ đạo, quản lý còn một khoảng cách lớn so với yêu cầu thực tiễn. Năng lực tổng hợp, nhận định, dự báo dù đã được cải thiện nhưng việc đề xuất, giải quyết các vấn đề mới đặt ra với công tác xuất bản vẫn còn không ít trường hợp bị động. Công tác lý luận, tổng kết thực tiễn làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn còn yếu. Quá trình triển khai và phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý, nhất là với cơ quan chủ quản còn có những bất cập. Nhiều chủ trương, quan điểm của Đảng về xuất bản chưa được thể chế hoá kịp thời. Công tác qui hoạch và xây dựng chiến lược của toàn ngành chậm. Việc thực hiện chủ trương xã hội hoá còn lúng túng, có mặt bị buông lỏng. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc chưa kịp thời, quyết liệt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thực tiễn.

Đồng chí nêu rõ, những nội dung mà ngành xuất bản cần triển khai, làm tốt trong thời gian tới.

Thứ nhất, tăng cường nhận thức, trước hết là nhận thức của các cơ quan chỉ đạo, quản lý, cơ quan chủ quản nhà xuất bản và của chính các nhà xuất bản về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát triển sản xuất - kinh doanh. Việc xác định xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực tư tưởng-văn hóa đồng thời là ngành kinh tế - kỹ thuật là đúng đắn. Nếu không nhận thức rõ bản chất, đặc thù của hoạt động xuất bản, sẽ dẫn đến cách làm tùy tiện, không phù hợp. Thí dụ, do coi sách là một hàng hoá đơn thuần, cho nên vẫn còn quan niệm cho rằng, nhà xuất bản thuần túy là một đơn vị kinh tế. Một số nhà xuất bản không ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, nên đã buông lỏng quản lý, cho ra đời các ấn phẩm kém chất lượng, nhất là chất lượng chính trị, tư tưởng, chất lượng văn hóa, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Vì thế, cần khẳng định hoạt động xuất bản trước hết là hoạt động tư tưởng - văn hóa đồng thời là hoạt động kinh tế - kỹ thuật để từ đó trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện phải bám sát đặc thù đó.

Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất, xây dựng kế hoạch để tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí Thư về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.

Thứ ba, triển khai thực hiện, đưa Luật Xuất bản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua vào cuộc sống. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong toàn ngành phải nghiên cứu kỹ và thực hiện nghiêm chỉnh các điều khoản của Luật Xuất bản.

Thứ , tập trung làm tốt công tác đầu tư và qui hoạch xuất bản. Muốn đầu tư hiệu quả, trước hết phải làm tốt công tác qui hoạch. Kết thúc giai đoạn 2001- 2010, việc qui hoạch và triển khai thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bước vào giai đoạn 2011 - 2020, qui hoạch tổng thể của ngành đã được xây dựng và đang từng bước hoàn thiện. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý cần bám sát qui hoạch, tích cực triển khai trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các nhà xuất bản, tránh tình trạng chồng chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Thứ năm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ cán bộ của ngành xuất bản vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức và có trình độ nghiệp vụ chuyên môn cao.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất