Thứ Tư, 25/12/2024
Thi đua yêu nước
Chủ Nhật, 28/2/2010 8:27'(GMT+7)

Ngành Y tế 55 năm làm theo lời Bác dạy

Ngày 27/2/1955, Bác Hồ gửi thư cho Hội nghị Cán bộ chủ chốt ngành y tế. Trong thư, Người căn dặn: cán bộ, nhân viên y tế cả nước “phải thương yêu, chăm sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu.”

Từ đó, Bộ Y tế lấy ngày 27/2 là ngày Thầy thuốc Việt Nam. 55 năm qua, đông đảo thầy thuốc Việt Nam coi lời Bác Hồ dạy là con đường dẫn tới thành công và là thước đo phẩm giá đạo đức.

Theo Bác sỹ Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, y thuật là vấn đề có thể đổi thay nhưng y đức là vấn đề muôn thuở. Lời căn dặn của Bác Hồ khi Người về thăm bệnh xá Vân Đình cách nay 47 năm đã thấm qua nhiều thế hệ thầy thuốc ở đây: “Bệnh viện Đa khoa Vân Đình rất vinh dự được Bác đã về thăm, Bác đã dạy phải có thuốc hay, cơm ngon và thái độ phục vụ tốt. Bác muốn nêu lên Y đức của người thầy thuốc. Trong những năm qua,  Bệnh viện đã ghi sâu lời Bác dạy, nhiều năm đạt được thành tích là bệnh viện xuất sắc toàn diện. Bệnh viện sẽ tiếp tục phấn đấu nâng hạng từ bệnh viện hạng 3 lên hạng 2.”

Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, việc làm theo lời Bác Hồ dạy của ngành y tế đều được thể hiện rõ nét. Trong kháng chiến chống Pháp, một đạo quân thầy thuốc do giáo sư Tôn Thất Tùng dẫn đầu, sẵn sàng lao vào lửa đạn để cứu chữa thương binh và dân công hoả tuyến; nhiều người hy sinh nhưng không thấy ai lùi bước.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đội ngũ y, bác sĩ xung phong ra mặt trận có cả Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch. Ông đã hy sinh khi công việc chống bệnh sốt rét cho đồng bào và chiến sỹ ta tại các vùng rừng núi chưa hoàn thành. Tiếp đó, giáo sư Đặng Văn Ngữ đã thành công khi tìm ra thuốc ngăn chặn bệnh sốt rét ở chiến trường miền Nam.

Kết thúc chiến tranh, điều kiện đất nước còn vô cùng khó khăn nhưng vẫn có những thành tựu y học như: mổ gan khô của giáo sư Tôn Thất Tùng, châm cứu của bác sỹ Nguyễn Tài Thu, chữa bỏng của bác sỹ Đặng Văn Chung. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam, mà còn góp phần vào nền tri thức y học thế giới… Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, nhiều kỹ thuật y tế hiện đại không còn xa lạ đối với người dân. Thậm chí ở một số lĩnh vực, Việt Nam đã triển khai thành công trong khi nhiều nước còn đang tranh luận. Nổi bật là lĩnh vực Nhi khoa.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm- Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Có những phẫu thuật nước ta tiến hành đầu tiên. Ví dụ kỹ thuật teo di sàng bằng nội soi kết hợp đường qua hậu môn là nước mình làm đầu tiên, kỹ thuật mổ thoát vị lưu hành bằng nội soi lồng ngực với trẻ sơ sinh nước ta cũng làm đầu tiên và cũng có kinh nghiệm nhiều nhất trên thế giới về vấn đề này. Kỹ thuật cắt màng tim rộng rãi để điều trị viêm hở màng tim hay kỹ thuật cắt u nang bừng kỹ thuật nội soi trong khi thế giới còn đang thảo luận, tranh luận với nhau có nên làm hay không, có làm được không thì ở nước ta đã tiến hành 200 trường hợp với kết quả rất tốt.”

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", trong những năm qua, toàn ngành y tế nỗ lực vượt nhiều khó khăn, thực hiện có hiệu quả sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập. Những tri thức tiên tiến của y học thế giới được cập nhật thường xuyên. Phương tiện hiện đại và thuốc chữa bệnh được tăng cường. Thầy thuốc lại được đào tạo bài bản hơn. Mạng lưới y tế cơ sở đạt nhiều thành tựu quan trọng. 80% số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% số xã có trạm y tế ; trong đó gần 2/3 xã đạt chuẩn quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: “4/4 chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho ngành y tế trong năm qua đã đạt và vượt. Đây là một sự cố gắng rất lớn vì trong 2 năm qua kinh tế xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Ngành cũng đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể đã ngăn chặn được dịch cúm A/H1N1, giảm bệnh nhân sốt xuất huyết, sốt rét, giảm bệnh nhân nhiễm HIV. Đặc biệt năm thứ 2 thực hiện đề án 1816 giúp cho cơ sở giảm chuyển tuyến trên khoảng 30%...”

Tuy nhiên, ngành y tế nước ta cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như sự phát triển chưa đồng đều ở mỗi cấp, vùng, miền. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa đảm bảo. Nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay, một bộ phận thầy thuốc còn có biểu hiện nhũng nhiễu đối với người bệnh quên đi sự nghiệp lớn là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân mà nhiều thế hệ cha, anh đã dày công vun đắp.

Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam luôn tự hào về những gương sáng ngành y như Hoàng Tích Chí, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… Những cái tên này đã trở nên thân thuộc khi là tên của nhiều tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội. Hơn lúc nào hết, ngành y tế cần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và xây dựng nền y tế nước nhà “hiện đại, hiệu quả, phát triển và công bằng”, góp phần làm cho dân cường, nước thịnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.

Văn Hải (VOV)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất