Sở Giao dịch NHNo&PTNT Việt Nam (Sở Giao dịch) được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại đầu mối tổ chức là Sở kinh doanh hối đoái NHNo& PTNT. Sở giao dịch là đầu mối thực hiện các nghiệp vụ theo uỷ quyền của NHNo&PTNT Việt Nam, vừa kinh doanh trực tiếp như một chi nhánh NHNo & PTNT trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Sở Giao dịch được giao các nhiệm vụ: Hoạt động quản trị mạng SWIFT, đầu mối thanh toán quốc tế và hoạt động ngân hàng đại lý. Đến 30/04/2009, Sở Giao dịch đã duy trì và mở rộng quan hệ với 1.022 Ngân hàng đại lý tại 96 nước trên thế giới; thiết lập, cài đặt và thực hiện thanh toán quốc tế trực tiếp qua mạng Swift nội bộ với 180 chi nhánh (tăng 145 chi nhánh so với năm 1999), đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán quốc tế cho khách hàng của toàn hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam. Ngoài ra Sở Giao dịch còn có nhiệm vụ Quản lý và kinh doanh vốn, đầu mối kinh doanh ngoại tệ và dịch vụ kiều hối WU và quản lý ngoại tệ mặt. Đây là những nhiệm vụ đặc thù đối với Sở Giao dịch.
Sở Giao dịch có tổng số 205 cán bộ; số cán bộ có bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ chiếm 98%. Đến nay Sở Giao dịch hình thành 14 phòng nghiệp vụ với biên chế 197 cán bộ, tuổi đời bình quân là 31; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, khả năng đáp ứng công việc của từng người đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ chung.
Những năm qua, Đảng uỷ và Ban Giám đốc Sở giao dịch luôn coi trọng việc tổ chức và phát động các phong trào thi đua trong CBCNV, lao động và coi đó như là một công cụ điều hành hữu hiệu để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh doanh. Cấp uỷ Đảng định hướng chủ trương, chỉ đạo, lãnh đạo Sở Giao dịch ra quyết định và tạo mọi điều kiện, các đoàn thể phối hợp tổ chức và duy trì các phong trào đạt hiệu quả thiết thực. Trong 10 năm qua, Sở Giao dịch đã phát động nhiều phong trào thi đua: Thi đua theo chủ đề nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm; kỷ niệm ngày thành lập ngành ngân hàng; chào mừng Đại hội Đảng; phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập NHNo&PTNT Việt Nam; phong trào thi đua mừng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...Thi đua theo chuyên đề căn cứ vào những nhiệm vụ cụ thể của từng khối công tác. Các phong trào thi đua như “xây dựng đơn vị Ngân hàng trong sạch vững mạnh”; phong trào thi đua “ hai giỏi”; phong trào thi đua “ kinh doanh có hiệu quả”, thi đua học tập và nhất là “làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”...đã được hầu hết cán bộ trong Sở Giao dịch tham gia, trong đó lực lượng đoàn viên trẻ luôn luôn đi đầu, với nhiều hình thức như tổ chức các cuộc thi,
Để triển khai công tác thi đua cụ thể, thiết thực, việc xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chuẩn thi đua được chuẩn bị ngay từ cấp cơ sở, để các phòng, ban nghiệp vụ nghiên cứu, bàn bạc góp ý và đăng ký chỉ tiêu thi đua. Những tiêu chuẩn thi đua được soạn thảo gắn sát với nhiệm vụ cụ thể của Sở Giao dịch, các phòng, ban...
Hội đồng thi đua thường tổ chức họp giao ban định kỳ để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các phong trào thi đua, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua, từ đó có các biện pháp chỉ đạo kịp thời; kết thúc mỗi đợt thi đua thường tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện và khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc. Đặc biệt, sau mỗi phong trào thi đua đều rút kinh nghiệm, nêu bài học về tiêu chuẩn, phương thức tiến hành...Có sự phối hợp tốt giữa các tổ chức Đảng, Ban giám đốc, Công đoàn trong triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua.
Có thể nói, chính từ các phong trào thi đua mà nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt về các mặt được phát hiện, là nhân tố thúc đẩy phong trào vừa sâu, vừa rộng, thiết thực, nhiều nhân tố mới được khen thưởng qua các đợt thi đua là nguồn nhân lực cho Đảng. Các phong trào thi đua đã góp phần gắn kết mỗi thành viên phấn đấu vì nhiệm vụ chung của cơ quan. Hàng chục chị em của Sở Giao dịch đã được bình chọn, tôn vinh là những tấm gương trung thực, liêm khiết trả lại tiền cho khách hàng với số món, số tiền lớn; nhiều sáng tạo trong công tác chuyên môn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó đã động viên, phát huy được sức mạnh tập thể phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính và các nhiệm vụ khác được giao.
Điển hình là chị Phạm Thị Bích Loan, Trưởng phòng Kinh doanh Ngoại tệ và Thanh toán Quốc tế Sở Giao dịch, đảng viên, giỏi nghiệp vụ chuyên môn, nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, đạt danh hiệu “phụ nữ hai giỏi” ngành ngân hàng nói chung, NHNo&PTNT VN nói riêng, luôn tự tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức nghiệp vụ từ thực tế, từ các ngân hàng bạn phục vụ công tác chung.
Đó là Đỗ Giang Nam, Phó trưởng Phòng Tín dụng thuộc Sở Giao dịch, luôn nêu cao trách nhiệm trong công tác chuyên môn, tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cùng tập thể góp phần lớn đưa hoạt động tín dụng của Sở Giao dịch tăng trưởng, an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, đó là Nguyễn Tiến Đông, Tiến sỹ kinh tế, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Sở Giao dịch. Công việc đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn năng động, sáng tạo, nắm bắt và xử lý thông tin một cách nhạy bén…Anh đã cùng tập thể Ban lãnh đạo Đảng bộ, chỉ đạo, đề ra các biện pháp hữu hiệu điều hành tập thể CBCNV hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Nhờ đó, kết quả tài chính qua các năm đều có sự tăng trưởng cao.
Từ năm 2004 - 2008 nguồn vốn tăng trưởng tại Sở Giao dịch đạt bình quân 27%, dư nợ tăng trưởng bình quân đạt 53%, kinh doanh dịch vụ có mức tăng trưởng cao và vững chắc, chất lượng tín dụng, nợ xấu dưới mức khống chế của ngành...Nguyễn Tiến Đông và ban lãnh đạo Sở Giao dịch luôn là những người đi đầu trong các phong trào thi đua, hạt nhân thu hút và gắn kết mọi người cùng thi đua vì sự phát triển của đơn vị; hàng chục cá nhân, tập thể là những điển hình được các cấp khen thưởng đã thực sự là những tấm gương để mọi người học tập, noi theo.
Kết quả thi đua của tập thể Sở Giao dịch những năm qua đã được lãnh đạo các cấp đánh giá đúng mực: Nhiều tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen, Huân chương Lao động; năm 2006, 2007, 2008 Sở Giao dịch liên tục được tặng Cờ thi đua của Chính Phủ, từ năm 2001 đến nay là“đơn vị xuất sắc nhất toàn hệ thống” ; “Đơn vị trong sạch vững mạnh xuất sắc”, đạt giải nhất và giải nhì các năm về“Đề án phát triển kinh doanh trên địa bàn đô thị loại I”; cùng nhiều danh hiệu thi đua xuất sắc cho các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên; có sự phối hợp tốt giữa cấp uỷ Đảng, Ban giám đốc, Công đoàn trong triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, động viên cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đơn vị trong sạch vững mạnh, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh hàng năm, tăng trưởng bền vững các chỉ tiêu được giao.
Bài học mà tập thể ở đây rút ra từ thực tiễn phát triển đơn vị trên các mặt là: Con người ở đây, cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức của đơn vị, luôn là gốc của mọi thành công; vì vậy lãnh đạo Sở Giao dịch xác định phải luôn định hướng, lãnh đạo trong việc đào tạo, bỗi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn rèn luyện đạo đức, phong cách, phẩm chất và văn hoá nghề nghiệp ngân hàng, đi đôi với chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho họ. Đồng thời, nắm bắt tư tưởng tâm trạng, động viên khuyến khích và tôn vinh kịp thời, đúng mực những nhân tố tích cực, có tác động tốt đến tập thể. Mọi quy chế, quy định phải rõ ràng, công khai, công bằng, dân chủ, thưởng - phạt phải phân minh trên tinh thần xây dựng, tôn trọng văn hoá, nhân văn.
Phát huy truyền thống hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, tập thể cán bộ viên chức Sở giao dịch đang tiệp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh, đưa hoạt động kinh doanh phát triển bền vững và lên tầm cao mới./.
Thu Hiền