Thứ Bảy, 23/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 24/5/2019 8:24'(GMT+7)

Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của ILO là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 23/5, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 để thẩm tra việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước số 98).

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu chủ trì Phiên họp.

Trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, cho biết Công ước số 98 là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được Hội nghị toàn thể của ILO thông qua ngày 1/7/1949.

Tính đến tháng 1/2019, đã có 165/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế-quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc gia nhập Công ước số 98 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế-xã hội.

Việc gia nhập Công ước góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên ILO.

Việc gia nhập Công ước số 98 là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (có hiệu lực từ ngày 14/1/2019); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) đang chuẩn bị ký kết.

Báo cáo thuyết minh về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng quốc tế, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ những đánh giá tác động của việc gia nhập Công ước số 98.

Theo đó, việc gia nhập Công ước sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể, tăng cường quan hệ lao động hài hòa, tạo ra môi trường lao động ổn định, có thể dự báo và quản lý được các xung đột giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Bên cạnh đó, thương lượng tập thể hiệu quả giúp doanh nghiệp và Chính phủ đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời dựa trên những thông tin thường xuyên thu thập được thông qua quá trình thương lượng, giúp đảm bảo sự ổn định trong chính doanh nghiệp, từ đó góp phần đảm bảo sự ổn định của từng địa phương và cả nước. Hệ thống thương lượng tập thể minh bạch, hiệu quả sẽ góp phần làm cho việc phân chia thu nhập công bằng hơn ở cấp độ xã hội.

Ở khía cạnh kinh tế-xã hội, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho người lao động và người sử dụng lao động thiết lập các tiêu chuẩn lao động khác trong quan hệ lao động. Việc gia nhập và thi hành Công ước số 98 khẳng định Việt Nam tôn trọng các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, không làm tăng chi phí xã hội và chi phí thực hiện.

Tại Phiên họp, các đại biểu đều nhất trí tán thành việc cần thiết phải tham gia Công ước số 98 trong thời điểm hiện nay. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định đến nay, Việt Nam không thể không tham gia Công ước số 98.

Đánh giá hồ sơ gia nhập Công ước số 98 của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng quy định theo Luật Điều ước quốc tế. Đề nghị Quốc hội phê chuẩn Công ước, ông Bùi Sỹ Lợi cũng lưu ý về việc khi tham gia Công ước số 98 có phải sửa đổi Luật Công đoàn hay không.

Về điểm này, một số ý kiến tại Phiên họp đề nghị làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến nội luật hóa Công ước số 98 như: Những quy định hiện hành về công đoàn trong Luật Công đoàn năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015, một số nghị đinh quy định về công đoàn trong khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có trái với quy định của Công ước số 98 hay không; việc gia nhập Công ước số 98 vào thời điểm một số điều khoản về công đoàn chưa được sửa đổi trong các luật có trái quy định không. Bên cạnh đó, khi tham gia Công ước này, vị thế vai trò của tổ chức công đoàn như thế nào...

Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các ý kiến tại Phiên họp này đã được ghi nhận, tổng hợp và sẽ được đưa ra thảo luận trước Quốc hội nhằm giúp các đại biểu Quốc hội nắm rõ nội dung và quá trình Việt Nam gia nhập Công ước số 98, tiến tới biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV ngày 14/6 tới./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất