Thứ Tư, 25/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 7/6/2017 20:7'(GMT+7)

Ngày 8/6: Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 14 dự án luật khác.

Từ kỳ họp thứ nhất đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, Nghị quyết điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 13 luật, 3 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác. Đến nay, 13/13 dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến đã được chuẩn bị, bảo đảm điều kiện trình Quốc hội. Trong số 4 dự án pháp lệnh thuộc Chương trình năm 2016, có 1 dự án được thông qua nhưng thay đổi hình thức văn bản thành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 3 dự án được Chính phủ đề nghị chuyển thành luật và sẽ được nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng cũng như tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật đã có những chuyển biến tích cực. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành được quan tâm hơn.

Tờ trình cũng cho biết các nội dung cụ thể về điều chỉnh của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và theo đó sau khi điều chỉnh, tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua 13 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến về 5 dự án luật.

Tại kỳ họp thứ 4, trình Quốc hội thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật (trong đó có 02 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể thông qua ngay tại 1 kỳ họp).

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 gồm có 24 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét, thông qua 10 luật, 1 nghị quyết (trong đó có 2 dự án nếu bảo đảm điều kiện thì có thể được thông qua ngay tại kỳ họp thứ 4 khi trình Quốc hội lần đầu); cho ý kiến về 9 dự án luật. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 10 luật và cho ý kiến về 4 dự án luật khác.

Về dự án Luật Thủy lợi, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này gồm 10 Chương, 63 Điều. Những nội dung cần tiếp tục xin ý kiến Quốc hội gồm: i) phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật; ii) quy hoạch thủy lợi (Chương II); iii) về đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (Chương III); iv) về quản lý, khai thác công trình thủy lợi (mục 1, Chương IV), trong đó, kiến nghị giữ nguyên như dự thảo về việc quy định trách nhiệm UBND cấp tỉnh quản lý hoặc ủy quyền quản lý công trình thủy lợi cho UBND cấp huyện; v) về dịch vụ thủy lợi (Chương V) quy định thẩm quyền quyết định giá đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn tỉnh do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Bộ Tài chính quy định; vi) về bảo vệ công trình thuỷ lợi (Chương VI); vii) bổ sung trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, đồng thời chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung mới về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi (Điều 58)./.

Theo chinhphu.vn


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất