Theo kết quả điều tra mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, số người mắc
bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đang tăng nhanh, điều đáng lo ngại là bệnh xuất
hiện ở lứa tuổi thanh niên ngày càng nhiều.
Trong hội thảo quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường tổ chức chiều 23/5, tại
Hà Nội, giáo sư Thái Hồng Quang – Phó Chủ tịch Hội Nội tiết Việt Nam dẫn chứng,
tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã phát hiện nhiều trường hợp đái tháo đường
tuýp 2 xảy ra ở vị thành niên có thừa cân, béo phì.
Theo
nghiên cứu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, năm 2002 cả nước chỉ có 2,7% dân
số mắc bệnh đái tháo đường, nhưng đến nay tỷ lệ này đã tăng lên gần 5,7% và có
tới 60% số người mắc bệnh chưa được chẩn đoán, không được điều trị nên dễ gây ra
biến chứng nặng.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra, bệnh đái tháo đường đang
tăng nhanh không chỉ ở các khu công nghiệp, thành phố mà còn cả miền núi, trung
du. Đặc biệt, nhận thức chung của cộng đồng về bệnh đái tháo đường còn thấp, tỷ
lệ người dân từ 30-69 tuổi hiểu biết đầy đủ về phòng chống bệnh đái tháo đường
dưới 10%.
Phân tích về việc ngày càng có nhiều người mắc bệnh đái tháo
đường, ông Quang cho hay nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại, cơ cấu bữa ăn
được cải thiện, người dân ăn nhiều chất béo hơn. Thêm vào đó, việc người dân ít
vận động do sử dụng các phương tiện cơ giới hiện đại, nên nguy cơ mắc bệnh gia
tăng… Đặc biệt, tỷ lệ người thừa cân, béo phì ở lứa tuổi thiếu niên tăng là nguy
cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Theo ông Quang, bệnh đái tháo đường
thường diễn biến âm thầm, vì vậy có nhiều trường hợp bệnh nhận khi được phát
hiện thì có những biến chứng nặng nề về tim mạch, mạch máu, suy thận… Nguy hại
hơn là số người bị bệnh thường điều trị muộn, khi đó đã có biến chứng và có thể
tử vong ở lứa tuổi 50-60.
Khảo sát của ngành y tế cho thấy, trong số
những trường hợp lần đầu tiên đến khám bệnh đái tháo đường tuýp 2 thì có tới một
nửa số người đã biến chứng nguy hiểm về tim mạch, mạch máu ngoại vi, thận và
mắt. Vì vậy, người bệnh dễ bị mù lòa, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và loét chân,
nhiễm trùng.
Trước thực trạng đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã
triển khai Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh đái tháo đường giai đoạn
2013-2020. Giải pháp quan trọng nhất được đưa ra tại chiến lược là từ nay đến
2016, ngành y tế sẽ tăng cường phát hiện sớm, quản lý các đối tượng nguy cơ cao
như những người từ 45 tuổi trở lên, người có các biểu hiện rối loạn lipid máu
hay những phụ nữ trong thời gian có thai bị đái tháo đường thai kỳ.
Thông qua việc tấm soát và sàng lọc đối tượng nguy cơ mắc bệnh như vậy,
ngành y tế sẽ xây dựng các biện pháp can thiệp kịp thời làm giảm số người mắc
bệnh. Bên cạnh đó, các chuyên gia về nội tiết sẽ hướng dẫn cho những người có
nguy cơ mắc bệnh ăn đủ chất đạm, béo, đường, bột với khối lượng hợp lý; duy trì
được hoạt động tập thể dục hàng ngày; duy trì được cân nặng ở mức cân nặng lý
tưởng hoặc giảm cân đến mức hợp lý.../.
Thùy Giang
(Vietnam+)