Chủ Nhật, 24/11/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 19/2/2019 9:49'(GMT+7)

Ngày thơ Việt Nam: Gặp những nhà thơ dân tộc Chăm

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara

Trên nền tảng truyền thống và bản sắc riêng, tiếp nhận kho văn học cổ điển đồ sộ của dân tộc mình, một số nhà thơ dân tộc Chăm đã mang đến cho nền thi ca các dân tộc thiểu số Việt Nam những giọng thơ mới lạ như: Inrasara, Trà Viya, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Ysa Umơ…Thời gian qua, họ đã mang đến công chúng yêu thơ những tác phẩm song ngữ Chăm - Việt, góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc, đồng thời tạo được những nét riêng cho vốn ngôn ngữ văn chương các dân tộc thiểu số và nền thơ Việt Nam. 

Inrasara sinh năm 1957, tại làng Cakleng - Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ông làm thơ từ lúc 15 tuổi nhưng mãi đến năm 40 tuổi mới đăng báo bài thơ đầu tiên: Tháp nắng. Sau đó ông liên tục cho xuất bản các sáng tác của mình, cả thơ lẫn tiểu thuyết.

Với phong cách thơ độc đáo và giàu triết lí nên thơ của ông thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận công chúng, các nhà phê bình lên giới nghiên cứu. Sau đây là trích đoạn bài thơ Tháp nắng của ông:

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thanh cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp

Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

Đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét

Và của đôi mắt tháp Chăm mất ngủ xanh xao


Sức nghĩ của nhà thơ Inrasara dồi dào và mạnh mẽ, sâu sắc và hiện đại. Ngòi bút của Inrasara chạm được vào những vấn đề cốt tử của nghệ thuật. Inrasara đã sống thực với đời sống văn chương hiện đại. Sáng tác của ông có thể che lấp được những định kiến hẹp hòi. Inrasara góp công không nhỏ vào công cuộc đổi mới văn học, đổi mới cách tư duy và lối viết.  Inrasara là tác giả của hơn 20 tập thơ, công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm đồng thời là chủ nhân của nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

Ông Inrasara chia sẻ: "Thực ra công việc chính của tôi là nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn chương và ngôn ngữ Chăm. Tôi làm thơ song ngữ Việt và Chăm. Tôi còn học được nhiều điều từ nền thơ ca dân tộc Chăm từ các thể thơ, ý tưởng và những cấu trúc bất ngờ đến cách đứt quãng trong thơ cổ Chăm để đưa vào thơ của mình. Hiện tôi còn là chủ biên Tuyển tập Tagalau do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam xuất bản, tập hợp các sáng tác của các tác giả Chăm đương thời. Tuyển tập này đã ra được 21 số, hi vọng sẽ tiếp tục được ấn hành 2 số mỗi năm."
Nếu như nhà thơ Inrasara được nhiều người yêu thơ biết đến với một phong cách thơ độc đáo và giàu triết lí thì phong cách thơ của nhà thơ Trà Vigia giàu chất suy tưởng, luôn tìm tòi thể nghiệm lối viết mới. Ngôn ngữ thơ nhiều góc cạnh, tứ thơ chuyển bất ngờ,  vỡ vạc những ẩn khuất của tâm hồn con người Chăm hiện tại .

Trà Vigia sinh năm 1957, năm mười lăm tuổi ông đã có thơ đăng ở Panrang, nội san của cộng đồng Chăm Phan Rang trước 1975. Các bài thơ tuổi thiếu niên ấy đã thuyết phục được thế hệ cha chú. Ông viết cả thơ tiếng Việt lẫn tiếng Chăm. Mỗi bài thơ của ông đều để lại những dư âm trong lòng người đọc. Trà Vigia viết hơn trăm bài thơ. Từ thể thơ năm chữ, tám chữ, lục bát cho đến tự do. Thể nghiệm, ông đi từ cổ điển đến hiện đại sang tận hậu hiện đại. Cổ điển, giọng thơ Trà đi đến tận cùng của cổ điển, nhưng chính giọng hiện đại là giọng đặc thù của Trà Vigia giai đoạn đầu. Ở đó, bài “Miên du” là một. Thơ như nói, chắc khừ và dứt khoát:

Mùa xuân bao lần phai phôi /nào hay biết

Đời người bao lần bai bôi / hoài lỡ bước

Que củi cháy để lại than hồng / Que diêm cháy bay vào hư không

Cũng là người say mê làm thơ, ông Ysa Umơ năm nay hơn 50 tuổi ở TPHCM là người Chăm theo đạo Hồi giáo. Ông làm thơ từ năm 2004 nhưng mãi đến năm 2016 mới đưa bài thơ đầu tiên: “Thăm biển đảo quê hương” bằng thư pháp Chăm và Việt tham gia Hội Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM và đạt giải khuyến khích. Trong quá trình sáng tác, ông đã mang ít nhiều cách nghĩ, lối sống gắn với tôn giáo vào thơ của mình làm cho giọng điệu thơ thêm mới lạ. Ông Ysa Umơ cho biết, ông sáng tác bài thơ “Thăm biển đảo quê hương” năm 2014, nhân dịp đi ra thăm huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Mỗi lần đọc lại bài thơ trên tôi đều có cảm xúc riêng: “Khi đặt chân đến đảo Sinh Tồn tôi chứng kiến cảnh những chiến sĩ vất vả ngày đêm canh giữ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc cho chúng ta cuộc sống bình yên nơi đất liền, tôi rất xúc động. Khi trở về tôi viết lên bài thơ này.”

Nói về những đóng góp của ông Ysa Umơ cho thơ ca dân tộc Chăm tại TPHCM,  Tiến sĩ Phú Văn Hẳn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tại TPHCM cho biết: "Anh Ysa Umơ là hội viên của Hội, anh có rất nhiều tác phẩm thơ viết về quê hương đổi mới, đời sống người Chăm…góp phần bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Chăm. Lối viết của anh, vần thơ của anh trong bài thơ“Thăm biển đảo quê hương” rất gần gũi, dễ đi vào lòng người, lột tả được những tình cảm của người con dân tộc Chăm, người dân trên đất liền đến thăm huyện đảo Trường Sa thân yêu.”

So với những nhà thơ Chăm trên đây, thì Jalau Anek sinh năm 1975 được xem là nhà thơ Chăm sinh sau đẻ muộn, nhưng có nhiều tác phẩm với cách thể hiện hiện đại nói lên tâm tình thế hệ Chăm sinh sau 1975.

Ngôn ngữ thơ của anh rất đời thường, khỏe khoắn, dân tộc mà “ không thiếu thế giới”. Câu thơ ngắn gọn, đầy tính cảnh báo vừa xót đau vừa phẫn nộ về một thế hệ mới hứa hẹn nhiều tương lai nhưng cũng ẩn náu không ít  nguy cơ về sự vong thân, tha hóa:

Ngọn tháp của ngày xưa

Ngôn ngữ đẹp của Ariya ngày xưa

Điệu múa kỳ ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa

Bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thưở thiếu thời là của ngày xưa tất…

Bây giờ lai căng lập dị khác thường…


Trích đoạn trên trong bài thơ “ Dưới vòm trời là những mái nhà” của tác giải Jalau Anek.

Những đóng góp của các nhà thơ dân tộc Chăm như: Inrasara, Trà Vigia, Jalau Anek, Ysa Umơ… trên đây đã tạo nên diện mạo văn chương hiện đại Chăm khá độc đáo, đồng thời góp phần tạo nét riêng, mới lạ cho nền thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam./.

Theo vov.vn

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất