Văn học, thi ca giúp rút ngắn mọi khoảng cách là ghi nhận của hầu hết
các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ
IV, Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức,
khai mạc trọng thể ngày 16/2, tại Hà Nội.
Tham dự sự kiện có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; đại
diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành cùng gần 200 nhà thơ, nhà văn dịch
giả… đến từ 46 quốc gia trên thế giới.
Đây là sự kiện giao lưu văn hóa lớn của đất nước, thu hút sự tham dự của
đông đảo của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nơi trên thế
giới.
Các đại biểu tham dự cùng nhau trao đổi sâu hơn về nghề nghiệp; tìm cách
làm cho văn học, giao lưu văn hóa, sức chinh phục của ngôn ngữ ngày
càng trở nên mạnh mẽ hơn trước những vấn đề đặt ra cho toàn nhân loại.
Thông qua hoạt động giao lưu văn học, thi ca lần này, Ban tổ chức hy
vọng có thể gắn kết lương tâm, đẩy lùi mọi hiểm họa bắt đầu từ con
người, vì con người, cho con người.
Tại sự kiện, các đại biểu cho biết, gần 20 năm qua, kể từ Hội nghị quảng
bá văn học lần thứ Nhất năm 2002 đã có thêm nhiều tác phẩm văn học của
Việt Nam được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế
giới, được đón nhận một cách trân trọng. Trong đó có những tác phẩm được
tặng giải thưởng tại các Hội chợ sách quốc tế, của các nhà xuất bản, tổ
chức văn học quốc gia.
Tập thơ
“Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu
tiên được dịch, xuất bản tại các quốc gia Mỹ Latinh. Ngoài sách văn học,
các tác phẩm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của Tổng Bí thư, Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng đã được dịch và xuất bản tại một số quốc gia.
Nhiều tạp chí văn học lớn của thế giới đã ra số đặc biệt về văn học Việt
Nam.
Thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy ở các trường
đại học lớn trên thế giới. Song song với các hoạt động dịch thuật, xuất
bản, việc trao đổi các đoàn thăm, viết về đất nước của nhau diễn ra sôi
nổi, hiệu quả…
Với tinh thần mở cửa đón nhận các giá trị văn học của nhân loại, tại
Việt Nam, việc giới thiệu tác phẩm văn học của thế giới chưa bao giờ
diễn ra nhộn nhịp, cập nhật, thông thoáng như hiện nay. Sách dịch được
bạn đọc Việt Nam đón nhận nồng nhiệt và chiếm thị phần cao trên thị
trường sách của cả nước.
Chào mừng các nhà văn, nhà thơ đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên
thế giới đến Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh
nhấn mạnh trong thế kỷ trước, các nhà văn, nhà thơ thế giới đã có nhiều
sáng kiến, bằng nhiều hình thức sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong
cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của Tổ quốc; trong đó không ít người
đã bị truy nã, cầm tù, anh dũng hy sinh như những chiến sĩ của Việt Nam
ngoài mặt trận. Nhân dân Việt Nam luôn biết ơn những chiến sĩ quốc tế
cao cả đó...
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, văn học Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản
ánh sâu sắc hiện thực đất nước, khám phá chiều sâu của con người Việt
Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng; đồng
thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm
nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung, làm giàu cho thế giới.
Nhà thơ Fernando Rendon, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Nhà thơ Fernando Rendon, Chủ tịch Liên hoan thơ Quốc tế Medellin
(Colombia), Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á-Phi và Mỹ Latinh cho biết Hội
nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ quốc tế
lần thứ III đã tạo cho giới văn thơ thế giới bầu không khí mới, làm nhớ
lại ước mơ vĩ đại về độc lập và hòa bình.
Theo ông, phong trào thi ca quốc tế với hàng nghìn các nhà thơ trên thế
giới đã làm nên nhiều kỳ tích trong 2 năm qua tại 410 thành phố ở 150
quốc gia với mục tiêu vì một thế giới không ngăn cách qua hàng nghìn
hoạt động thi ca.
Phong trào thi ca quốc tế là "dòng sông đầy nước", luôn chảy với các "vụ
mùa bội thu" bằng các đợt liên hoan và nhiều hoạt động tích cực khác.
Ngôn ngữ thi ca bắt đầu từ chiều sâu lịch sử của nhân loại sẽ trở thành
điều kỳ diệu nhất, trường tồn mãi mãi.
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV, Liên hoan thơ
quốc tế lần thứ III được tổ chức cùng với Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII
từ ngày 16-21/2, tại Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang.
Dịp này, 3 ấn phẩm “10 thế kỷ văn học Việt Nam,” tuyển tập thơ Việt Nam “Sông núi trên vai” và tuyển tập truyện ngắn Việt Nam hiện đại “Một loài chim trên sóng” sẽ được xuất bản bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh nhằm giới thiệu tới độc giả trong nước và quốc tế./.
(TTXVN)