Thứ Sáu, 6/12/2024
Môi trường
Thứ Hai, 22/4/2024 10:2'(GMT+7)

Ngày Trái Đất 22/4: Kêu gọi các quốc gia giảm 60% sản lượng nhựa

Ngày Trái đất là sự kiện thường niên nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau dọn dẹp và bảo tồn Trái đất - nơi sinh sống của khoảng 8 tỉ người và hàng nghìn tỉ sinh vật khác.

Ngày Trái đất bắt nguồn từ mối lo ngại ngày càng tăng về ô nhiễm vào những năm 1960, khi cuốn sách "Mùa xuân vắng lặng" (Silent Spring) của tác giả Rachel Carson được xuất bản năm 1962. Cuốn sách nói về thuốc trừ sâu DDT và tác hại của nó đối với chuỗi thức ăn. Sách đã nhanh chóng lọt vào danh sách bán chạy nhất và nâng cao nhận thức về sự cân bằng mong manh của thiên nhiên.

Ngày Trái đất diễn ra lần đầu tiên vào 22/4/1970, những năm sau đó, Ngày Trái đất được mở rộng và trở thành một sự kiện toàn cầu. Hiện nay, Ngày Trái đất đã lan tỏa đến hơn 192 quốc gia, với những chủ đề hành động thay đổi hằng năm, thu hút lượng lớn người hưởng ứng.

Ngày Trái Đất được Liên hợp quốc phát động vào ngày 22/4 hằng năm nhằm vận động mọi người nâng cao nhận thức về các giá trị của môi trường trên Trái Đất. Đây là thời điểm để mọi người hưởng ứng các phong trào bảo vệ môi trường, ngăn chặn các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn thế giới.

Năm 2000, Ngày Trái đất bắt đầu hướng tới chủ đề biến đổi khí hậu - vấn đề ngày càng cấp bách trong những năm gần đây. Năm 2024, Ngày Trái đất tập trung vào mối đe dọa mà nhựa gây ra cho môi trường của chúng ta, với chủ đề "Planet vs Plastic" (Hành tinh và Nhựa), đặt mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 và cuối cùng là xây dựng một tương lai không có nhựa cho các thế hệ mai sau.

Theo Earthday.org cho biết, hơn 500 tỉ túi nhựa - một triệu túi mỗi phút - được sản xuất trên toàn thế giới vào năm 2023. Nhiều túi nhựa chỉ được sử dụng trong vài phút, nhưng đã lưu lại suốt hàng thế kỷ. Ngay cả sau khi phân hủy, nhựa vẫn tồn tại dưới dạng vi nhựa, len lỏi vào mọi ngóc ngách của sự sống trên hành tinh.

Ngành thời trang nhanh sản xuất hơn 100 tỉ sản phẩm may mặc hằng năm. Mọi người hiện mua quần áo nhiều hơn 60% so với 15 năm trước, nhưng mỗi món đồ chỉ được giữ trong thời gian bằng một nửa. Khoảng 85% hàng may mặc được đưa vào bãi chôn lấp hoặc lò đốt, nhưng chỉ 1% được tái chế. Gần 70% quần áo được làm từ dầu thô, dẫn đến việc giải phóng các sợi microfiber (một loại sợi được sử dụng để làm vải, có cấu trúc siêu nhỏ - PV) khi giặt và tiếp tục góp phần gây ô nhiễm lâu dài ở các bãi chôn lấp.

Để đạt được mục tiêu giảm 60% sản lượng nhựa vào năm 2040 trang Earthday.org nhấn mạnh vào 4 yếu tố: Thứ nhất, nâng cao nhận thức rộng rãi của công chúng về tác hại do nhựa gây ra đối với con người, động vật và đa dạng sinh học, tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về ý nghĩa sức khỏe liên quan đến nhựa, thậm chí tiết lộ bất kỳ và tất cả thông tin liên quan đến tác động của nhựa cho cộng đồng được biết. Thứ hai, loại bỏ dần tất cả các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2030 và đạt được cam kết loại bỏ dần này trong Hiệp ước Liên hợp quốc về Ô nhiễm nhựa vào năm 2024. Thứ ba, yêu cầu các chính sách chấm dứt ngành công nghiệp thời trang nhanh và lượng nhựa khổng lồ mà ngành này sản xuất và sử dụng. Thứ tư, đầu tư vào công nghệ và vật liệu tiên tiến để xây dựng thế giới không có nhựa./.

TG

Phản hồi

Các tin khác