Chữ sớm tôi muốn bàn ở đây là chữ sớm trong các văn kiện Đảng, có
liên quan đến thời hạn thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa.
Ngày xuân, thời giờ đâu mà bàn chuyện chữ nghĩa. Chữ nghĩa mênh mông lắm. Chữ không có nghĩa, nghĩa tách khỏi chữ đều vô vị.
Chữ sớm là một từ thông dụng. Sớm được hiểu là khoảng thời gian lúc
mặt trời mọc. Dậy sớm hay dậy muộn là so với khoảng thời gian này.
Chữ sớm còn chỉ rõ một việc xảy ra trước thời điểm, thời hạn quy định. Như đến nơi làm việc sớm, hoàn thành sớm nhiệm vụ.
Chữ sớm trong các thành ngữ “sớm đầu tối đánh”, “sớm lửa tối đèn”, “sớm đào tối mận” lại có nghĩa hoàn toàn khác.
Chữ sớm tôi muốn bàn ở đây là chữ sớm trong các văn kiện Đảng, có
liên quan đến thời hạn thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa.
Đại hội IX của Đảng (2001), trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội 10 năm 2001-2010, nêu lên mục tiêu đến năm 2010: Đưa nước ta ra
khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta
cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đại hội X của Đảng (2006) thêm một chữ sớm vào vế thứ nhất, thành sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển…
Đại hội XII (2016) điều chỉnh: Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở
thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại (thay cụm từ đến năm 2020
bằng chữ sớm).
Vì sao vậy? Chỉ là chuyện chữ nghĩa sao? Không. Ở đây, chữ và nghĩa gắn với nhau làm một mà nghĩa là trước hết.
Chữ sớm Đại hội X dùng theo nghĩa phải đưa nước ta ra khỏi tình trạng
kém phát triển trước thời hạn năm 2010 (vượt kế hoạch). Còn chữ sớm
của Đại hội XII lại hàm ý việc đưa nước ta cơ bản trở thành nước công
nghiệp theo hướng hiện đại không thể thực hiện vào năm 2020, mà còn cần
thêm một thời gian, dẫu sao vẫn phải sớm, không thể chậm hơn nữa (dự
kiến đến năm 2020, vẫn còn 10/15 chỉ tiêu chưa đạt tiêu chí nước công
nghiệp).
Hai chữ sớm dùng trong hai trường hợp nêu trên dường như đối lập nhau
về nghĩa. Thật ra, phía sau hai chữ sớm đó là một định hướng. Đúng đắn
không?
Thực tế đã trả lời: Không phải đến năm 2010 mà từ năm 2009, nước ta
đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành nước đang phát triển
có thu nhập trung bình. Việt Nam đã vượt qua cái ngưỡng của nước thu
nhập thấp, theo Ngân hàng Thế giới (WB), là đến năm 2010, GDP bình quân
đầu người 900 USD. Năm này, GDP bình quân/người của ta đã là hơn 1.100
USD.
Rồi đây, trong 5 năm tới, nếu chúng ta phấn đấu đạt được các chỉ tiêu
quan trọng về kinh tế - xã hội trong kế hoạch 2010-2020 thì việc tạo
nền tảng để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại
sẽ là hiện thực vào mấy năm tiếp theo.
Nhân bàn về chữ sớm, tôi bỗng nhớ lại những lần tranh luận trước đây về ý chí và duy ý chí.
Đúng là Đại hội VI (1986) đã nghiêm khắc phê phán bệnh chủ quan, duy ý
chí, muốn thực hiện nhanh chóng nhiều mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
trong điều kiện nước ta mới ở chặng đường đầu tiên. Đại hội rút ra bài
học: Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động
theo quy luật khách quan.
Nhưng phê phán bệnh duy ý chí không có nghĩa là không đề cao ý chí.
Vì ý chí là động lực tinh thần to lớn, là cái đòn xeo quan trọng cho
hành động. Bác Hồ dạy thanh niên: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng
không bền/ Đào núi và lấp biển/ Có chí ắt làm nên”.
Đã có thời ta cho rằng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa có thể làm
xong trong vài mươi năm. Sai lầm này không đơn thuần do bệnh duy ý chí
mà còn do nhận thức hạn hẹp về công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa theo
kiểu cũ.
Đổi mới đã đưa lại cho chúng ta nhận thức mới, chuyển từ quan niệm
“công nghiệp hóa” sang “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. Công
nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa trở thành quy luật.
Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại theo Nghị quyết Đại hội XII phải được coi là hợp quy luật, và
đấy là một nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa rất cấp bách.
Thử nghĩ xem.
Sau 30 năm đổi mới, dẫu đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý
nghĩa lịch sử, Đảng ta vẫn cảnh báo rằng nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh
tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại.
Mục tiêu tổng quát nêu trong Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm
2011) là: Từ nay đến giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức
phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại,
theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Có lẽ nào chúng ta lại không thể nhanh chân hơn trong bước đi công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đại hội XII đã vạch ra!
Hà Đăng
Nguồn: Nhân Dân