Kính thưa Đoàn Chủ tịch!
Kính thưa các vị khách quý, các đồng chí đại biểu!
Kính thưa Đại hội!
Tôi rất phấn khởi được thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tham luận tại Đại hội XII của Đảng. Trước hết, tôi trân trọng gửi đến Đoàn Chủ tịch và toàn thể Đại hội lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Thưa Đại hội!
Qua nghiên cứu các dự thảo văn kiện, nhận thấy các văn kiện đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có nhiều điểm mới, có tầm chiến lược. Tôi cơ bản nhất trí, đồng tình cao và xin được phát biểu về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Qua 30 năm đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, công tác tuyên giáo đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đúng như đánh giá được nêu trong Báo cáo: chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận có bước được nâng lên. Công tác tư tưởng được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tích cực đấu tranh với hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan công tác tuyên giáo cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, nổi bật là tính kịp thời, sức thuyết phục và tính chiến đấu chưa cao. Do vậy, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn có mặt hạn chế, việc giải quyết một số vấn đề bức xúc về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu.
Những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Đất nước, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ lớn xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức gay gắt hơn. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường chống phá trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi sự thống nhất và quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đó là những yêu cầu khách quan, cấp bách đặt ra đối với công tác tuyên giáo. Để đáp ứng yêu cầu hết sức nặng nề đó, đòi hỏi hệ thống tuyên giáo các cấp phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động gắn với tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên đối với công tác chính trị, tư tưởng.
Đổi mới công tác tuyên giáo đòi hỏi phải triển khai toàn diện, đồng bộ nhiều nội dung công việc. Trong đó, theo chúng tôi cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Gắn kết thường xuyên, chặt chẽ công tác tuyên giáo với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết từ sớm, từ gốc những vấn đề có thể dẫn đến nảy sinh những bức xúc về tư tưởng
Những bức xúc về tư tưởng bắt nguồn từ nhận thức, vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, chính sách xã hội, triển khai thực hiện các chủ trương mới về phát triển y tế, giáo dục – đào tạo, v.v. tác động đến quyền lợi, tư tưởng, tâm lý một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thực tiễn cho thấy, trước những bức xúc của nhân dân, dù mức độ phức tạp đến đâu nếu thông tin kịp thời, đúng đắn, để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì sự việc sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, bức xúc sẽ được giải tỏa. Ngược lại, dù sự việc không quá phức tạp, mức độ bức xúc chưa phải là đỉnh điểm, nhưng nếu thông tin không kịp thời, chậm trễ, không khách quan, định hướng không tốt thì sự việc dễ trở lên phức tạp làm “nóng” lên không có lợi cho công tác tư tưởng. Do vậy, công tác tuyên giáo không thể đi sau thực tiễn mà phải đi trước để dự báo, định hướng, đi trong các sự việc để nắm chắc tình hình, đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội và đúc kết kinh nghiệm. Làm được như vậy, công tác tuyên giáo mới gắn bó mật thiết và phục vụ thực tiễn một cách thiết thực, hiệu quả.
Ngày 27/4/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã ra Quyết định số 221-QĐ/TW ban hành “Quy chế phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân”. Thực hiện Quyết định của Ban Bí thư, hơn 6 năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tuyên giáo các cấp đã chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tham gia triển khai một số nhiệm vụ được đông đảo nhân dân và dư luận quan tâm. Thông qua đó, tác động tích cực giải tỏa những bức xúc của nhân dân. Tuy nhiên, sự phối hợp này chưa thường xuyên, chặt chẽ, phạm vi phối hợp còn hạn chế, vì vậy kết quả thu được mới chỉ là bước đầu.
Thời gian tới, cùng với đà phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, tính chất công việc sẽ phức tạp, với yêu cầu cao hơn, cần thiết phải sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Quyết định số 221-QĐ/TW để tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với các cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Đây thực chất là một trong những nội dung đổi mới công tác tuyên giáo. Làm cho công tác tuyên giáo ngày càng bám sát, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ chính trị, trở thành một mắt khâu không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng củng cố sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
2. Đổi mới công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện các nghị quyết của Đảng theo tinh thần đúng người, đúng việc, nâng cao tính định hướng đối với hoạt động thực tiễn
Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội trước hết bằng Cương lĩnh, đường lối, nghị quyết và những định hướng chính sách lớn. Do vậy, việc xây dựng, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những năm qua, công tác quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết của Trung ương đã có nhiều đổi mới. Các cấp ủy Đảng chú trọng lãnh đạo và trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Một số cấp ủy Đảng đã sử dụng, phát huy công nghệ thông tin trong việc phổ biến kịp thời, sâu rộng các nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Trung ương, địa phương và các cấp, các ngành được kiện toàn và có nhiều đóng góp tích cực.
Tuy nhiên, công tác quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng cũng còn có những hạn chế. Việc nghiên cứu, học tập nghị quyết còn mang tính dàn trải, chưa chú trọng đến đối tượng, lĩnh vực, địa bàn. Ở những mức độ khác nhau, cán bộ chủ chốt các cấp đều được tiếp thu những nội dung giống nhau, kể cả nghị quyết mang tính tổng hợp và mang tính chuyên đề, người cần nắm sâu cũng học tập như người chỉ cần nắm tinh thần cơ bản của nghị quyết. Báo cáo, truyền đạt, tuyên truyền nghị quyết thường quan tâm những nội dung về quan điểm, nhận thức, chưa coi trọng đúng mức việc quán triệt những nhiệm vụ, giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện. Phần nhiều, các chương trình hành động, kế hoạch triển khai còn mô phỏng nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của cấp trên, dàn trải, chưa sát với hoàn cảnh, điều kiện, yêu cầu của địa phương, đơn vị, nguồn lực bố trí không đảm bảo và chưa dành thời gian thỏa đáng thảo luận, phân tích kỹ những thuận lợi và khó khăn, có xu hướng dễ dãi thông qua nên khi thực hiện lúng túng, hiệu quả thấp.
Những hạn chế, thiếu sót này cần sớm được khắc phục. Trước hết, việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết cần được đổi mới theo hướng phân tầng nội dung, phân loại đối tượng phù hợp. Những cán bộ chủ chốt có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, quản lý những lĩnh vực mà nghị quyết đề cập cần nghiên cứu sâu, trao đổi kỹ để thấm nhuần đầy đủ, chuẩn xác những định hướng của Trung ương; những cán bộ hoạt động ở các lĩnh vực khác cần nắm vững những quan điểm cơ bản; đảng viên chỉ cần hiểu những tinh thần cốt lõi của nghị quyết.
Việc quán triệt, phổ biến nghị quyết của Trung ương trực tiếp do Thường trực cấp ủy phụ trách. Đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy nghiên cứu kỹ, tập trung xác định đúng và trúng những nội dung cốt lõi cần và có thể vận dụng sát hợp với điều kiện của địa phương, ngành, lĩnh vực của mình, định hướng cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện.
Khi giới thiệu nghị quyết cần coi trọng đồng thời việc định hướng nhận thức và định hướng hành động. Việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động phải được xem là trọng tâm của việc học tập nghị quyết. Chương trình, kế hoạch hành động cần cụ thể, nêu rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, các điều kiện, cơ chế, chính sách, nguồn lực bảo đảm, lộ trình triển khai, phân công rõ tổ chức, cá nhân đảm nhiệm, phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, giải đáp những vấn đề đặt ra, tạo sự đồng thuận, thể hiện quyết tâm chính trị cao ngay trong quá trình học tập triển khai nghị quyết.
Tinh thần khoa học, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả cần được thấm nhuần sâu sắc trong toàn bộ quá trình chuẩn bị, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng. Chỉ có như vậy, đường lối, chủ trương và quyết tâm chính trị của Trung ương mới có thể chuyển hóa thành nhận thức tự giác của toàn Đảng, định hướng đúng và trúng cho hoạt động thực tiễn của cán bộ, đảng viên, nhân dân và nghị quyết mới đi vào đời sống, trở thành hiện thực.
3. Phát huy sức mạnh tổng hợp, đồng bộ của các lực lượng,các phương pháp, thường xuyên, kiên quyết đấu tranh, làm thất bại những âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị
Công tác tư tưởng đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ giữa bồi đắp và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Không ngừng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Năm năm qua, cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng có bước tiến mới. Chúng ta đã tiến hành đồng bộ hơn cuộc đấu tranh tư tưởng với nhiều hình thức: tuyên truyền miệng, thông tin, báo chí, v.v. Đặc biệt, đã tăng cường đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ của các thế lực thù địch trên mạng internet. Cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ được chú trọng, nổi bật là việc tổ chức đối thoại với những người nói và viết trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy nhiên, đấu tranh phản bác tin xấu, độc trên mạng internet có việc còn chậm, hiệu quả thấp.
Sau Đại hội XII của Đảng, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Trọng tâm là ngăn chặn tác động của “diễn biến hòa bình”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ. Tiêu điểm là chủ động, kịp thời nắm bắt, kiên quyết phản bác các thông tin, luận điệu xấu, độc trên mạng internet.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, để giành thắng lợi trên mặt trận đấu tranh về tư tưởng, văn hóa, chúng ta cần đổi mới phương thức tổ chức lực lượng, hình thức, phương pháp đấu tranh. Kiện toàn các ban chỉ đạo, xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, kết nối, hiện đại, có cơ chế đặc thù để vận hành, đầu mối gắn kết thường xuyên là ban tuyên giáo các cấp, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp thường xuyên của thường trực các cấp ủy.
Ba mũi tấn công chủ yếu cần được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh là: tuyên truyền miệng – đối thoại trực tiếp – phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên mạng internet. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa những người làm công tác tuyên giáo, nghiên cứu lý luận, an ninh tư tưởng – văn hóa, công nghệ thông tin, bảo vệ chính trị nội bộ và các cơ quan hữu quan khác dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ của các cấp ủy Đảng.
4. Nhân tố quan trọng đảm bảo sự thành công của công tác tuyên giáo là phải đảm bảo tính khoa học, tính chiến đấu và tính thuyết phục
Nhìn lại chặng đường 86 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào dù ở bất cứ giai đoạn nào, trong hoàn cảnh nào, công tác tuyên giáo đều phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, nhân dân giao phó. Tuy nhiên, công tác tuyên giáo cũng còn nhiều hạn chế, như thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao, chưa thuyết phục. Vì vậy, phải đổi mới theo hướng:
Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn dựa trên nghiên cứu lý luận làm cơ sở cho công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo chỉ có hiệu quả khi có cơ sở khoa học, sát với thực tiễn. Bản thân tính khoa học là điều kiện cần thiết để nâng cao tính chiến đấu. Tính chiến đấu không phải “đao to búa lớn” mà là làm rõ đúng sai trên cơ sở khoa học. Trong điều kiện hiện nay, tính chiến đấu là để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo sự thống nhất trong Đảng và đồng thuận xã hội, nhằm phát huy cao nhất sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là đấu tranh với các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ nhân tố mới, mô hình mới.
Mặt khác, đối tượng của công tác tuyên giáo là con người, hoạt động tuyên giáo là tác động vào tư tưởng, tình cảm, nhận thức của con người. Do đó để đạt được hiệu quả, phải có tính thuyết phục cao. Khi trình độ dân trí càng cao, dân chủ ngày càng mở rộng, thông tin ngày càng đa chiều, thì phương pháp công tác tuyên giáo càng phải đổi mới, càng phải linh hoạt, mềm dẻo, tránh áp đặt, một chiều, phải chuyển mạnh từ độc thoại sang đối thoại, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Không tránh né những vấn đề nhạy cảm. Phải tăng cường tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, đối thoại, tranh luận với những người có quan điểm trái chiều, ý kiến khác, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để tìm ra chân lý, đó là con đường ngắn nhất để rút ngắn khoảng cách sự khác biệt về nhận thức và gần gũi với nhau hơn. Từ đó tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội.
5. Quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo
Đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần được xây dựng theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, có tính ổn định tương đối, bộ máy tinh gọn để nâng cao hiệu quả công việc. Trong các nhân tố tạo nên chất lượng của cán bộ tuyên giáo, yêu cầu bản lĩnh và nhạy bén chính trị đặt lên hàng đầu, phẩm chất đạo đức là cái gốc, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, khả năng nói và viết là yếu tố quan trọng, phải luôn tìm tòi, sáng tạo, nắm bắt, phân tích, dự báo, thông tin kịp thời, chính xác để tham mưu, cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, cầu thị, ham học hỏi mới đáp ứng được yêu cầu.
Kính thưa các đồng chí đại biểu!
Nhiệm kỳ qua, ngành Tuyên giáo luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tổ chức xã hội. Đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, sự phồn vinh của Đất nước, hạnh phúc của nhân dân, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo nguyện nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác góp phần xứng đáng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân, để ngành Tuyên giáo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Xin kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn!
TG