Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Sáu, 1/1/2016 22:13'(GMT+7)

Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng

Ảnh  minh họa

Ảnh minh họa

 

Như nhiều văn kiện Đảng đã chỉ rõ: đổi mới không có nghĩa là thay đổi toàn bộ những đường lối, quan điểm, chủ trương về phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng nước ta, mà trên cơ sở nghiên cứu, tổng kết thực tiễn đã diễn ra, chúng ta rà soát, bổ sung, phát triển đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho phù hợp với thực tiễn khách quan trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể; từ đó tạo ra động lực mới, sức mạnh mới. Nói khái quát, mỗi đường lối, chủ trương đề ra làm sao đáp ứng đúng và trúng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, thật sự là “ý Đảng hợp lòng Dân”. Để đạt mục tiêu đó, công tác tư tưởng phải đi tiên phong; và muốn vậy, phải tự mình đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Trong gần 30 năm qua, nhất là qua hai nhiệm kỳ Đại hội X và XI của Đảng, chúng ta đã tham mưu giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ra nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng, mà điển hình nhất là Nghị quyết Trung ương 5 khóa X ngày 1-8-2007 về “Công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. Trong Nghị quyết đó, Đảng ta đã bổ sung những luận điểm mang tính tổng kết lý luận - thực tiễn rất cao về vai trò, vị trí của công tác tư tưởng, lý luận; khẳng định đây là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi dưỡng nền tảng chính trị của chế độ. Công tác tư tưởng, lý luận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là công tác của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp ủy các cấp và đồng chí bí thư cấp ủy, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia đóng góp của nhân dân. Công tác tư tưởng là công tác đối với con người, một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải nắm vững những quy luật riêng của tư tưởng… Để thực hiện những quan điểm chỉ đạo đó, Nghị quyết đã nêu rõ mấy mục tiêu cơ bản: công tác tư tưởng phải góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, chính trị trong Đảng, sự đồng thuận về chính trị và tinh thần trong nhân dân; giữ vững và mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; góp phần tích cực và có hiệu quả cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phải vượt qua tình trạng lạc hậu, khắc phục được những khuyết điểm, yếu kém kéo dài, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động…

 

Phấn đấu theo mục tiêu đó, ngành Tuyên giáo đã có bước chuyển tích cực, thực hiện tốt phương châm: công tác tư tưởng phải hướng mạnh về cơ sở, tăng cường đối thoại, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính theo hướng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp; huy động sức mạnh tổng hợp của các binh chủng: báo chí, văn hóa - văn nghệ, báo cáo viên - tuyên truyền miệng… Những cố gắng đó, bước đầu đã tạo nên sắc thái mới, diện mạo mới của công tác tư tưởng trong nhiệm kỳ qua, góp sức phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

 

Tuy nhiên, những cố gắng nói trên mới đạt kết quả bước đầu. Thực tiễn tình hình tư tưởng đang đặt ra những yêu cầu rất cao đối với toàn bộ các hoạt động tư tưởng. Trước hết, là sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa được khắc phục; trong Đảng đã và đang xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đường lối, chủ trương, chính sách, tác động tiêu cực tới sự thống nhất tư tưởng; trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ đã phát sinh tâm trạng bức xúc đáng lo ngại. Trong khi đó, các thế lực cơ hội, thù địch, phản động phối hợp chặt chẽ để xuyên tạc, vu cáo, chống phá quyết liệt Đảng, Nhà nước ta trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Hơn lúc nào hết, sự tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng không chỉ là yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, mà còn là đòi hỏi tự thân, vì nếu không tạo ra những chuyển biến về chất, chúng ta không thể góp sức tạo ra động lực mới trên lĩnh vực tinh thần của toàn xã hội. Lẽ đương nhiên, đây là lĩnh vực mang nhiều đặc thù; theo đó với rất nhiều nhó khăn, phức tạp nảy sinh; vì vậy, cần chọn lựa một số vấn đề trọng tâm để triển khai trong thời gian tới nhằm bảo đảm tính thực tiễn và tính khả thi. Theo tinh thần đó, Đề án “Một số vấn đề đổi mới nội dung, phương thức công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương” đã và đang được tiến hành khẩn trương.

 

Đổi mới nội dung, trước hết là đổi mới cách tiếp cận những vấn đề căn cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những định hướng lớn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sao cho sát với hoàn cảnh khách quan và điều kiện thực tiễn đất nước. Nói cách khác, cần làm rõ nội hàm của từng luận điểm mà lâu nay chúng ta thường dừng lại ở việc trích dẫn văn kiện, mà ví dụ điển hình nhất là: những người làm tư tưởng trong khi truyền đạt hoặc viết bài, chỉ sao chép đơn giản những câu chữ có tính kinh điển, như “kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng của Đảng”; “kiên định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, v.v.. Nhưng mỗi thời kỳ cụ thể, những luận điểm này có nội dung thực tiễn sinh động, cần được phân tích, vận dụng, đối chiếu với tình hình cụ thể của đất nước trên mọi bình diện đời sống xã hội; trên cơ sở đó mới tạo được tính hấp dẫn, tính thuyết phục đối với người đọc, người nghe. Còn đổi mới phương thức công tác tư tưởng, trước hết đòi hỏi phải khắc phục nhanh hiện tượng chủ quan, áp đặt, không nghiên cứu kỹ tâm lý, nguyện vọng của từng loại đối tượng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao trước mỗi chủ trương, chính sách. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc coi trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn, quan tâm mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại, khuyến khích tranh luận, phản biện… chính là những phương cách khơi gợi trách nhiệm, trí tuệ của toàn xã hội, làm cho công tác tư tưởng thật sự là của toàn Đảng, tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân theo hướng tích cực và hiệu quả. Đó cũng là những việc cần làm ngay để góp sức hoàn thiện các văn kiện Đảng; từ đó tạo cơ sở triển khai và thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

PGS.TS. Hồng Vinh


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất