Được biết đến là
vựa rau sạch của tỉnh Nghệ An, sản phẩm rau Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu có
mặt khắp nơi trên cả nước. Ít ai biết rằng, để có thành quả đó, cán bộ
đảng viên xã Quỳnh Lương đã mạnh dạn chọn mũi, chọn điểm đột phá dựa
trên lợi thế sẵn có để thực hiện.
Ngay
từ đầu năm, xã đã đề ra kế hoạch, cơ cấu mùa vụ, triển khai ở 8/8 xóm
trồng rau theo tiêu chuẩn ViêtGap. Ở xã Quỳnh Lương có đến 99% hộ dân
đều trồng rau màu. Rau màu Quỳnh Lương rất đa dạng và phong phú như đậu
cô ve, cà chua, hành, tỏi, súp lơ, bắp cải, xu hào, cải thảo… Thời tiết
năm nay không được thuận lợi, bởi vậy so với các năm trước, năm nay rau
màu có giá cao hơn 30% so với năm ngoái, song năng suất lại không bằng.
Đến thăm đồng ông Bùi Duy Tuyên ở xóm 2 khi ông cùng vợ
đang tất bật tưới cho luống súp lơ, luống hành sắp đến kỳ thu hoạch.
Gia đình ông Tuyên có 4 sào rau màu, mỗi năm cho thu nhập 300 triệu
đồng. Từ nghề trồng rau mà vợ chồng ông xây được nhà cửa đàng hoàng,
nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn. “Còn khoảng 5 tấn rau, vợ chồng
đang gắng chăm sóc để phục vụ thị trường Tết. Mặc dù năng suất năm nay
có kém đi nhưng vẫn được giá, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác
lại không phải lo đầu ra cho sản phẩm nên rất yên tâm chăm sóc”, ông
Tuyên nói.
Để phục vụ cho việc tưới tiêu,
bà con nông dân xã Quỳnh Lương đã đào 4.000 giếng trên đồng để tiện cho
việc chăm sóc cây trồng. Các tổ nhóm dịch vụ cũng đứng ra thu gom sản
phẩm cho nông dân rồi chở đi bán ở các siêu thị Hà Nội, Đà Nẵng… 30%
diện tích rau trên địa bàn xã đạt 300 triệu đồng/ha. Với 180ha rau màu,
sản lượng đạt 16.000 tấn/năm, trung bình mỗi ngày xã Quỳnh Lương cung
ứng cho thị trường 100 tấn rau màu. Riêng sản phẩm rau màu chiếm 50% tỷ
trọng thu nhập của xã Quỳnh Lương. Dự kiến, Quỳnh Lương sẽ cung ứng cho
thị trường Tết 1.000 tấn rau.
Khi đã chọn
được mục tiêu phát triển kinh tế, xã tiến hành chọn tiêu chí xây dựng
giao thông nông thôn để phục vụ kinh tế phát triển. Để thực hiện mục
tiêu này, từ cán bộ xã đến thôn, nhất là các đảng viên mạnh dạn, tiên
phong gương mẫu đi đầu thực hiện. Bằng việc huy động nội lực toàn dân,
huy động từng cụm dân cư hoặc trước mắt các cụm dân cư bỏ tiền, vật tư,
ngày công ra sau đó mới được nhận hỗ trợ, xã Quỳnh Lương đã làm được
10km đường bê tông trong vòng thời gian 1,5 tháng, trị giá 12 tỷ đồng.
Ban Thường vụ Đảng uỷ xã đã tiến hành họp, thống
nhất chia ra theo tỷ lệ từng km đường dài để các thôn đảm nhận, cụ thể
UBND xã đảm nhận 5km, các thôn đảm nhận 5km còn lại. Ban đầu, bà con
nhân dân ở xóm 1, xóm 3 làm điểm, lãnh đạo xã mời bà con ở các thôn khác
đến thôn 1, thôn 3 xem, học tập kinh nghiệm rồi nhân ra diện rộng. Sau
đó, tất cả các thôn đều đồng loạt ra quân làm đường giao thông nông
thôn, nhiều gia đình tự phá dỡ chuồng bò, đập tường rào, hiến đất, tài
sản, ngày công, tạo nên một phong trào sâu rộng. Nhiều gia đình còn tự
nguyện bỏ tiền đóng góp nguyên vật liệu, đá, sỏi để cùng làm đường. Khi
khí thế, phong trào làm đường giao thông đang lên, xã đã trích ngân sách
mua thêm 200 tấn xi măng để đầu tư cho các hộ dân làm đường liên thôn.
Xã Quỳnh Lương hôm nay như được khoác thêm chiếc áo mới.
Đường làng ngõ xóm thênh thang, sạch đẹp, những ruộng rau xanh ngút mắt
trải dài. Những ngày này, bà con nông dân tích cực ra đồng, chăm bón vựa
rau xanh tốt, chuẩn bị thu hoạch phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán.
Để có những thành quả trên, theo ông Hồ Chí Tùng – Bí thư xã Quỳnh Lương
cho biết: “Bước đầu thực hiện Nghị quyết TW4, trong đó nêu cao vai trò
người đứng đầu, đó là chọn việc, chọn đúng thời điểm để triển khai trong
công việc chung, trong phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới
mang lại hiệu quả cao.
Cũng từ đây, vai trò gương mẫu của
người đảng viên được thể hiện, chuyển biến từ lề lối, phong cách làm
việc, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám làm. Cũng nhờ phát huy vai trò
của người đứng đầu từ cấp xã đến cấp xóm từ việc xây dựng qui hoạch đến
trực tiếp tham gia triển khai thực hiện mà đến nay, Quỳnh Lương đã đạt
14/19 tiêu chí nông thôn mới”.
Ngoài xác định trách
nhiệm người đứng đầu, một vấn đề nữa được Ban Thường vụ Đảng ủy xã quan
tâm và có chuyển biến tích cực trong 8 vấn đề cần làm ngay là giải quyết
công việc ở bộ phận một cửa. Sau kiểm điểm , tình trạng cán bộ
công chức đi sớm về muộn cũng đã được khắc phục, mỗi cán bộ công chức
đều ý thức hơn trong công việc, trong tinh thần, thái độ phục vụ nhân
dân. Không chỉ vậy, qui trình, thủ tục cũng nhanh gọn hơn. Đến nay, Đảng
ủy, chính quyền xã cũng đã tập trung giải quyết hết đơn thư tồn đọng
trong năm và không có đơn thư vượt cấp.
Một thực trạng đang
tồn tại hiện nay ở huyện Quỳnh Lưu là đội ngũ cán bộ còn yếu kém, làm
việc còn hời hợt, hiệu quả công việc chưa cao, thiếu tinh thần trách
nhiệm với nhân dân. Từ khi thực hiện Nghị quyết kiểm điểm tự phê bình
và phê bình theo Nghị quyết TW4, không riêng xã Quỳnh Lương mà đội ngũ
cán bộ lãnh đạo các xã, huyện Quỳnh Lưu đã có bước chuyển biến rõ rệt cả
về nhận thức và trách nhiệm với công việc được giao. Ý thức trách nhiệm
tự giác, rèn luyện của cán bộ Đảng viên được nâng lên rõ rệt khi giải
quyết các công việc, hiệu quả công việc cao hơn, đi cơ sở nhiều hơn,
giải quyết công việc nhanh gọn hơn.
Trước đây, công việc
được phân công theo định tính, nay thì phân công theo nhiệm vụ, đúng
chuyên môn, phân vùng phụ trách. Nếu lĩnh vực được phụ trách đạt kết quả
yếu kém hoặc vi phạm thì sẽ gắn trách nhiệm của người được phân công
như ảnh hưởng đến tiêu chí xếp loại, thi đua. “ Tuy đây chỉ mới là bước
chuyển ban đầu sau một thời gian ngắn thực hiện kiểm điểm tự phê bình và
phê bình theo Nghị quyết TW 4, song ai cũng cảm thấy phải nghiêm khắc
với bản thân hơn, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống tốt hơn, làm
việc tận tụy hơn để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đổi
mới lề lối làm việc nhằm hoàn thành tốt hơn chức trách nhiệm vụ được
Đảng và nhân dân giao phó”, ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng Ban Tuyên giáo
huyện Quỳnh Lưu cho biết./.
Bích Huệ/TTXVN