Thứ Sáu, 20/9/2024
Xã hội
Thứ Năm, 17/5/2018 12:37'(GMT+7)

Nghệ An: Tăng cường công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông

Nghệ An là tỉnh thuộc Miền Trung, là cửa ngõ của Bắc Trung Bộ. Phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Tây giáp Lào với 519 km đường biên giới, phía Nam giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Đông là biển Đông. Nằm ở vị trí ngã tư đường vào Nam, ra Bắc, sang Lào và hướng ra đại dương. Nghệ An là cầu nối giao thông quan trọng của cả nước về đường bộ, đường sắt, đường thủy và cả đường hàng không. Nghệ An là một tỉnh đa dân tộc, các dân tộc ít người ở Nghệ An vừa mang những đặc điểm chung của các dân tộc trong nước vừa mang những nét đặc thù của một số dân tộc ít người cư trú trong một vùng lãnh thổ nhất định.

 

Người H’Mông tập trung ở Nghệ An khá đông, sinh sống chủ yếu ở 03 huyện (đều là huyện vùng cao), 20 xã và 92 bản (Quế Phong có 01 xã, 08 bản; Tương Dương có 06 xã, 10 bản và Kỳ Sơn có 13 xã, 74 bản); trong đó 14 xã biên giới giáp với Lào. Người H’Mông ở Nghệ An gồm H’Mông trắng và H’Mông đen, sự phân biệt này được dựa trên một số đặc điểm khác nhau chủ yếu về sắc phục. Bao gồm các họ như: họ Vừ, họ Sùng,… Địa bàn cư trú của họ ở sườn núi có độ cao trung bình từ 800 – 1500m so với mặt nước biển. Đây là vùng dọc biên giới Việt – Lào có nhiều đỉnh núi cao nhất ở miền Tây Nghệ An. Nhiệt độ trung bình trong năm là 15 – 20 độ C. Ở Nghệ An, H’Mông Trắng và H’Mông Hoa về tiếng nói gần như thống nhất tuy cũng có một số phương ngữ khác nhau chút ít nhưng do sống gần nhau nên đều hiểu được.1

 

Trong lịch sử, bất cứ triều đại phong kiến nào cũng chọn Nghệ An làm chỗ dựa, nơi cung cấp lực lượng dự bị. Với Nghệ an, đây là vùng phên dậu của tỉnh, nơi “đầu sóng, ngọn gió” phải thường xuyên trực tiếp đối mặt với các hoạt động chống phá của kẻ thù. Vùng dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An là một trong những địa bàn mà các thế lực thù địch hướng tới. Trong những năm gần đây, hiện tượng đạo Tin lành xâm nhập và phát triển một cách không bình thường trên địa bàn rõ ràng không phải là vấn đề tôn giáo thuần tuý mà đã có những động thái lợi dụng tôn giáo vùng dân tộc thiểu số, gây nên những phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác vận động quần chúng đấu tranh ngăn chặn, ổn định tình hình của ta đã được triển khai trên toàn địa bàn, song tình hình vẫn chưa được giải quyết về cơ bản. Người dân tộc H’Mông vẫn theo đạo, một bộ phận có xu hướng tin đạo sâu sắc hơn, hoạt động của các đối tượng ngày một tinh vi và “bàn tay ngầm” của các thế lực thù địch vẫn tiếp tục chi phối tình hình. Tiếp đó là các vấn đề về di cư tự do trong đồng bào dân tộc H’Mông tại Nghệ An cũng là một vấn đề đáng lo ngại, gây nên những bất ổn trong đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn.

 

Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là công tác giữ vị trí chiến lược cơ bản của lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ ANQG, đảm bảo ANTT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần vào sự ổn định và phát triển chung của đất nước.

 

Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An là sự cụ thể hoá công tác đảm bảo ANQG, giữ gìn an ninh trật tự vùng DTTS nên đây không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng Công an tỉnh Nghệ An, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng Công an nhân dân giữ vị trí nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nói cách khác, chủ thể trực tiếp của công tác này là cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, quần chúng nhân dân các dân tộc, lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân trên địa bàn tỉnh.

 

 

Thực hiện những lời dạy của Bác Hồ kính yêu, từ khi ra đời đến nay, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện với tinh thần “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng, vũ khí sắc bén của Nhà nước chuyên chính vô sản, là con em yêu quý của nhân dân. Công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an tỉnh Nghệ An luôn dựa trên phương châm bám sát quần chúng nhân dân, để được nhân dân giúp đỡ, ủng hộ, lực lượng Công an nhân dân phải hết lòng phục vụ nhân dân vô điều kiện, kính trọng nhân dân, tin yêu nhân dân, tích cực chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của quần chúng nhân dân, quan tâm đến quyền lợi, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, thực sự là “đầy tớ trung thành của nhân dân”; không quan liêu, mệnh lệnh, hống hách với nhân dân. Lực lượng Công an tỉnh Nghệ An luôn coi đây là một trong những biện pháp nghiệp vụ cơ bản của Công an nhân dân. Công an phải làm tốt công tác dân vận bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Tổ quốc.

 

Xét cả về lý luận và thực tiễn, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an tỉnh Nghệ An nhằm mục đích đảm bảo ANQG, chúng ta phải loại trừ các yếu tố đe doạ hiện hành hoặc tiềm ẩn, cả bên trong và bên ngoài đến cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Nghệ An, đặc biệt là dân tộc H’Mông, bao gồm các yếu tố chính trị, quân sự, kinh tế hoặc phi chính trị…nhằm giữ vững sự ổn định và phát triển của vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Đối tượng của công tác này (đối tượng đấu tranh) được xác định bao gồm: các thế lực thù địch, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước có âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm ANQG; hoặc có quan điểm, hành vi trái với quan điểm, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, hoặc có các hành vi khác gây phương hại đến ANTT ở các vùng đồng bào DTTS; những phức tạp, mâu thuẫn nảy sinh do các yếu tố nội tại của bản thân các vấn đề dân tộc và của các dân tộc thiểu số tác động tiêu cực đến khối đoàn kết dân tộc và lợi ích dân tộc, ảnh hưởng lan toả tới an ninh các vùng dân tộc thiểu số trên cả nước nói chung.

 

Về mục tiêu (đối tượng bảo vệ) công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an tỉnh Nghệ An trước hết đảm bảo vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự hoạt động bình thường của hệ thống chính trị, việc thực hiện đầy đủ, đứng đắn quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc H’Mông ở Nghệ An, đảm bảo sự ổn định chính trị, sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội, sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng đồng bào dân tộc H’Mông ở Nghệ An.

 

Đối với đồng bào dân tộc H’Mông trên địa bàn, các thế lực thù địch tuyên truyền sai lệch về nguồn gốc lịch sử, văn hoá của người H’Mông, qua đó lôi kéo vào hoạt động thành lập “Vương quốc Mông tự trị”, phá hoại tư tưởng, làm giảm lòng tin của đồng bào H’Mông vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Các luận điệu tuyên truyền này đã ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc H’Mông, nhiều người lo lắng, một số ngộ nhận tin theo các luận điệu tuyên truyền, có biểu hiện sống tách biệt với các dân tộc khác hay bán tài sản để di cư sang Lào. Bên cạnh đó còn có các hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép như đạo Tin lành, đạo Thiên chúa… gây ra nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với an ninh, trật tự.

 

Tình hình hoạt động của tội phạm ma tuý ở địa bàn biên giới Nghệ An diễn ra rất phức tạp. Mặc dù địa bàn này về cơ bản đã xoá bỏ việc trồng cây thuốc phiện, nhưng lượng ma tuý từ nước ngoài thẩm lậu qua biên giới vẫn rất lớn và chủ yếu là do người H’Mông thực hiện.

 

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Tỉnh uỷ Nghệ An, của Bộ Công an, Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức triển khai lực lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ đảm bảo an ninh vùng dân tộc H’Mông. Lực lượng nòng cốt, chủ công, trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ này là Phòng An ninh xã hội (PA88), phòng Quản lý hành chính về TTXH (PC64) và Công an các huyện, thị xã địa bàn vùng dân tộc H’Mông, trên cơ sở đó triển khai các mặt công tác dân vận đảm bảo an ninh vùng dân tộc H’Mông trên địa bản tỉnh Nghệ An. Như: công tác nắm tình hình được xác định tập trung vào những nội dung, những vấn đề trọng tâm, mang yếu tố đặc trưng của địa bàn. Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các ban, ngành như Ban Dân Vận, Ban Dân tộc – Miền núi, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ…tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở vùng dân tộc thiểu số, triển khai dân vận tại các vùng đồng bào dân tộc Mông, Thái, Dao, Khơ Mú…Đồng thời, Công an Tỉnh Nghệ An đã trực tiếp chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác dân vận lồng ghép với các nội dung tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với tuyên truyền, phổ biến về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, của phỉ Lào để nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân.

 

Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng lồng ghép với công tác dân vận đồng bào dân tộc Mông tham gia xây dựng đời sống văn hoá mới nơi xã, thôn, bản; tổ chức cho đồng bào ký cam kết thực hiện “5 không” (không vi phạm quy chế biên giới; không di cư trái pháp luật; không tuyên truyền đạo Tin lành trái pháp luật; không buôn bán vận chuyển vũ khí; không buôn bán, vận chuyển ma tuý). Bên cạnh đó, Công an tỉnh và Công an các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…cũng quan tâm đến công tác vận động cá biệt, đi sâu đi rộng từng người, nhất là người có uy tín, vận động từng người để cảm hoá, thu hút họ đóng góp công sức của mình vào công tác đảm bảo ANTT tại xã, thôn, bản.

 

Công tác tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông cũng được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An tiến hành, đa số người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông đều có thái độ tích cực, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực vận động đồng bào định canh, định cư, ổn định cuộc sống, tham gia các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh. Với sự tranh thủ, hướng dẫn của lực lượng Công an, người có uy tín trong đồng bào dân tộc H’Mông đã trực tiếp giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT trên địa bàn, vận động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ ANTQ.

 

Các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Nghệ An đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng, Ban chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban biên giới tỉnh…trong công tác nắm tình hình, trao đổi, xác minh thông tin liên quan đến âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm trong đồng bào dân tộc Mông; vận động, tranh thủ người có uy tín, xử lý các đối tượng người H’Mông ở Tây Bắc, Tây Nguyên đến khu vực biên giới Nghệ An, tuyên truyền, phố biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân.

 

Có thể nói, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giữ vững ANTT, góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nắm tình hình vẫn còn một số bất cập, lực lượng công an vẫn chưa nắm chắc hoàn toàn, chắc chắn tình hình một cách chủ động, dẫn đến giải quyết những vấn đề phức tạp về ANTT trong đồng bào dân tộc Mông nhiều lúc chưa kịp thời. Nhiều trường hợp những mâu thuẫn, xích mích trong quần chúng nhân dân chưa được phát hiện từ lúc mới nảy sinh; việc nắm tình hình để chủ động xử lý tình huống khi các toán phỉ xâm nhập còn hạn chế, có trường hợp phỉ xâm nhập đe doạ đồng bào H’Mông gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng. Ngoài ra việc kết hợp giữa các ban ngành như Ban biên giới, Quân đội, Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm…chưa thật đồng bộ, thống nhất, thậm chí có trường hợp còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Trong một số trường hợp, công tác phối hợp còn nặng về hành chính, nhiều tình huống nghiệp vụ do thủ tục rườm rà mất thời gian nên lỡ mất thời cơ. Công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặt ở các khu vực, địa bàn trọng điểm còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu xót.

 

Từ việc nghiên cứu, tìm hiểu các yếu tố tác động và thực trạng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An có thể nhận thấy nhiều yếu tố tiềm ẩn gây mất ổn định, khó lường tác động đến ANTT trên địa bàn vùng dân tộc Mông. Nhận thức đầy đủ, đúng đắn tất cả các yếu tố, cả chiều thuận và chiều nghịch, là thật sự cần thiết để hoạch định các giải pháp phù hợp nâng cao hơn nữa công tác dân vận của lực lượng công an đối với đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Nghệ An những năm tới. Những giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc H’Mông của lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Nghệ An bao gồm:

 

Thứ nhất, cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giải quyết vấn đề dân tộc, đảm bảo an ninh vùng dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc H’Mông nói riêng. Công tác này cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

- Giáo dục, tuyên truyền về tầm quan trọng chiến lược, cơ bản, lâu dài của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc trong quá trình cách mạng

- Giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân thấy được tính chất cấp bách của vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc.

- Giải quyết vấn đề dân tộc, thực hiện thắng lợi quan điểm, chính sách dân tộc, đảm bảo ANTT vùng dân tộc H’Mông là nhiệm vụ của toàn dân, toàn quân, của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng.

 

Thứ hai, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở. Để làm tốt điều này, cần tập trung củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Trước mắt, tập trung củng cố chính quyền xã, bản đang bị tác động, ảnh hưởng tư tưởng ly khai, tự trị, bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, các xã phức tạp về tôn giáo, dân cư không ổn định….Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá lại thực trạng đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, như Bí thư, Chủ tịch xã, Trưởng Công an xã, Xã đội trưởng, bí thư Đoàn thanh niên, Hội trưởng hội phụ nữ…..

 

Thứ ba, Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá một cách bền vững, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức thiết về đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

 

Để làm tốt công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc H’Mông nói riêng, đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trước hết cần phải tập trung giải quyết nguyên nhân, điều kiện, những yếu tố tác động từ bên trong, bao gồm các yếu tố kinh tế, đời sống, dân trí, văn hoá, tập quán dân tộc…đây là vấn đề có tính chiến lược, cơ bản, lâu dài; vừa có tính cấp thiết, trước mắt. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng công an vừa phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan để tham mưu, đề xuất, vừa trực tiếp góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào dân tộc H’Mông.

 

Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình phục vụ đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Trong đó, lực lượng công an tỉnh Nghệ An giữ vai trò nòng cốt trong việc xác định cụ thể các hướng thu thập thông tin, tài liệu phục vụ công tác nắm tình hình có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, bao gồm việc nắm tình hình về tổ chức Đảng và chính quyền, về cơ cấu tổ chức bộ máy và hoạt động của các phòng, ban nhất là các bộ phận thiết yếu như Ban tổ chức, Ban tài chính, cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt…về hoạt động của các đoàn thể quần chúng và các vấn đề nổi cộm, phức tạp trên địa bàn, đặc biệt chú ý những địa bàn có hệ thống chính trị cơ sở yếu kém, những địa bàn “trắng” cấp uỷ, đảng viên….

 

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương pháp vận động quần chúng, tranh thủ người có uy tín phục vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc H’Mông. Trước hết, cần bám sát yêu cầu cụ thể về đảm bảo an ninh trật tự của từng xã, bản nhất là các xã, bản phức tạp về hoạt động tôn giáo, di cư tự do…để tập trung đẩy manh tuyên truyền, vận động nâng cao cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trước âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch tuyên truyền, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, cát cứ dân tộc; để họ không tin, không nghe lời kể xấu, tích cực tham gia đấu tranh góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Qua đó, giúp cho quần chúng nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội; vừa nâng cao nhận thức của quần chúng về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.

Công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc H’Mông tỉnh Nghệ An đã được lực lượng Công an tiến hành đồng bộ các biện pháp, phương tiện, lực lượng. Lực lượng Công an đã chủ động tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc Mông. Kết quả lớn nhất có thể thấy là tình hình ANTT tại vùng đồng bào dân tộc H’Mông đã đươck giữ vững, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển góp phần cùng quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

________________________________

Tài liệu tham khảo

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc, lần thứ XII, NXB CTQG, Hà Nội, 2016.
 2. Báo cáo kết quả điều tra cơ bản về dân tộc H’Mông ở Nghệ An – Phòng PA88, Công an Nghệ An, năm 2015.

3. Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2009 -2014; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020 của tỉnh Nghệ An, Ban Tổ Chức tỉnh Nghệ An.

4. Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2020; Uỷ Ban Dân tộc, năm 2015.

5. Vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam hiện nay, sách chuyên khảo, NXB CTQG, TS Đậu Tuấn Nam, Hà Nội, 2010.

6. Đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia, giáo trình Đại học, Học viện ANND, Hà Nội, 2011.

7. Dân tộc trong lịch sử và trong thời đại ngày nay, Trần Hữu Tiến, Sách chuyên khảo, NXB CTQG, Hà Nội, 2012.

 

     Giảng viên, Ths Dương Quốc Thành - Học viện An ninh nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất