Thứ Năm, 26/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 16/6/2012 22:12'(GMT+7)

Nghệ An: Tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số

Cán bộ đồn biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP Nghệ An) tuyên truyền bầu cử trong đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Công an Nghệ An)

Cán bộ đồn biên phòng Hạnh Dịch (BĐBP Nghệ An) tuyên truyền bầu cử trong đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Báo Công an Nghệ An)

Thực hiện Kết luận số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, sau 5 năm, các huyện, thị xã đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 39.838 lượt người là cán bộ cấp xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135; trong đó tập trung ngắn hạn cho 4.780 lượt người, bồi dưỡng tại chỗ cho 35.058 lượt người.

Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm đào tạo nguồn cán bộ cho vùng dân tộc thiểu số qua các trường phổ thông dân tộc nội trú và cử tuyển đi đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Từ năm học 2006 đến 2011, tỉnh đã cử tuyển 325 em đi học các trường đại học, hơn 100 em học cao đẳng và 85 em học trung học chuyên nghiệp. Ngoài ra, Nghệ An còn tổ chức đào tạo học nghề may, điện, gò, hàn, dệt thổ cẩm cho gần 4.300 thanh niên người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Với các giải pháp đồng bộ từ các chương trình, dự án thuộc chính sách vùng dân tộc được thực hiện có hiệu quả, đã góp phần làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở đã có những bước chuyển biến mạnh, không còn chi bộ đảng trắng đảng viên. Ở mỗi địa phương đều chú trọng hơn việc phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên, đảng viên, hàng tháng có đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy viên và đảng viên. Nhiều xã đã duy trì tốt chế độ làm việc định kỳ, giao ban đột xuất giữa cấp ủy Đảng với HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể để phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Mặt trận và các đoàn thể đổi mới nội dung, hình thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả như chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên, hội viên ; vận động nhân dân phát huy nội lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tham gia hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp; phòng chống tệ nạn xã hội; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; đoàn thanh niên đẩy mạnh phát triển các mô hình câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm; các loại hình tổ, phường hội giúp nhau phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ xây dựng nhiều mô hình như: tổ phụ nữ tín dụng - tiết kiệm, gia đình không sinh con thứ 3; xây dựng các tổ nhóm làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, mây tre đan. Hội Cựu chiến binh tham gia tích cực công tác bảo vệ an ninh biên giới, phòng chống ma túy, xóa đói giảm nghèo...

Hiện nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số có tủ sách pháp luật, trên 70 xã có đài truyền thanh, 430 xóm, bản có đài truyền thanh, 100% chi bộ xóm, bản được cấp 1 số Báo Nhân dân, 1 số Báo Nghệ An hàng ngày. Mỗi tháng các xã còn được cấp 1 bản tin nội bộ của tỉnh, 1 bản tin nội bộ của huyện. Các huyện đều xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền hoạt động ngày càng hiệu quả, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở địa bàn 11 huyện, thị xã miền núi và 6 huyện có xã miền núi của tỉnh Nghệ An được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quan tâm toàn diện. Công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, xây dựng chính quyền, Mặt trận, đoàn thể được triển khai thực hiện bằng các chủ trương, giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tăng cường cán bộ cho cơ sở, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất