Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" do phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết kịch bản.
Tối 28/4, tại Nhà hát Bến Thành, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức ra mắt vở cải lương “Thầy Ba Đợi” nhân kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương.
Vở cải lương "Thầy Ba Đợi" do phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam viết kịch bản.
Nội dung giới thiệu về Nhạc quan Nguyễn Quang Đại (tên gọi dân gian là Thầy Ba Đợi), người được xem đã có công truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam bộ, cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử, sau này phát triển thành ca ra bộ rồi đến cải lương.
Vở "Thầy Ba Đợi" quy tụ hơn 60 diễn viên, nghệ sỹ cải lương của cả ba miền Bắc, Trung, Nam biểu diễn như nghệ sỹ ưu tú Hùng Minh, Thanh Tuấn, Nguyễn Xuân Vinh, Lê Tứ, Quế Trân; nghệ sỹ nhân dân Vương Hà...
['Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho lớp nghệ sỹ trẻ']
Trong vở diễn, khán giả được tìm hiểu về nhân vật Thầy Ba Đợi khi vào Nam bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp. Tại đây, ông được con gái quan Tổng đốc giúp đỡ và có mối tình dang dở.
Thông qua số phận nhân vật, khán giả hiểu thêm về 'bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, đặc biệt là quá trình hình thành nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và sau này là sân khấu cải lương.
Theo nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn Triệu Trung Kiên, vở cải lương "Thầy Ba Đợi"được dàn dựng theo phong cách đơn giản, mộc mạc mà gần gũi với khán giả nhất. Ban tổ chức hy vọng vở cải lương sẽ chuyển tải đến công chúng những giá trị nghệ thuật quý của sân khấu nghệ thuật cải lương đang có và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của bộ môn nghệ thuật này trong suốt quá trình hình thành 100 năm qua.
Vở diễn “Thầy Ba Đợi” sẽ được biểu diễn vào tối 1/5 tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngày 29/4 tại tỉnh Long An./.