Thứ Sáu, 8/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 26/4/2018 9:5'(GMT+7)

Xuất bản sách, cần thay đổi để phát triển

 

Vẫn là “quân bài chiến lược” trên thị trường sách của hầu hết các nhà xuất bản tại Việt Nam và thế giới, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là sách in không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước. Sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản. Thống kê từ FeelGood cho thấy với 22% số người sử dụng ebook và 50% số người mua sách trên các dịch vụ trực tuyến trên toàn cầu, các phương tiện công nghệ đã chứng minh tầm ảnh hưởng của chúng đối với thói quen chọn lựa và đọc sách của độc giả hiện đại. Theo tác giả M.Shatzkin (M.Sác-kin) trên trang Idealog.com, sự “thay đổi lớn” trong ngành xuất bản thương mại được khẳng định bằng chiến thắng vào năm 2011 của tập đoàn Amazon và thiết bị đọc sách điện tử Kindle trước hệ thống nhà sách khổng lồ Borders (trước khi phá sản, Borders có hệ thống nhà sách tại bốn quốc gia: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân và Xin-ga-po cùng đội ngũ nhân viên lên đến 16.500 người). Cùng sự phát triển của công nghệ tăng cường thực tế ảo và thương mại điện tử, cuộc cách mạng trong ngành xuất bản và phát hành sách cho thấy sẽ còn nhiều biến động trong tương lai gần.  

 

Tại Việt Nam, thói quen sử dụng ebook vài năm trở lại đây đã tương đối phổ biến trong một bộ phận độc giả. Bởi vậy, số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành Việt Nam không khỏi khiến nhiều người đọc bất ngờ khi chỉ có 137 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký lưu chiểu trong năm 2017. Con số này thật sự khiêm tốn so với gần 26.000 đầu sách in trong năm qua. Điều này phần nào cho thấy sự thờ ơ, đứng ngoài cuộc của ngành xuất bản Việt Nam đối với sách điện tử, trái ngược với xu thế và nhu cầu sử dụng của bạn đọc. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều năm nay, các trang chia sẻ ebook không bản quyền vẫn làm mưa làm gió tại Việt Nam với hàng trăm nghìn đầu sách được số hóa và tải về. Chưa kể, tình trạng hàng trăm diễn đàn đọc truyện trực tuyến, ứng dụng đọc sách lậu của Việt Nam tồn tại nhan nhản trên mạng in-tơ-nét, “chợ ứng dụng” của Google và Appstore. Những thí dụ nêu trên cho thấy, ebook đang có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 10 đơn vị xuất bản và nhà sách quan tâm tới mảng sách này. Vốn đầu tư vào phát triển thiết bị, phần mềm đọc sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của những đơn vị này cũng vô cùng hạn chế. Nhiều ứng dụng đọc sách được một số nhà xuất bản lập ra cho có, nhưng không hề hướng đến nhu cầu và lợi ích của độc giả. Thậm chí, có nhà xuất bản dù đã nhận được nhiều lời phàn nàn và chỉ trích từ phía bạn đọc vì không thể đăng nhập tài khoản, ứng dụng bị lỗi, khó khăn khi nạp tiền mua sách và mã giảm giá... nhưng vẫn không có động thái sửa chữa, cải thiện, quản trị viên không hề tư vấn hay hỗ trợ độc giả. Trong khi đó, Tiki.vn - một website thương mại điện tử chuyên ngành sách tiêu biểu của Việt Nam, vốn xuất hiện như một siêu thị sách online lại đang vận hành theo mô hình của trang bán lẻ trực tuyến. Thay vì đầu tư vào mảng xuất bản điện tử và thương mại xuất bản trực tuyến như trước đây, doanh nghiệp này đang có khuynh hướng trở thành một siêu thị “ảo”. Chất lượng kho sách miễn phí của các nhà xuất bản hiện nay cũng chưa cao, chủ yếu là truyện ngôn tình hoặc các văn bản sưu tầm từ các nguồn ebook miễn phí trên mạng nên còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Các rắc rối từ những vụ kiện bản quyền cũng khiến cho ứng dụng đọc sách chính thống đang tỏ ra thất thế tại thị trường sách trong nước. Có lẽ vậy mà ngày càng có nhiều người đọc Việt Nam ưu tiên sử dụng, thậm chí là trả phí cho các website ứng dụng chia sẻ sách vi phạm bản quyền.  

 

Thực tế, không chỉ riêng tại Việt Nam, xuất bản điện tử nói riêng và ngành xuất bản nói chung của nhiều quốc gia trên thế giới dù gặt hái được khá nhiều thành công, nhưng vẫn đang phải đối mặt với không ít sức ép. Nguyên nhân chính là thói quen đọc sách, nhất là sách in đang giảm mạnh trong xã hội hiện đại. Từ tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, smartphone (điện thoại thông minh) nói riêng, các thiết bị kết nối in-tơ-nét nói chung đang trở thành những vật dụng thiết yếu của nhiều người. Thay vì đọc sách để giải trí và nâng cao kiến thức, không ít người dành phần lớn thời gian cho mạng xã hội, trò chơi trực tuyến hay phim ảnh. Một nguyên nhân khác khiến nhiều người thờ ơ với sách chính là sự hiện diện của quá nhiều các trang điểm sách, tóm tắt sách hay từ điển mạng như Wikipedia hay Goodread (Đọc hay). Bởi vậy, một bộ phận người đọc có khuynh hướng bỏ qua những cuốn sách sau khi đọc phần giới thiệu tác phẩm. Thậm chí gần đây Amazon và Goodread còn đang phải tiến hành các biện pháp điều chỉnh hệ thống kiểm duyệt bình luận sau những đánh giá, phê bình sách mang tính phá hoại của một bộ phận cư dân mạng. Số liệu của Viện Nghiên cứu Pew năm 2016 cho thấy, một người trưởng thành trên thế giới hiện nay chỉ đọc trung bình 4 cuốn sách một năm (năm 2012, con số này là 6 cuốn sách); và có đến 73% công dân Mỹ trên 21 tuổi không hề đọc sách. Mới đây, ngày 27-2, khảo sát của Liên đoàn hợp tác xã đại học quốc gia Nhật Bản đã công bố một kết quả giật mình khi 53,1% sinh viên đại học nước này chỉ đọc sách giáo trình. Tại nước ta, tình trạng lười đọc sách cũng đang là vấn đề xã hội cần được quan tâm khi mỗi người Việt Nam chỉ đọc trung bình 1,2 cuốn sách một năm, trong khi ở chiều ngược lại theo nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý Anh năm 2015, mỗi người trưởng thành dành đến 5 giờ một ngày để sử dụng smartphone.  

 

Chưa kể việc ưu tiên sử dụng smartphone thay vì cầm một cuốn sách như hiện nay có vẻ như là lợi thế của xuất bản điện tử, nhưng trên thực tế, xuất bản điện tử đang tỏ ra hụt hơi trước những bước tiến của công nghệ. Tại Mỹ và Anh, doanh số sách điện tử tại một số thể loại như truyện tranh giảm mạnh, khiến nhiều người cho rằng “đừng mơ từ bỏ sách giấy”. Tuy nhiên, tuyên bố từ Tổng Giám đốc A.Nourry (A.Nau-ri) của nhà xuất bản danh tiếng Harchette (tập đoàn xuất bản lớn thứ ba thế giới) gần đây tiếp tục tái khẳng định sách điện tử mới là tương lai của ngành xuất bản. Cho dù rất thành công với 214 tác phẩm lọt vào danh sách bán chạy nhất trên New York Times (Thời báo Niu Oóc) năm 2016, vị tổng giám đốc này vẫn đánh giá cao tiềm năng của ngành xuất bản điện tử và coi Amazon mới là đối thủ lớn nhất của mình. Trong bài phỏng vấn “Ebook là một sản phẩm ngu ngốc, thiếu sáng tạo và nổi bật” trên tờ Scroll.in, A.Nourry cho rằng “Tôi từng bị thuyết phục rằng mình có thể tạo ra những cuốn sách điện tử tốt hơn dựa trên nội dung và tài nguyên số mà chúng ta đang sở hữu. Nhưng tôi đã đi đến kết luận các công ty của chúng ta chưa đủ tài năng và kỹ năng bởi vì các nhà xuất bản và biên tập viên hiện nay chỉ quen sửa bản thảo và thiết kế trên mặt giấy. Chúng ta chưa thật sự hiểu hết về tiềm năng của kỹ thuật số và công nghệ 3-D. Đó là lý do trong hai năm trở lại đây, tập đoàn của chúng tôi đã mua lại ba công ty phát triển trò chơi điện tử để thu hút nhân tài từ các ngành công nghiệp khác và khuyến khích những sản phẩm kỹ thuật số vượt xa ebook hiện tại”. Hướng đi mà A.Nourry trả lời trong bài phỏng vấn chính là vrbook, một công nghệ đã có mặt tại Việt Nam hai năm trở lại đây và đạt được một số tín hiệu khả quan trong lĩnh vực giáo dục. Đầu năm 2018, cuốn Film Book: Khi chúng ta là nhân vật chính của tác giả Bùi Dũng được coi là ấn phẩm tương tác nghệ thuật đầu tiên sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường. Không chỉ đem lại sự thích thú cho nhiều bạn đọc trẻ, sự ra đời của cuốn sách còn cho thấy một số nhà xuất bản và công ty truyền thông tại Việt Nam đang cố gắng để bắt kịp với xu hướng phát triển trên thế giới. Mặc dù vậy, chỉ một hai hiện tượng như vậy vẫn chỉ là hiếm hoi, chưa đủ sức đem lại sự khởi sắc cho ngành xuất bản điện tử Việt Nam.

 

 Trong suốt lịch sử văn minh của loài người, đọc sách luôn được xem là thói quen tốt và bổ ích. Đây không chỉ là cách để tiếp nhận, khai thác kho tàng trí thức, nguồn kiến thức vô tận của nhân loại, hoàn thiện nhân cách, phát triển con người... mà còn là sự khẳng định về một nhu cầu thường xuyên và lâu dài của xã hội loài người. Đặc biệt, trong thời đại số, nhiều phương tiện tỏ rõ tính năng ưu việt, sinh động, trực quan và tiện lợi hơn nhiều so với những cuốn sách truyền thống. Bởi vậy, để thúc đẩy và đáp ứng thói quen đọc sách của người dân, bảo đảm sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành xuất bản sách các nhà xuất bản không thể chỉ trông chờ vào các hội chợ, sự kiện hay không gian quảng bá, giới thiệu sách. Nhu cầu đọc sách điện tử, sách trực tuyến và tương lai là sách tăng cường thực tế ảo đang tăng cao của độc giả trong nước cần được nhiều nhà xuất bản Việt Nam chú ý, có giải pháp khai thác và đầu tư thích đáng. Những thuận lợi và thách thức đến từ kỷ nguyên số cho thấy, đã đến lúc các nhà xuất bản không thể chỉ dựa vào nội dung tác phẩm, danh tiếng của tác giả như trong quá khứ, mà còn cần phải biết đáp ứng, tiếp cận người đọc trên các nền tảng công nghệ mới.

Nguồn: Phan Kỷ/ Báo Nhân Dân điện tử

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất