Thứ Sáu, 22/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 29/8/2023 9:18'(GMT+7)

Nghèo đói cùng cực - Thực trạng đáng lo ngại

(Ảnh minh họa: Reuters)

(Ảnh minh họa: Reuters)

Ngân hàng có trụ sở tại thủ đô Manila của Philippines định nghĩa tình trạng nghèo cùng cực là sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày dựa trên mức giá năm 2017 đã điều chỉnh theo lạm phát. Trong khi đó, thuật ngữ khu vực châu Á đang phát triển bao hàm 46 nền kinh tế thành viên mới nổi của ADB, trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á cho đến quần đảo Cook ở Thái Bình Dương.

Với khái niệm này, ước tính có khoảng 155,2 triệu người, tương đương 3,9% dân số trong khu vực, đang sống trong cảnh nghèo cùng cực vào năm 2022, nhiều hơn 67,8 triệu người so với mức xác định trong kịch bản không có đại dịch và chi phí sinh hoạt tăng.

Lạm phát tại phần lớn các quốc gia đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, do hoạt động kinh tế phục hồi và gia tăng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá cả leo thang ảnh hưởng đến tất cả mọi người, song những người nghèo là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất do họ phải chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và nhiên liệu, gặp khó khăn trong việc tiết kiệm và chi trả cho nhu cầu cơ bản, bao gồm chi phí y tế và giáo dục.

Nhiều người không thể tiết kiệm tiền, trả tiền chăm sóc sức khỏe hoặc đầu tư vào giáo dục. Theo Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB, châu Á và Thái Bình Dương đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt gia tăng đang làm suy yếu tiến trình xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này. Ước tính, khoảng 1,26 tỷ người, tương đương khoảng 30% dân số dự kiến của khu vực này vào năm 2030, vẫn sẽ được coi là nằm trong diện dễ tổn thương về mặt kinh tế.

Con số người nghèo cùng cực gia tăng ở châu Á khiến tình hình đói nghèo toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Theo ước tính của Liên hợp quốc, năm 2022, khoảng 258 triệu người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp do ảnh hưởng của xung đột, các cú sốc về kinh tế và các thảm họa khí hậu, tăng mạnh so với mức 193 triệu người của năm 2021. Việc có tới hơn 250 triệu người đối mặt tình trạng đói kém ở những mức độ khẩn cấp, trong đó nhiều người có nguy cơ chết đói, là thực trạng đáng lo ngại. Điều này được đánh giá là phản ánh thất bại về mặt nhân đạo khi thế giới nỗ lực đạt tiến bộ trong thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng đói nghèo và bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2021, thế giới có 193 triệu người trong tình trạng mất an ninh lương thực ở các mức độ khẩn cấp tập trung ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đến năm 2022, số người trong diện này đã tăng lên 258 triệu người, mở rộng ra 58 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các cuộc xung đột và tình trạng di dân trên diện rộng tiếp tục là những nguyên nhân chính khiến nạn đói toàn cầu thêm nghiêm trọng.

Nghèo đói gia tăng, bất bình đẳng sâu sắc hơn, sự phát triển bị kìm hãm, khủng hoảng khí hậu và các thảm họa thiên nhiên cũng góp phần dẫn tới mất an ninh lương thực. Khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói ở các nước đang phát triển. Sự thiếu tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo có nguy cơ chia rẽ nền kinh tế toàn cầu, gây bất lợi cho những người nghèo nhất thế giới.

Diễn biến mới của tình trạng nghèo đói ở châu Á nói riêng và thế giới nói chung đặt các nỗ lực đạt mục tiêu phát triển toàn cầu trước nhiều thách thức. Để đưa thế giới trở lại tiến độ trong lộ trình xóa đói, giảm nghèo, các chuyên gia khuyến nghị các chính phủ tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, đầu tư và đổi mới để tạo cơ hội cho tăng trưởng và việc làm./.

HÀ ANH (nhandan.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất