Từ chuyện giá giữ xe “nhảy múa”
Ngày
21/1, phóng viên gửi xe máy vào điểm giữ xe tại địa chỉ 117 Hồ Tùng
Mậu, quận 1 và được nhân viên thông báo giá giữ xe máy ban ngày 5.000
đồng/xe/lượt. Gần đó, ngay góc phố đi bộ Nguyễn Huệ - đường Tôn Thất
Thiệp có 2 bãi giữ xe thu phí 7.000 đồng/xe/lượt (ban ngày).
Hay
trên đường Nguyễn Huệ, một bãi đất trống được dựng tôn chắn và gắn biển
giữ xe 24/24 giờ. Nhân viên giữ xe cho biết, xe máy gửi ban ngày có giá
7.000 đồng/xe/lượt, cả đêm và ngày là 17.000 đồng/xe/lượt. Đây là những
điểm giữ xe tư nhân tự tổ chức, vé giữ xe không có biểu mẫu của Sở Tài
chính, không ghi giá cụ thể mà ghi biển số xe, thậm chí dùng thẻ từ nhận
dạng xe. Có được lợi thế nằm sát ngay phố đi bộ Nguyễn Huệ, điểm tham
quan giải trí của thành phố và là khu vực tập trung nhiều cao ốc văn
phòng, nên vào ngày cao điểm, bãi giữ xe kín chỗ.
Vào
ngày lễ Tết như mọi năm, giá giữ xe thấp nhất tại đây từ 10.000
đồng/xe/lượt. Đặc biệt, sắp tới thành phố tổ chức lễ hội đường hoa
Nguyễn Huệ, nên giá giữ xe sẽ không còn ở mức 5.000 - 7.000 đồng/xe/lượt
mà có thể "nhảy" lên ít nhất từ 10.000 đồng/xe/lượt.
Trong khi
đó, ngay sát chợ Tân Định, quận 1, một bãi giữ xe nằm trong khuôn viên
của Bệnh viện quận 1 cũng được lập nên để giữ xe máy, với giá vé dịp Tết
5.000 đồng/xe/lượt (ngày thường 3.000 đồng/xe/lượt). Tương tự, bệnh
viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1) cũng thu 5.000 đồng/xe/lượt, bãi giữ xe
sân bay Tân Sơn Nhất thu 5.000 đồng/xe/lượt.
Còn quanh khu vực
bến xe miền Đông, nhiều địa điểm treo biển nhận giữ xe ngày Tết với giá
từ 20.000 đồng - 45.000 đồng/xe/ngày đêm. Nhà xe trong bến xe Miền Đông
niêm yết giá giữ xe máy 5.000 đồng/xe/lượt và 9.000 đồng/xe/lượt cho cả
ngày và đêm. Đáng lưu ý, phần đất của bến xe Miền Đông đã được cho thuê
để giữ xe Bệnh viện Đa khoa quốc tế Tâm Phúc tại địa chỉ 236 Đinh Bộ
Lĩnh, quận Bình Thạnh với giá 5.000 đồng/xe/lượt (ban ngày).
Tuy
nhiên, khách nào cần gửi thì nhà xe sẽ lập tức cho gửi. Nhân viên giữ
xe ở đây cho biết, phần đất này được thuê lại từ bến xe miền Đông với
giá 17 triệu đồng/tháng. Ngày Tết nhiều người dân đến “năn nỉ” gửi với
giá từ 30.000 - 40.000 đồng/ngày đêm nhưng cũng không còn chỗ, vì bãi
chỉ gửi được tầm vài trăm xe. Nhân viên này còn chào mời: “Em yên tâm, ở
đây bọn chị giữ xe uy tín, không để xe bị trầy xước. Em nên tranh thủ
gửi đi chứ mấy hôm nữa có muốn cũng không còn chỗ gửi đâu...”.
Tình
trạng “nhảy múa” giá giữ xe trên đã vi phạm biểu giá mà UBND TP Hồ Chí
Minh mới ban hành, khiến nhiều người dân bức xúc vì đang bị “móc túi”.
Theo biểu giá dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân
sách nhà nước của thành phố, có 3 khu vực áp dụng việc trông giữ xe
đạp, xe máy.
Cụ thể nhóm 1 gồm: Trường học, bệnh viện có giá giữ
xe máy từ 2.000 - 3.000 đồng/xe/lượt (5.000 đồng/xe/lượt cho cả ngày và
đêm). Nhóm 2 gồm: Khu vực chợ, siêu thị, chung cư hạng III, IV, cửa
hàng kinh doanh, các trụ sở cơ quan, tổ chức trừ cơ quan hành chính nhà
nước có giá giữ xe máy từ 3.000 - 4.000 đồng/xe/lượt (7.000 đồng/xe/lượt
cho cả ngày và đêm).
Nhóm 3 gồm: Chung cư hạng I, II, khu vui
chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn, vũ trường, rạp hát và các trung tâm
thương mại phức hợp có giá giữ xe máy từ 4.000 - 5.000 đồng/xe/lượt
(9.000 đồng/xe/lượt cho cả ngày và đêm).
Đến “cò vé” và nghẹt thở di chuyển
Hành khách mua vé trực tiếp tại Ga Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
|
Tại
ga Sài Gòn, đến hẹn lại lên, câu chuyện cò vé lại tiếp tục tái diễn.
Những ngày giáp Tết, trước và trong sân ga Sài Gòn có một số “cò” vé
chèo kéo hành khách mua vé.
Một đối tượng nữ ngồi ở quán cà phê
đối diện cổng vào sân bay đon đả: “Mua vé tàu Tết không em, vé ngày nào
cũng có”. Khi được hỏi còn vé về Vinh ngày 26 Tết hay không, đối tượng
này lập tức bấm số gọi cho ai đấy sau đó tuyên bố còn vé. Ngoài giá gốc
hơn 1,3 triệu đồng cho ghế ngồi, đối tượng này ra giá thêm phí môi giới
350.000 đồng, đồng thời cho biết, chỉ cần đưa chứng minh nhân dân hoặc
đặt cọc tiền là vài ngày sau sẽ có vé.
Trao đổi với phóng viên,
ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn (thuộc
Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho biết, hiện nay vé tàu Tết vào
ngày cao điểm đi chặng Sài Gòn về các tỉnh miền Bắc đã được bán hết, tuy
nhiên hành khách vẫn còn cơ hội mua vé do mỗi ngày có khoảng 300 - 400
trường hợp trả vé.
Ngoài ra, ga Sài Gòn còn tổ chức bán vé tăng
cường ngồi ghế trên một số chuyến. Mặt khác, ga Sài Gòn đã phát loa cảnh
báo hành khách không được mua vé qua “cò” đồng thời phối hợp với công
an địa phương kiểm tra, xử lý các trường hợp “cò” vé trong và ngoài sân
ga.
Trước đó, lực lượng chức năng đã phối hợp bắt giữ 3 đối
tượng làm vé tàu giả bán cho hành khách. Qua kiểm tra, có ít nhất 10 vé
tàu không hợp lệ (đồng nghĩa với việc không được lên tàu) của hành khách
trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 đã được mua, có dấu hiệu sửa tên và giấy tờ
tùy thân.
Nếu câu chuyện “cò vé” ngành đường sắt “dậy sóng” dư
luận mỗi khi Tết đến, thì vấn đề giao thông đi lại trong dịp Tết Nguyên
đán cũng là điều mà hàng triệu người dân sinh sống tại TP Hồ Chí Minh
trăn trở, bức xúc không kém. Xếp hàng, chờ đợi, muộn giờ, tâm lý mệt mỏi
là cảnh tượng chung. Ngày 21/1 là ngày nghỉ cuối tuần (24 Tết), người
dân từ TP Hồ Chí Minh đổ về các tỉnh ăn Tết.
Ghi nhận tại khu
vực sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến đường Trường Sơn dẫn vào sân bay ùn ứ từ
9 giờ - 11 giờ cả hai chiều từ sân bay về trung tâm thành phố và ngược
lại. Lực lượng cảnh sát giao thông, an ninh sân bay và dân phòng đã rất
vất vả điều tiết, phân luồng giao thông để ổn định tình hình.
Vừa
khi thoát ra được dòng phương tiện đang xếp dài, chen lấn trên đường
Trường Sơn, anh Nguyễn Danh Mạnh (hành khách đi Vinh - Nghệ An) hớt hải
chạy vào khu vực làm thủ tục. Sau khi hoàn tất thủ tục, anh mới thở phào
nhẹ nhõm và cho biết, kẹt xe thường xuyên cửa ngõ sân bay nên phải
tranh thủ đi sớm, nếu đi sát giờ chắc chắn sẽ muộn chuyến bay.
Còn
tại khu vực bến xe miền Đông, cũng vào khoảng thời gian trên, ùn ứ giao
thông đã xảy ra tại góc đường Bạch Đằng Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ
Tĩnh - Bạch Đằng, ngã năm Đài Liệt sĩ khiến hàng trăm xe tải nhỏ kéo
đuôi nhau, nhất là trước cổng vào bến xe Miền Đông, nơi có nhiều xe
khách quay đầu ra vào bến. Trong bến, nhiều người với đồ đoàn lỉnh kỉnh
đứng lâu dưới nắng gắt để gửi đồ vào xe, có người nằm ngủ vật vờ trên
ghế chờ.
Trong khi đó, giao thông vào ga Sài Gòn tương đối thông
thoáng. Tuy nhiên trong ngày hôm qua (20/1) đã có 2 trường hợp hành
khách về Quảng Ngãi trễ giờ tàu chạy do kẹt xe. Theo ông Đỗ Quang Văn,
hiện nay ga Sài Gòn đang vào cao điểm phục vụ Tết Đinh Dậu 2017. Mỗi
ngày ga Sài Gòn phục vụ cho khoảng 12.000 - 16.000 hành khách. Vì thế để
tránh tình trạng trễ tàu, hành khách cần đến ga trước 30 phút khi tàu
khởi hành.
Trần Xuân Tình (TTXVN)