(TG) - Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã tạo ra nhiều dấu ấn quan trọng khi giảm bớt được 90% thủ tục hành chính. Trước những lo ngại về việc quy định thông thoáng đó, dễ tạo kẽ hở để doanh nghiệp đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, sẽ tập trung mọi nguồn lực cho công tác hậu kiểm.
Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm. Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan quản lý nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố. Điều này đồng nghĩa, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự an toàn của sản phẩm đó.
Trước điều kiện thông thoáng đó, Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.food) Trương Chí Thiện cho rằng, với những doanh nghiệp lớn có uy tín, thương hiệu, có trách nhiệm bảo vệ thương hiệu, họ sẽ cố gắng tuân thủ pháp luật và giữ uy tín với người tiêu dùng. Song các doanh nghiệp không thương hiệu, làm ăn chụp giật, cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản như thế nào để bảo vệ người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp làm ăn chân chính?
Đồng tình với quan điểm đó, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, với việc chuyển phương thức quản lý an toàn thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm, làm thế nào để phân biệt được sản phẩm đạt chất lượng và sản phẩm không đạt chất lượng trên thị trường. Nếu chưa được hậu kiểm, liệu sản phẩm có đạt chất lượng theo công bố của doanh nghiệp hay không?
Bởi có một thực tế đáng lo ngại là không chỉ thực phẩm, mà mỗi năm có hàng trăm loại dược phẩm kém chất lượng được cơ quan chức năng thu hồi, tiêu hủy. Tuy nhiên, khi thu hồi được, thì thuốc cũng như thực phẩm chức năng đã được tiêu thụ phần nhiều. Đơn cử như sản phẩm thuốc chữa ung thư được làm bằng bột than tre, đã sản xuất và tiêu thụ hàng tấn, đến khi cơ quan chức năng mới phát hiện thì đã có hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân ung thư từng sử dụng.
Nhiều chuyên gia khẳng định, khi một quy định mới mở cửa thông thoáng hơn cho người làm ăn chân chính, đồng nghĩa “mở” luôn cho người làm ăn không nghiêm túc, đây sẽ là thách thức lớn cho cơ quan quản lý. Với quy định mới này, công tác hậu kiểm phải tăng cường hơn, bao gồm cả kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Cho dù tự công bố nhưng khi hậu kiểm nếu phát hiện doanh nghiệp sai vẫn có quyền xử phạt, yêu cầu ngưng sản xuất.
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương Lê Việt Nga khẳng định, cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm nhưng không có nghĩa muốn công bố thế nào cũng được, quảng cáo ra sao cũng tùy. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, bị thu hồi toàn bộ sản phẩm công bố sai, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu dừng sản xuất. Hơn nữa, Nghị định 15 chỉ là nghị định về tạo cơ chế trong việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, tập trung vào chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không có nghĩa là bỏ trống chất lượng sản phẩm.
Đồng tình với quan điểm đó, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong lý giải, Nghị định tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Để có biện pháp xử lý kịp thời, nếu doanh nghiệp sai phạm, cơ quan quản lý khi hậu kiểm sẽ thực hiện lấy ba mẫu, một mẫu lưu tại cơ sở, hai mẫu mang về kiểm nghiệm. Nếu không đạt chất lượng, sẽ có biện pháp xử lý kịp thời.
“Điều này để tránh tình trạng như trước đây, nhiều địa phương lấy mẫu kiểm tra, có khi mấy tháng mới có kết quả. Lúc này, sản phẩm vi phạm có thể đã được đưa ra thị trường tiêu thụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm cũng đang đề xuất sửa đổi Nghị định 178/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm đồng thời áp dụng nghiêm túc Điều 317 của Bộ luật Hình sự với các vi phạm về an toàn thực phẩm” - ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định.
Mặt khác, đối với công tác hậu kiểm, Chính phủ hiện cũng đang có Đề án nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường với chức năng mới giúp xử lý nhanh gọn, hiệu quả; góp phần kiểm soát, tuân thủ quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, việc triển khai Nghị định 15/2018 trên phạm vi rộng tại hơn 8.000 chợ, gần 400 siêu thị, trên 4.000 cửa hàng tiện ích và hơn 2 triệu hộ kinh doanh được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả cao bởi tại các thành phố lớn, từng tuyến huyện, xã đều có hệ thống thanh tra thí điểm về an toàn thực phẩm. Với lực lượng thanh tra chuyên ngành này, việc phát hiện các cơ sở kinh doanh thực phẩm vi phạm quy định, điều kiện an toàn thực phẩm sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, Nghị định 15 là văn bản vô cùng quan trọng, thay đổi gần như cơ bản phương thức quản lý thực phẩm, từ phương thức công bố đến phương thức đăng ký tự công bố, kiểm soát thực phẩm nhập khẩu, điều kiện vệ sinh, quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, quảng cáo thực phẩm./.
TG