Thứ Bảy, 21/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 11/11/2013 23:11'(GMT+7)

Nghi lễ Cấp sắc và Hát Páo dung được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghi lễ Cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang

Nghi lễ Cấp sắc của người Dao ở Tuyên Quang

Trong số 8 Di sản Văn hóa phi vật thể của 4 tỉnh là Tuyên Quang, Lào Cai, Điện Biên và Trà Vinh được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc các loại hình lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian, tỉnh Tuyên Quang vinh dự có 2 Di sản Văn hóa phi vật thể được công nhận là Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao.

Theo đó, lễ Cấp sắc là một trong những nét văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của người Dao tỉnh Tuyên Quang. Theo quan niệm của người Dao, lễ Cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu của người đàn ông dân tộc Dao. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành và có đủ thẩm quyền tham gia các công việc của cộng đồng: Thầy cúng, ông mối làng… Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, với nhiều nghi lễ như: Lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn ma tổ tiên…

Lời cúng trong lễ Cấp sắc có giá trị lịch sử  và tinh thần sâu sắc, giúp mọi người biết nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó răn dạy mọi người phải hướng thiện, tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ. Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn trong đời sống xã hội. Trong lễ cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa, tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí... thể hiện trình độ thẩm mỹ cao.

Hát Páo dung là điệu hát dân ca của dân tộc Dao, nhưng ở từng nhóm người Dao khác nhau thì điệu Páo dung cũng có sự khác nhau trong biểu diễn. Páo dung ở các nhóm người Dao Quần Trắng, Áo Dài ở huyện Hàm Yên, Yên Sơn… là âm điệu kéo dài, trầm. Người Dao Đỏ, Dao Tiền ở huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Dao Quần Chẹt ở huyện Sơn Dương có làn điệu bổng. Các làn điệu Páo dung của người Dao đều có cùng nội dung đề cao tinh thần lao động sáng tạo, đạo đức, lẽ sống, phép ứng xử, ca ngợi thiên nhiên, tình yêu đôi lứa. Hát Páo dung có nhiều thể loại như hát giao duyên, hát răn dạy, hát uống rượu, hát tiễn đưa. 

Tuy nhiên, đặc sắc nhất vẫn là hát giao duyên, tỏ tình của các chàng trai, cô gái khi tìm hiểu nhau, theo đó, khi hát thì phần lớn lời hát thường được ứng khẩu tại chỗ. Trong hát giao duyên còn có thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ đã có vợ, có chồng để thưởng thức tài nghệ của nhau, nên nội dung lời hát tập trung ca ngợi sản xuất, ca ngợi thiên nhiên, hỏi thăm sức khoẻ, công việc đồng áng. Ngoài ra, khi có cuộc vui gia đình, bạn bè, dòng họ thì người Dao thường hát và uống rượu. Nội dung bài hát phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể và phù hợp với tiệc rượu… Hát thường được tổ chức vào lúc nông nhàn, khi Xuân về, Tết đến.

Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đang phối hợp với UBND các huyện xây dựng chương trình, kế hoạch bảo tồn Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của người Dao tại các thôn, bản, các xã, huyện đúng với truyền thống và theo nguyện vọng của người dân, để thiết thực phục vụ nhân dân.

 Lê Minh - Hội Di sản Việt Nam


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất