Thứ Sáu, 29/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 10/4/2018 16:14'(GMT+7)

Nghị quyết 23: “Đòn bẩy” cho văn học, nghệ thuật Lào Cai phát triển

Thứ nhất, đổi mới và đẩy mạnh phát triển văn học, nghệ thuật bảo đảm phong phú về đề tài, tiếp tục nâng cao chất lượng và nội dung tác phẩm; kết hợp với bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Với dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, gắn bó với bản sắc văn hoá dân tộc, phản ánh chân thực cuộc sống của đồng bào các dân tộc Lào Cai trong thời kỳ hội nhập, đổi mới. Trong 10 năm qua, các văn nghệ sĩ của tỉnh không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, nhiều tác phẩm âm nhạc, văn học, nhiếp ảnh, công trình nghiên cứu sưu tầm... đã góp phần quảng bá hình ảnh của tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sĩ và các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã xuất bản gần 300 đầu sách, trong đó riêng lĩnh vực văn học đã có trên 120 tác phẩm, lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian có 26 tác phẩm, kịch bản phim truyền hình có 15 tác phẩm, lý luận phê bình văn học có 6 tác phẩm, các tác phẩm còn lại thuộc lĩnh vực âm nhạc, mỹ thuật. Nhiều tác phẩm đã gây được tiếng vang, có sự ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống văn hóa, văn học, nghệ thuật trong và ngoài tỉnh như: sách “Một thế kỷ văn thơ Lào Cai”, tuyển tập  “Văn Thơ Lào Cai 25 năm 1991 – 2015”, kịch bản phim “Mạch ngầm vùng biên ải”... Tạp chí Phan Xi Păng đã đăng tải, quảng bá trên 4.000 tác phẩm văn học, nghệ thuật.

Trong 10 năm (2008 – 2018), hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã đoạt 123 giải thưởng các chuyên ngành Trung ương, 2 giải quốc tế, 47 giải thưởng văn học nghệ thuật Phan Xi Păng, 354 giải thưởng văn học nghệ thuật hàng năm của tỉnh; đã đoạt 9 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 8 huy chương đồng, 5 giải xuất sắc, 04 giải khá trong các kỳ hội diễn, triển lãm mỹ thuật khu vực, liên hoan ảnh nghệ thuật, liên hoan âm nhạc khu vực và toàn quốc. Có 16 văn nghệ sỹ được nhận bằng khen của các hội chuyên ngành Trung ương; 8 hội viên được tặng Huân chương Lao động của Chủ tịch nước và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 hội viên được tặng kỷ niệm chương vì những đóng góp xuất sắc trong hoạt động văn học, nghệ thuật; 2 hội viên được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, 1 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Kết hợp hiệu quả giữa phát triển văn học, nghệ thuật với bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, Lào Cai chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản phi vật thể quốc gia, gắn các di sản văn hóa với phát triển du lịch. Đến năm 2018, Lào Cai có 24 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó di sản văn hóa phi vật thể “nghi lễ kéo co Tày, Giáy” đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại; Nghi lễ then Tày đang trình đề nghị UNESCO công nhận là di sản đại diện nhân loại. Công tác tôn vinh nghệ nhân lĩnh vực văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, triển khai nghiêm túc, đúng quy trình. Đến nay tỉnh Lào Cai đã có 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú (đợt 1). Công tác tuyên truyền về bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được chú trọng... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được khai thác trở thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch của địa phương như: Lễ hội Gầu tào của người Mông; Nghề chạm khắc bạc của người Mông; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Lễ Pút tồng của người Dao đỏ ở Sa Pa; Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy ở Sa Pa; Nghệ thuật The (múa) của người Tày xã Tà Chải, huyện Bắc Hà... 

Thứ hai, tăng cường xây dựng và phát triển văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống.


Lào Cai nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn học, nghệ thuật và phát triển lực lượng văn nghệ sĩ. Nếu như trước năm 2008, toàn tỉnh mới chỉ có trên 100 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên thì đến 2018 tỉnh Lào Cai đã có trên 1.000 đội, câu lạc bộ văn nghệ trong đó có gần 600 đội, câu lạc bộ văn nghệ tại thôn bản thường xuyên tập luyện và duy trì hoạt động với từ 1.500 đến 2.000 buổi biểu diễn trong năm, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương. Hoạt động văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi nhất trong dịp đầu xuân gắn với các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút đông đảo những người yêu ca hát, những hạt nhân văn nghệ ở địa phương tham gia. Trong số các đội văn nghệ cơ sở, mô hình đội văn nghệ quần chúng gắn với bản sắc tộc người được thường xuyên duy trì và phát triển, tiêu biểu như đội xòe dân tộc Tày Tà Chải (Bắc Hà), đội văn nghệ dân tộc Dao ở Long Khánh (Bảo Yên), đội văn nghệ dân tộc Mông ở Bản Phố (huyện Bắc Hà), đội văn nghệ dân tộc Giáy ở Mường Hum (huyện Bát Xát), đội văn nghệ dân tộc Xá Phó ở thôn An Thành (huyện Bảo Thắng), đội văn nghệ Khắp Nôm Tày (huyện Văn Bàn), đội văn nghệ dân tộc Dao (huyện Bảo Thắng), câu lạc bộ dân ca Nùng (huyện Mường Khương)… Việc bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống được chú trọng thông qua tổ chức các liên hoan, hội thi nghệ thuật quần chúng, thi trình diễn trang phục dân tộc.... thu hút hàng nghìn diễn viên, nghệ nhân tham gia; tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cộng đồng, cổ vũ cho hoạt động sáng tác và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng. 

Chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên môn thực hiện lĩnh vực văn học nghệ thuật bảo đảm đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước như Hội Văn học Nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh. Đối với Hội Văn học Nghệ thuật đã lãnh đạo và thực hiện thành công các kỳ đại hội Hội Văn học Nghệ thuật và các chi hội. Đặc biệt, năm 2017 tổ chức thành công Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 – 2022 gắn với Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội (1972 – 2017) bảo đảm trang trọng, ý nghĩa. Đại hội đánh dấu bước chuyển giao thế hệ quan trọng với việc bầu ra Ban Chấp hành mới trẻ trung, bảo đảm về phẩm chất, trình độ, đủ năng lực gánh vác trọng trách của sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai trong giai đoạn mới. Việc tổ chức thành công các sự kiện này đã tiếp tục khẳng định sự quan tâm, tạo điều kiện chăm lo lĩnh vực văn học, nghệ thuật của cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đồng thời thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của đội ngũ văn nghệ sĩ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lào Cai. Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của tỉnh đồng thời sưu tầm, khai thác chỉnh lý, thử nghiệm và nâng cao vốn nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai. Ngân sách tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các khoản chi lương, phụ cấp lương, các khoản theo lương, bồi dưỡng tập luyện và biểu diễn, chế độ nhuận bút theo đúng các quy định hiện hành. Hằng năm, Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh và các đơn vị sự nghiệp khác của tỉnh đã dàn dựng và biểu diễn gần 1.000 chương trình nghệ thuật, thông tin lưu động phục vụ các tầng lớn nhân dân trong tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết 23 và yêu cầu thực tiễn của Lào Cai, tháng 9 năm 2008 tỉnh Lào Cai quyết định nâng cấp Trung tâm đào tạo cán bộ văn hóa nghệ thuật của tỉnh thành Trường Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Lào Cai (đến năm 2014 sát nhập vào Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh). Mặc dù mới được thành lập trải qua một số thời điểm biến động về tổ chức nhưng 10 năm qua, hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực văn hóa, văn học, ghệ thuật có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong việc phát triển đội ngũ cán bộ, lực lượng văn nghệ sĩ cũng như hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh. Số lượng lớp mở mới tăng dần theo năm, nếu như năm học 2008 - 2009 mới có 3 lớp với 20 sinh viên theo học, thì đến năm học 2017 – 2018 đã có 8 lớp được mở với tổng số gần 80 sinh viên. Liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học sân khấu điện ảnh, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam mở được 05 lớp đào tạo các hệ đại học, cao đẳng tại Lào Cai; đồng thời gửi đào tạo hệ đại học và trên đại học cho nhiều cán bộ quản lý, giảng viên của nhà trường.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu phát triển văn học, nghệ thuật.

Cùng với các giải thưởng về lĩnh vực văn hóa văn nghệ, trong 10 năm qua, tỉnh Lào Cai đã xây dựng và ban hành 6 văn bản quy phạm pháp luật và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật theo chủ trương Nghị quyết 23. Việc tổ chức triển khai các quy định trên đã góp phần động viên, khuyến khích các văn nghệ sĩ, các nhà báo tích cực lao động sáng tạo và cống hiến. Riêng giải thưởng Văn học Nghệ thuật hằng năm, tổng kết giai đoạn 5 năm (2010 – 2015) đã có 157 tác phẩm, công trình đạt giải. Ngoài những quy định với ý nghĩa khích lệ và tôn vinh các văn nghệ sĩ tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật, UBND tỉnh còn quy định mức thưởng cho các tập thể, cá nhân lập thành tích cao tại các cuộc thi quốc gia, khu vực Đông Nam Á, châu lục và quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thể dục thể thao; khoa học công nghệ và kỹ thuật; văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mức thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích cao trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và các cá nhân có thành tích cao trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đã được điều chỉnh tăng, phù hợp với tình hình thực tế nhằm động viên, kích thích phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong tỉnh. 

Giai đoạn 2008 - 2018, tỉnh Lào Cai đã đầu tư 03 dự án lớn về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật gồm: Nhà văn hóa đa năng tỉnh Lào Cai, Bảo tàng tỉnh Lào Cai, Trung tâm thông tin triển lãm tỉnh Lào Cai với tổng mức đầu tư là 374.965 triệu đồng. Các công trình được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ và nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tại nhà văn hóa đa năng tỉnh Lào Cai đã đầu tư các phòng chiếu phim chất lượng cao phục vụ khán giả đến xem phim (năm 2017 chiếu 345 buổi, phục vụ 13.236 lượt khán giả); đây cũng là nơi tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn, những sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương. Riêng Thư viện tỉnh, đã chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới phương thức phục vụ, nâng cao chất lượng vốn tài liệu, kịp thời bổ sung vốn tài liệu đáp ứng được nhu cầu của độc giả trong đó đã chú trọng tuyên tuyền, giới thiệu quảng bá các tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật của tỉnh đến với công chúng. Tại Nhà Bảo tàng tỉnh đã lưu giữ, trưng bày, bảo quản 14.601 tư liệu, hiện vật trong đó nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa và khoa học. Được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9 năm 2016, đến nay Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã thu hút hơn 20.000 lượt khách tham quan. Đây không chỉ là thiết chế văn hóa mà còn là điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của nhân dân, đặc biệt là nơi học tập ngoại khóa bổ ích cho học sinh các cấp và sinh viên trong tỉnh.

Những thành tựu nổi bật về phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh Lào Cai trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn và kịp thời của Nghị quyết 23. Kết quả trong phát triển văn học, nghệ thuật cũng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của Lào Cai./.

Phùng Nam Trung

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất