1.
Nói về bản sắc Hà Nội cũng như bất cứ một địa phương nào ở vào thời
điểm này quả là có nhiều cái khó. Thứ nhất là do ảnh hưởng của việc di
dân. Sau khi hòa bình lập lại, số cán bộ đi kháng chiến cùng với gia
đình về Thủ đô làm việc và sinh sống đã tạo nên một lớp cư dân mới. Rồi
chiến tranh kết thúc ít lâu, khi thoát dần khỏi cơ chế bao cấp, số gia
đình từ các địa phương chuyển về Hà Nội càng đông. Đặc biệt, từ sau Đổi
mới, chế độ tem phiếu không còn là áp lực đối với cuộc sống hàng ngày
thì cư dân Hà Nội càng tăng vọt.
Những ai từng sống ở Hà Nội lâu năm sẽ
thấy Hà Nội nay rất khác Hà Nội xưa. Thủ đô đẹp lên trong dáng vẻ của
một thành phố hiện đại. Cuộc sống tiện nghi hơn. Nhịp sống hối hả hơn.
Nhưng điều quan trọng là nét thanh lịch của người Tràng An dường như
cũng mai một hơn... Rất khó để tìm ra nét khác biệt mang tính bản sắc.
Hơn nữa, từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, mười năm, trong bối cảnh thế
giới phẳng và làn sóng di dân diễn ra khắp nơi thì khái niệm bản sắc Hà
Nội càng không dễ minh định.
Những
nhà văn Hà Nội trước đây viết về Hà Nội đều in dấu vào tác phẩm nét
riêng của Hà Nội, không lẫn với những trang viết về Hà Nội của các nhà
văn là người ở vùng miền khác.
Nét tao nhã của Nguyễn Tuân, từ thú ẩm
thực đến cốt cách, không đơn thuần là một cá tính, một phong cách sống.
Điều này được thể hiện rõ trong Vang bóng một thời. Thú chơi của những ông quan, cụ cử, ông nghè cùng lớp nho sĩ cuối mùa, từ lối độc ẩm cầu kì trong Những chiếc ấm đất, lối Thả thơ và Đánh thơ có một không hai, lối thưởng thức những viên đá cuội bọc nha ướp hương lan trong Hương cuội đến Bữa rượu máu và đặc biệt Chữ người tử tù,
tuy đã rất gần với hiện thực đời sống lúc bấy giờ vẫn mang một cốt cách
khác. Huấn Cao vừa là một trang khí phách vừa là một đấng tài hoa,
phong nhã... Ngay từ tập truyện này, người đọc đã nhận ra không chỉ một
tài năng văn chương Nguyễn Tuân mà còn là một phong cách Nguyễn Tuân rất
đặc sắc mà chỉ có thể gắn ông với vùng đất kinh kì. Phong cách đó của
ông còn được thể hiện với mức độ khác nhau ở các sáng tác sau này, từ Sông Đà đến Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi.
Nguyễn Huy Tưởng từ vở kịch Vũ Như Tô đến tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô
đã thể hiện rất rõ bản sắc và con người Hà Nội: những con người luôn
đau đáu với mục đích nghệ thuật mà mình theo đuổi, những người dân gắn
bó số phận của mình với vận nước trước sự xâm lăng của kẻ thù. Ông đã
thể hiện hình ảnh những người dân Thủ đô rất yêu ngôi nhà và thành phố
của mình nhưng vẫn sẵn sàng “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi Hà Nội
bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bằng tất cả tình cảm của
một nhà văn rất yêu Hà Nội.
Nguyễn Đình Thi tài hoa đã có nhiều đóng góp
cho nền văn học nghệ thuật cách mạng ở nhiều thể loại. Nhắc đến ông,
không thể không nhắc đến hai bản nhạc nổi tiếng Diệt phát xít và Người Hà Nội
được dùng làm nhạc hiệu của đài Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh -
Truyền hình Hà Nội vừa hừng hực lòng căm thù giặc vừa da diết một tình
yêu vô bờ đối với Thủ đô.
Chưa kể đến Tô Hoài với những trang văn về
làng Nghĩa Đô ngoại thành, đến Thạch Lam với Hà Nội băm sáu phố phường, đến Vũ Bằng với Thương nhớ mười hai, Miếng ngon Hà Nội, đến Băng Sơn mà văn nghiệp của ông chỉ toàn viết về Hà Nội như Thú ăn chơi người Hà Nội, Dòng sông Hà Nội...
Như vậy, bản sắc Hà Nội trong sáng tác của một thế hệ nhà văn sinh ra,
lớn lên ở Thủ đô quả đã in đậm trong từng tác phẩm của họ dẫu mỗi người
đều biểu hiện với những cung cách khác nhau.
Tôi
nhớ một thời Ban Văn học hiện đại (Viện Văn học) chúng tôi tổ chức đến
các địa phương, liên kết với các hội văn nghệ ở đó làm những tập sách về
những nhà văn Việt Nam quê ở các tỉnh như Bình Trị Thiên, Nghệ Tĩnh,
Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh. Các tập sách này đã cho thấy được ít nhiều bản
sắc văn hóa vùng miền lưu dấu trong sáng tác của các nhà văn sinh ra,
lớn lên ở miền đất đó. Tất nhiên có địa phương không là quê sinh nhưng
là quê dưỡng khi cả đời văn của nhà văn gắn bó cùng mảnh đất ấy như
trường hợp nhà thơ Quang Huy, nhà nghiên cứu Ninh Viết Giao... Sáng tác
của các nhà văn này in đậm dấu ấn vùng đất đã từng nuôi dưỡng con người
họ. Không chỉ đề tài mà còn là cảm xúc, ngôn từ, giọng điệu. Đó là điều
của mấy chục năm về trước, khi làn sóng di dân và hội nhập chưa tạo nên
những dư chấn trong đời sống xã hội.
Vì thế mà những năm gần đây, vấn đề
đề tài địa phương ít được người viết đặt ra hơn so với trước. Có chăng
thì tác phẩm cũng khó mang được bản sắc vùng miền xét ở góc nhìn văn
hóa.
Vậy thì địa phương tính trong văn chương có còn hay không cũng là
một vấn đề cần quan sát để thấy được phần nào quy luật vận động của mối
quan hệ giữa hiện thực và con người ở phạm vi hẹp trong điều kiện sống
nhiều lưu chuyển thời nay.
Từ sau kháng chiến chống Pháp, đặc biệt từ
sau Đổi mới, Hà Nội là một tập hợp cư dân của rất nhiều địa phương (chưa
kể người nước ngoài). Liệu Hà Nội có bị “đồng hóa” không trong bối cảnh
đó?
2. Trở lại với bản sắc Hà Nội trong văn học đương đại nói chung và văn xuôi đương đại nói riêng, cần hiểu đó là đề tài hay vấn đề?
Tản
văn có lẽ là thể được ưa chuộng hiện nay trong sáng tác về Hà Nội.
Người viết tản văn có thể là người sống lâu ở Hà Nội hiện đang gắn bó
với nơi này, cũng có thể là người dan díu sâu nặng với Thủ đô nhưng vì
những lí do khác nhau nên đã chuyển vào sinh sống ở các thành phố phương
Nam đầy nắng gió.
Dương Thụ với Cà phê mưa viết về phố Hà Nội,
quà Hà Nội, về mùa đông Hà Nội, về thú uống chè chén vỉa hè Hà Nội. Hà
Nội đến với ông trong nỗi nhớ da diết, trong tình yêu đặc biệt mà dù đã
có những trang văn đặc tả thì dường như cũng không chuyển tải được hết
tấm tình của ông.
Nguyễn Việt Hà trình xuất Con giai phố cổ -
tập tản văn viết về đàn ông, con giai và mưu sĩ; đàn bà, thiếu nữ và
thiếu phụ; mê, tình và những thứ khác. Với cái nhìn của một người rất
hiểu về con người và đời sống thị dân Hà Nội, Nguyễn Việt Hà đã miêu tả
sâu sắc hồn cốt của những con người phố cổ trong tính cách, nếp sống,
quan niệm, gia phong, một đời sống đô thị với những xô bồ rất đặc trưng
phố cổ.
Với Nguyễn Trương Quý, Hà Nội là Hà Nội lại là “cuộc
tìm kiếm những giá trị văn hóa ở một thành phố tưởng như đã định hình
nét văn hóa mà vẫn liên tục phải gọt giũa”. Hà Nội của Nguyễn Trương Quý
là Hà Nội đang vận động trên cái nền văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn
vật, đang phát triển trong một cơ chế mới với nhịp sống mới có hoa thơm
nhưng cũng nhiều cỏ dại, “rất đẹp mà vẫn còn những điều không đẹp”. Hà
Nội được anh nhìn khác đi, không phải là mùa thu đặc trưng mà là mùa
nóng nực, không chỉ có cái đẹp của phong thái ung dung tự tại mà còn là
những nhếch nhác xô bồ.
Uông Triều với Hà Nội quán xá phố phường tiếp
tục dẫn dắt người đọc đi qua các con phố Hà thành thân thuộc, đến với
những món ăn bình dị không chỉ có ở Hà Nội nhưng vẫn mang nét riêng của
Hà Nội. Cái đặc sắc của Uông Triều là viết về những điều mà người khác
đã viết, viết nhiều, viết hay nhưng anh vẫn “dấn thân” và nhìn ra được
lịch sử đường phố và văn hóa ẩm thực dưới cái nhìn của một thế hệ trẻ
thuộc diện mới “nhập cư”…
Như vậy, ẩm thực, thiên nhiên, môi trường,
sinh hoạt... là những lĩnh vực mang tính khu biệt và luôn được người
viết, dù là trước đây hay hiện nay, soi chiếu dưới góc nhìn văn hóa.
Chè
chén vỉa hè, quà vặt của Dương Thụ, kiểu người phố cổ của Nguyễn Việt
Hà, không gian và con người Hà Nội của Nguyễn Trương Quý, các món ăn của
Uông Triều... đều được cảm nhận trong sự tinh tế của người thưởng thức
và tự thân nó cũng đem đến cho người đọc những thông điệp mới, vượt ra
cái cụ thể của món ăn thức uống thông thường, vừa có nét cổ xưa lại vừa
mang nét hiện đại của nhịp sống, của giao thoa trong một thế giới phẳng.
Đọc tản văn viết về Hà Nội, những ai đã từng sống lâu năm ở Hà
Nội cảm thấy như tìm được ở đó sự yên tĩnh cho tâm hồn, còn với những
ai xa Hà Nội lại như được tìm về những kỉ niệm dấu yêu. Thời gian sẽ
cuốn đi rất nhiều thứ của một đời người, làm đổi thay diện mạo của một
vùng đất, nhưng văn hóa là điều sẽ còn lại, song hành cùng lịch sử và
các thế hệ mai sau.
Đương nhiên cũng có những tác phẩm ở các thể loại khác liên quan đến đất và người Hà Nội, như Đỗ Phấn với Dằng dặc triền sông mưa
mang hơi hướng của một tiểu thuyết tự truyện đưa người đọc trở về với
kí ức đẹp đẽ của một cậu bé người Hà Nội trong thời kì hòa bình sau ngày
giải phóng Thủ đô và thời chiến tranh gian khổ.
Chén rượu gạn đáy vò
của Đỗ Chu dành nhiều tâm huyết của một cây bút tài năng cho những trí
thức văn nghệ sĩ sống, lớn lên và gắn cuộc đời, sự nghiệp của mình với
Thủ đô, cho thấy được ở họ tài năng, nhân cách mang đậm chất văn hóa
kinh kì. Đương nhiên viết về những con người nổi tiếng, Đỗ Chu cũng bộc
lộ kiến văn, cảm hứng, trí tuệ của một ngòi bút lịch lãm, uyên thâm mà
nếu không sống lâu ở Hà Nội thì khó mà có được chất/phẩm chất văn chương
ấy, dù khi mới xuất hiện truyện ngắn của ông đã đem đến cho người đọc
sự ngỡ ngàng.
Tương tự là trường hợp Phong Lê với Viết về Hà Nội và Tản văn và Tạp luận.
Nhà nghiên cứu gốc Nghệ này luôn nhận Hà Nội là quê hương thứ hai của
mình vì ông đã sống và làm việc ở đây hơn sáu mươi năm; với quãng thời
gian ấy ông đã thấm được không chỉ kiến văn mà còn là văn hóa Hà Nội khi
viết về những nhân sĩ trí thức sinh ra, sống trên đất Hà thành, tiêu
biểu cho một lớp trí thức Hà Nội của thế kỉ XX.
Ngoài ra là văn phẩm của
Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Bảo Ninh cùng nhiều nhà văn nhà thơ
khác...
3.
Có người bạn tôi từng than phiền là sao bây giờ ít bài hát hay về Hà
Nội. Tôi nghĩ có lẽ không chỉ bên âm nhạc. Văn xuôi Hà Nội hôm nay (mà
cũng có thể rộng ra là cả nước) cho tôi cảm giác là hơi tĩnh, chưa bắt
sâu được vào mạch của cuộc sống, ít có tác phẩm dấn thân trực diện với
những vấn đề nóng đang đặt ra trong đời sống hiện tại.
Tôi cho rằng
trong số các nhà văn đang trường lực, trực chiến nhất vẫn là Nguyễn Bắc
Sơn. Ông đã cho ra một loạt tiểu thuyết gắn với những vấn đề đang xảy ra
trong đời sống. Luật đời cha và con cho thấy những bất cập trong cơ
chế, sự vênh lệch giữa lí luận và thực tiễn. Với Lửa đắng, ông đề xuất việc nhất thể hóa chức danh bí thư và chủ tịch. Với Gã tép riu,
nhà văn đã đi vào lĩnh vực gần gũi hơn với văn giới mà ở đó cũng đang
nóng lên những xung đột về cá tính, về nhân cách, về văn hóa quyền lực,
văn hóa ứng xử. Đến Vỡ vụn và Cuộc vuông tròn, ông
càng thể hiện khả năng tinh nhạy trong việc nắm bắt những vấn đề bức xúc
mà cuộc sống đang đặt ra thông qua quan hệ trong và ngoài luồng ở gia
đình, quan hệ giữa thầy - trò, cha - con, giữa những người cùng và khác
nhau về chính kiến. Ma Văn Kháng gọi Nguyễn Bắc Sơn là “nhà tiểu thuyết
chính trị - thế sự - thời cuộc” không ngoài ý nghĩa đó.
Văn học không
tách rời bầu khí quyển chính trị và đời sống xã hội. Văn học có sự độc
lập nhưng tác phẩm văn chương phải mang được hơi thở cuộc sống và gắn bó
chặt chẽ với thân phận của con người. Nếu như trong chiến tranh, văn
xuôi còn những hạn chế nhất định thì chí ít, nó cũng cập nhật được với
cuộc sống của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Còn như hiện
nay, chúng ta thử ngẫm xem nguyên nhân gì đã khiến cho cuộc sống đương
đại đang vận động đầy chất tiểu thuyết lại thưa bóng trong đời sống văn
chương? Đâu là vấn đề, là nhân vật trung tâm mà các nhà văn xuôi đương
đại cần hướng tới? Nâng cao tầm vóc văn chương Thủ đô cũng là một cách
khẳng định bản sắc người cầm bút Hà Nội. Tôi nhớ trước khi mất không
lâu, nhà văn Nguyễn Minh Châu trăn trở, đại ý, nhà văn tồn tại ở trên
đời trước hết là để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người
cùng đường, tuyệt lộ, để bênh vực cho những người không còn ai để bênh
vực; sợ nhất ở nhà văn là cái thái độ lãnh đạm, dửng dưng trước mọi
việc.
Gần đây, đọc bài Cuộc trò chuyện cuối cùng với Nguyễn Khải do Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện, đăng trong Một chữ Tâm rưng rưng
(Nxb Văn hoá - Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2018), tôi rất tâm đắc
với ý kiến sau đây của nhà văn (dù ý kiến này Nguyễn Khải đã từng nói
cách đây hơn mười năm - ngay trước ngày ông lên bàn mổ và hơn một tháng
sau thì ông mất): “Tôi thích những người quyền lực về tinh thần, chiến
đấu đầy bi kịch cho dân chủ và tiến bộ xã hội. Loại người có thế giới
tinh thần mạnh mẽ, muốn thay đổi, không muốn sống như cũ nữa. Ở trạng
thái này, con người sẽ phong phú... Tôi yêu vùng quê đồng bằng Bắc Bộ
nhưng viết về các vấn đề có ý nghĩa triết học - tư tưởng phải là thế
giới tập trung chính trị văn hóa, phải là đô thị. Muốn viết sâu đậm,
không thể không lôi về Hà Nội. Một nửa sự nghiệp của tôi ở trong Nam này
cũng vậy. Tôi muốn đi vào giới trí thức, vì trí thức biết buồn cái buồn
của người khác. Nhân vật của thành phố lớn là con người của tri
thức...”.
Cùng với nỗi niềm của Nguyễn Minh Châu, tín niệm của Nguyễn
Khải đã khơi mở cho tôi một số điều mà lâu nay bản thân còn vướng mắc.
Tôi hiểu bản sắc cần được nhìn từ vấn đề và đó là những vấn đề xã hội mà
người trí thức đặt ra bởi thời nào họ cũng là những người luôn trăn trở
với sự tồn vong của dân tộc, biết buồn nỗi buồn của dân chúng. Không
nghi ngờ gì nữa, nhân vật trung tâm của văn chương mang bản sắc Hà Nội nói riêng và văn học nói chung phải là người trí thức - kẻ sĩ Bắc Hà.
Trong bối cảnh hôm nay phẩm chất của kẻ sĩ Bắc Hà cần được coi là một
trọng tâm của sáng tạo văn học. Họ chính là người “nắm giữ quyền lực về
tinh thần chiến đấu cho dân chủ và tiến bộ xã hội”./.
Tôn Phương Lan
(Nguồn: Văn nghệ quân đội)