Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu của Việt Nam, nhất là hàng từ Trung Quốc, “đang là vấn đề rất khó kiểm soát đối với các cơ quan chức năng Việt Nam”. Theo tổ chức này, với 3 phương thức kiểm dịch hiện nay là trên hồ sơ, xem xét ngoại quan và xét nghiệm một số tiêu chí thì việc tiến hành chưa chuyên nghiệp và chỉ bằng mắt thường.
Người ta hay nói một nửa cái bánh mì chỉ là một nửa cái bánh mì nhưng một nửa sự thật thì chắc chắn không phải là sự thật. Và có gì đó giống với cả bánh mì và cả sự thật khi cơ quan chức năng lo về mâm cơm của người dân trong ngày 19-10 đã công bố đa phần các mẫu xét nghiệm độc tố về đồ ăn, chủ yếu là đồ khô đều “không vượt ngưỡng cho phép”, tuy - hình như - tất cả đều… dính dáng đến hóa chất độc hại: măng khô có 27/27 mẫu chứa cyanua, lưu huỳnh và sulfite, nhưng áp theo tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế (Codex) thì chưa có mẫu nào vượt ngưỡng cho phép; trong 40 mẫu thịt bò khô tại TPHCM và Hà Nội thì 20/20 mẫu có vi sinh vật E.coli nhưng không vượt quá giới hạn cho phép; 20/20 mẫu âm tính với salmonella; 20/20 âm tính với sudan II…
Như vậy, theo quy định của Bộ Y tế chỉ có 1/40 mẫu thịt bò khô không đạt tiêu chuẩn, do bị nhiễm salmonella. Tương tự, cơ quan chức năng là Bộ NN-PTNT cho rằng các mẫu cá kiểm tra (54/60 mẫu cá thu, bạc má, ngừ) có phát hiện sử dụng chất bảo quản là urê nhưng… mức thấp. Và lỗi ngộ độc theo bộ này chủ yếu do “dính” chợ chiều khi người nghèo mua về xài mà không biết có chất histamin lan tỏa.
Với 2 bộ luật và trên dưới 20 văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định về an toàn vệ sinh thực phẩm, người dân vẫn hoang mang: ăn gì, ăn như thế nào. Thật sự đó là cái vòng luẩn quẩn khi miếng ăn của người dân có tới 3 bộ quản là Bộ Y tế - cơ quan thường trực, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương mà ngộ độc vẫn tăng ở cấp số 3. Khi thông tin về 100.000 tấn táo Trung Quốc được nhập “tiểu ngạch” về Việt Nam hàng năm với đa phần chứa chất carbendazim và tebuconazole (các chất diệt nấm) vượt ngưỡng cho phép 1,5 - 5 lần, dư luận cứ băn khoăn… ai chịu trách nhiệm phù phép chúng thành các sản phẩm dán mác các nước có tiếng là “xanh, sạch, đẹp”?
Và thật khó đổ lỗi cho ai khi mà ai…cũng chịu trách nhiệm một phần của trái táo cắn dở: Bộ Công thương quản sự lưu thông của trái táo khi nó có chịu “áp” thuế hay không; Bộ Y tế lo có hay không chất phụ gia bảo quản, Bộ NN-PTNT lại đảm nhận một chuyện khác… và tất yếu là người tiêu dùng băn khoăn ăn hay không ăn trái táo bóng bẩy, đẹp mã có xuất xứ đáng ngờ.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, an toàn thực phẩm đối với rau quả nhập khẩu của Việt Nam, nhất là hàng từ Trung Quốc, “đang là vấn đề rất khó kiểm soát đối với các cơ quan chức năng Việt Nam”. Theo tổ chức này, với 3 phương thức kiểm dịch hiện nay là trên hồ sơ, xem xét ngoại quan và xét nghiệm một số tiêu chí thì việc tiến hành chưa chuyên nghiệp và chỉ bằng mắt thường.
Do đó, nếu có nghi ngờ, phải lấy mẫu và gửi về phòng thí nghiệm tại Hà Nội và phải mất tới 5 - 7 ngày sau mới có kết quả, vì thế việc xác định lô hàng “có vấn đề” hay không là rất chậm trễ và hoàn toàn bị động. Đấy là chưa kể khi đã lưu thông, người bán thường nói… hàng là hàng nội, là nho Ninh Thuận, cam Hà Giang, mận Lai Châu…Nhưng sau các vụ hàng nội bị “tố” là tệ không thua hàng ngoại như vụ giá phổng phao chỉ sau 1 ngày ướp tẩm hóa chất và bắp luộc có sử dụng hóa chất và pin luộc chung để giúp cho bắp ngon và lâu thiu thì người dân đành chào thua.
Thực chất, muốn giải quyết trọn vẹn vấn đề, cần sự phối hợp đồng bộ từ nhà quản lý, người sản xuất đến người tiêu dùng, trong đó cần xem xét lại phương thức tổ chức quản lý nhà nước để giảm bớt chồng chéo, tránh dàn trải, tránh đùn đẩy trách nhiệm, lãng phí tiền của và nhân lực. Mặt khác, vì sức khỏe người dân phải có những quy định nghiêm khắc và chặt chẽ hơn trong chế tài các đơn vị kinh doanh vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Không thể chỉ có phạt 100 triệu đồng và tước giấy phép kinh doanh, sản xuất như chúng ta thực hiện gần đây mà phải đẩy lên mức truy tố hình sự, thậm chí áp khung cao nhất là tử hình cho những hành vi buôn bán sức khỏe người dân./.
SGGP