Tại Phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Hội nghị tổng kết công tác ngành Nội chính Đảng năm 2018 vừa diễn ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều nêu quan điểm: Việc PCTN muốn đi vào thực chất, đạt kết quả thực chất từ gốc rễ thì trước tiên phải coi trọng và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt (TNV).
Đây là việc sắp tới phải tập trung làm; chọn vài vụ điển hình đưa ra xử
lý nghiêm minh để cảnh báo, răn đe chứ không chỉ tập trung vào nhũng vụ
án tham nhũng lớn.
Thực tế cho thấy, TNV chính là “cha đẻ” của các vụ đại án tham nhũng và
gây ra nguy hại khôn lường "tích tiểu thành đại". Mặt khác, xét về mức
độ hệ lụy niềm tin thì dẫu một vụ tham nhũng gây thất thoát hàng trăm,
hàng nghìn tỷ đồng, nhưng chưa chắc đã khác nhiều so với việc TNV vài
chục triệu, thậm chí vài chục nghìn đồng. Bởi, TNV sẽ gây hại trực
tiếp đến người dân, hình thành ở quần chúng những đánh giá không tốt về
những đối tượng có liên quan. Lòng tin, thái độ thiện cảm của quần chúng
là yếu tố quyết định sự vững bền của chế độ.
Xác định mức độ nguy hại đặc biệt của vấn nạn này, thời gian qua, các
cấp, các ngành đều có những giải pháp để phòng, chống TNV; thậm chí, Ban
Nội chính Trung ương đang nghiên cứu xây dựng đề án chống TNV. Tuy
nhiên, để mang lại hiệu quả thiết thực, trước mắt cần ưu tiên lựa chọn
lĩnh vực nhạy cảm, nơi đang gây bức xức trong đời sống nhân dân về tình
trạng TNV để xử lý quyết liệt, triệt để.
Với tinh thần đó, tại hai hội
nghị nói trên, nhiều đại biểu mạnh dạn “chỉ mặt, điểm tên” hàng chục lực
lượng và lĩnh vực nhạy cảm về TNV. Các ý kiến cho rằng, Trung ương
Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần giao nhiệm vụ cụ thể cho người đứng
đầu để họ đề cao trách nhiệm, có giải pháp quyết liệt, tạo chuyển
biến mạnh mẽ trong cuộc chiến chống TNV trên từng lĩnh vực, cơ quan, đơn
vị. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên với
cấp ủy cấp dưới cần được tăng cường; chú trọng làm nghiêm, làm mạnh ở cơ
sở. Nghiêm khắc xử lý đối tượng TNV và truy cứu trách nhiệm tổ chức
đảng các cấp, lãnh đạo cơ quan, địa phương, đơn vị, khi để cán bộ
dưới quyền TNV.
Tuy nhiên, để tạo nền tảng chống TNV một cách vững chắc, cả hệ thống
chính trị cần tổ chức một đợt sinh hoạt sâu rộng; sớm tạo đồng thuận,
thống nhất ý chí và hành động. Cùng với đó, cần sớm xóa bỏ triệt để thói
quen và tâm lý xin-cho, vị tình sinh cả nể, bè cánh cục bộ địa
phương... trong xã hội. Đặc biệt, cần đẩy mạnh, tăng cường việc giáo
dục, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân; phát huy vai trò của nhân
dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong cuộc đấu
tranh PCTN nói chung, chống TNV nói riêng. Bởi lẽ, nhân dân là đối tượng
đầu tiên và trực tiếp nhất chịu hệ quả của tệ TNV, nên có đủ khả năng
nhận diện, phát hiện và đấu tranh chống tệ nạn này thông qua nhiều giải
pháp, cơ chế đang rộng mở, khuyến khích của Đảng, Nhà nước ta hiện
nay... Mặt khác, cơ quan chức năng các cấp cũng cần sớm nghiên cứu, hoàn
thiện hệ thống chế tài xử lý nghiêm minh những người tiếp tay, giúp
sức cho tệ nạn TNV, cốt để có lợi cho bản thân mà vi phạm pháp luật./.
Nguyễn Tấn Tuân (qdnd.vn)