Thứ Ba, 1/10/2024
Thể thao
Chủ Nhật, 3/4/2011 21:48'(GMT+7)

Nghiệp điều hành

GĐĐH Trần Văn Đường (BD) và Phạm Phú Hòa (ĐTLA)

GĐĐH Trần Văn Đường (BD) và Phạm Phú Hòa (ĐTLA)

Nghề trăm việc

Thoạt nhìn, ai cũng cảm giác chiếc ghế điều hành trong thời kỳ này rất hấp dẫn. Ít ra cũng là nhân vật cao nhất của một CLB, oai vệ ngồi trong khu kỹ thuật mà có lúc là ở ghế đầu tiên; đại diện đội bóng đi thương thảo các hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ mà người ta vẫn cho rằng họ sẽ nhận khoản phần trăm cao hơn nhiều lần thu nhập hàng tháng. Nhưng vai trò GĐĐH liệu có “oách” như người ta tưởng?

“Đội thắng thì không sao, chứ còn đội thua dài dài thì tui cũng có ngày… lên đường!”, trưởng đoàn có thâm niên ở một đội chuyên nghiệp đánh giá về công việc của mình như thế. Bởi khi thua trận, ông chủ đội bóng điện thoại “sạc” đến độ điện thoại di động hết pin trong một cuộc gọi là bình thường. Có ông bị bệnh tiểu đường, hễ đội nhà thua trận là biết chắc chỉ số đường huyết của mình trong tuần lễ đó nhảy múa loạn xạ khó mà kiểm soát. Ngay như ở CLB TPHCM, ông Nguyễn Chí Kiên đang nắm một lúc nhiều vai trò: Chủ tịch CLB, GĐĐH và kiêm luôn trưởng đoàn. Hôm họp báo ra mắt logo và trang phục thi đấu, ông này kiêm luôn cả… MC, thậm chí khi lãnh đạo tổng công ty chưa rót tiền kịp cho đội bóng, ông lại đem xe hơi riêng đi thế chấp để kịp có tiền lương, thưởng cho cầu thủ.

Điều thực tế, ở nhiều đội bóng Việt Nam, cầu thủ nhận lương chuyên nghiệp, chế độ đãi ngộ chuyên nghiệp, nhưng ý thức còn quá nghiệp dư. Có lần HLV Lê Thụy Hải nhận xét rất chân tình: “Rước thầy ngoại về cho đội tuyển mà làm gì? Cầu thủ Việt Nam đã chuyên nghiệp đâu? Chúng ta có nhiều HLV nội giỏi đủ tài để cầm quân thì sao không mạnh dạn để cho họ làm?”. Ý thức cầu thủ đôi lúc kém thật. Có đội ra quy định rất nghiêm ngặt về giờ giấc sinh hoạt, buổi tối cầu thủ mặc quần đùi áo thun cộc tay xin ra khỏi đại bản doanh đi mua đồ. GĐĐH đồng ý, nhưng đâu biết rằng quần áo đi chơi đã gởi ở một quán nước gần đấy và cứ thế diện vào rồi… vi vu. Có nơi khác, HLV được toàn quyền quyết định ký hợp đồng cầu thủ và ông này đã đề xuất nên mua về một loạt “sao” để chuẩn bị cho mùa bóng, thậm chí còn đề nghị cả người thông dịch phải do ông này đưa về… HLV có thể bị thay, nhưng đã “được” quá nhiều trong chuyện ký hợp đồng, còn GĐĐH thì lãnh đủ từ những chỉ trích của lãnh đạo CLB, địa phương.

Trên đe dưới búa

Thế nên, vai trò của GĐĐH trong thời buổi hiện tại tuy dễ nhưng lại cực khó. Phải làm công tác tư tưởng cầu thủ trước mỗi trận đấu, vừa động viên vừa thăm dò tình hình “liệu hôm nay cầu thủ có làm kèo hay không”. Thậm chí phải tạo các “kênh” riêng cho mình trong CLB để nắm tình hình sinh hoạt của cầu thủ cũng như mềm mỏng, linh động trong công việc đối ngoại từ ban tổ chức giải, trọng tài…

HLV chỉ lo chuyện chuyên môn, còn ông GĐĐH lo tất tần tật. Thậm chí, như trường hợp ông Trần Tiến Đại của Ninh Bình mùa trước, khi vừa sa thải HLV, chưa có người thay thì ông chỉ đạo chiến thuật luôn cho đến khi người mới về. CLB bóng đá chuyên nghiệp giờ đây có nhiều việc hơn là chỉ lo thi đấu như ngay trước nên GĐĐH lại lo cả trăm việc từ khi mùa giải chưa bắt đầu cho đến khi kết thúc cả tháng trời. Họ là nơi các cầu thủ “réo” khi đến kỳ lãnh lương. Họ thức đêm cùng HLV mỗi khi đội nhà thua trận để vừa chia sẻ, vừa giữ tinh thần cho nhà cầm quân. Họ phải lo chuyện tiếp đón trọng tài, quan chức trước các ngày thi đấu. Họ kiêm luôn chuyện kinh doanh, vận động tài trợ để kiếm tiền hoạt động. Họ còn phải đại diện đội bóng đi “xin” thêm tiền thưởng từ lãnh đạo. Rồi khi đội nhà có dấu hiệu bị trọng tài “đè” hay báo chí “đánh”, họ bị chê đầu tiên vì quan hệ kém.

Thế nên việc tìm GĐĐH có tính chịu đựng cao, linh động trong quan hệ đối nội lẫn đối ngoại không phải là chuyện dễ dàng. Nói cách khác, làm việc với áp lực “trên đe dưới búa” đòi hỏi tính chịu đựng rất cao mới mong tồn tại lâu trong giới bóng đá.

Ở thời bóng đá bao cấp, vị trí điều hành cực kỳ quan trọng. Nhiều khi, chính các giám đốc Sở TDTT kiêm nhiệm mỗi khi vào mùa giải. Bởi ở thời điểm đó, chỉ có tầm giám đốc sở mới có đủ khả năng quyết định chuyện tiền thưởng, ký hợp đồng với HLV, cầu thủ và đặc biệt là quan hệ “đối ngoại” với lãnh đạo VFF hay các địa phương khác. Vị trí này thậm chí còn nổi tiếng hơn các HLV trưởng và có vô số giai thoại liên quan. Đến nay, dân trong giới bóng đá vẫn hay nhắc tên ông Năm Thành (Đồng Tháp), Bảy Minh (Bình Định), Hai Hùng (Tiền Giang), Lê Nguyên Hồng (Đà Nẵng), Đỗ Thanh Xuân (Nam Định), “Người đi xuyên tường” Hoàng Trọng Thanh (Công an TPHCM), Bảy Nô (Long An)… trong giai đoạn đầy biến động của bóng đá Việt Nam những năm 1980-1990. Thật ra, ở bóng đá chuyên nghiệp, vị trí GĐĐH không được xem trọng lắm nếu không có thành công của các ông Phạm Phú Hòa (Long An) hay Trần Văn Đường (Bình Dương) với những chức vô địch quốc gia trong bối cảnh các ông bầu không thường xuyên xuất hiện.


(Theo: Ng.Hoàng-Th.Oanh/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất