Thứ Năm, 10/10/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 3/5/2009 8:51'(GMT+7)

Nghiệp này là nghiệp vinh quang

Lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

Lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo, hướng con người tới chân - thiện - mỹ.

Văn nghệ sĩ, trí thức đã dốc lòng theo nghiệp là phải trải qua một quá trình lao động nhiều nhọc nhằn, thử thách. Một thứ lao động sáng tạo luôn giục giã người ta đi về phía trước, hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ. Nhọc nhằn đấy, nhưng đó cũng là vinh quang. Hànộimới đã ghi lại một số ý kiến của các trí thức, văn nghệ sĩ nhân ngày tôn vinh người lao động 1-5.    

Họa sĩ Vũ Giáng Hương, Chủ tịch UB toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam:

Sự kiện rất lớn gần đây đối với lực lượng lao động sáng tạo VHNT là việc ra đời Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục và xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới. Điều mà chúng tôi mong muốn và hy vọng là Chính phủ sớm ban hành nghị định thực hiện nghị quyết, để có những thay đổi trong tổ chức, chế độ chính sách, tạo sự hào hứng cho văn nghệ sĩ đối với lao động sáng tác rất đặc thù này. Hiện nay, văn nghệ sĩ cũng hết sức chia sẻ những khó khăn chung của đất nước, bằng cách tiếp tục nỗ lực sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

GS sử học Lê Văn Lan:

Nguồn động viên, gây hứng khởi chính cho tôi trong suốt chặng đường nghiên cứu lịch sử vừa chẵn nửa thế kỷ qua lại là các giá trị và tấm gương của các bậc tiền bối. Thời ấy, những bậc tiền bối coi làm khoa học như là cái nghiệp và họ theo đuổi với tinh thần "tử vì đạo" (đạo ở đây là khoa học). Hiện nay, nhiều nhà khoa học coi đó là một nghề. Họ tác nghiệp nhưng thật ra là đang hành nghề và dường như ngay các thiết chế, tổ chức và bộ máy lo cho việc tác nghiệp đó nhiều khi cũng chỉ quan tâm tới yếu tố nghề, nghĩa là để kiếm sống. Quả thực là nhu cầu của thế hệ khoa học trẻ, mới là vô cùng nhiều và phức tạp. Cổ ngữ A-rập có câu: Có hai người không bao giờ biết chán nản: một là người đi tìm sự sang giàu và một đi tìm tri thức. Đối với tôi, tôi là người mải mê đi tìm tri thức, tôi không gửi gắm lý tưởng, cuộc sống… vào việc đi tìm sự sang giàu.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập:

Văn chương trước đây được coi là cái nghiệp chứ chưa được gọi là nghề. Nhà văn là người đeo đuổi nghiệp viết lách và thường chỉ có "danh hão", còn cuộc sống thì vô cùng vất vả. Từ những năm 1990, các sản phẩm văn chương được coi là hàng hóa, nên viết văn được coi là một nghề, có thể kiếm sống được. Nhà văn không đói nữa. Đó là điều đáng mừng, nhưng cũng là một thách thức. Một khi đã là hàng hóa thì phải chiều theo thị trường, theo ý công chúng. Chính điều này đôi khi làm hỏng nhà văn. Tuy nhiên, cũng cần hiểu công chúng ở đây có nhiều tầng bậc với những gu thẩm mỹ khác nhau. Nhà văn không vội vàng chạy theo "công chúng 3 xu", hay sợ không có công chúng mà phải có lòng tin, nếu viết hay, viết tốt thì sẽ vẫn có nhiều người đọc.

Về đầu tư cho văn nghệ sĩ, lâu nay Nhà nước vẫn có hỗ trợ kinh phí sáng tác thông qua các hội VHNT. Đó là điều rất tốt. Tuy nhiên việc hỗ trợ cũng như phân bổ vẫn ở dạng "cào bằng" nên hiệu quả chưa cao. Ngay cả việc gọi là "đầu tư chiều sâu" cho một văn nghệ sĩ nào đó thì cũng chưa phải là đã đúng cách và đủ tầm. Đó vẫn chỉ là hỗ trợ để văn nghệ sĩ làm theo một đề cương đã có sẵn, kinh phí 20-25 triệu đồng không tạo được cú "hích" cho cường độ và thời gian lao động của tác giả khi viết một cuốn sách có thể mất vài năm trời.

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam:

Múa là một lao động nghệ thuật đặc thù, dứt khoát phải học từ nhỏ, đặc biệt phải tự tu, tự luyện. Dù đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản rồi, vào nghề còn phải tiếp tục khổ luyện. Lao động trí óc và lao động chân tay trong nghề múa đều quan trọng và phải kết hợp song song. Múa không chỉ vận động cơ thể mà còn phải hòa với âm nhạc, chuyển tải được thần thái động tác. Một động tác có khi phải tập cả năm trời, đổ mồ hôi ngay giữa mùa đông, tập mọi lúc, mọi nơi. Học thì dài mà hành thì ngắn, tuổi nghề của nghệ sĩ múa thường chỉ 10 năm.

Hiện nay, nghệ thuật múa có những đại diện của lớp trẻ rất đáng tự hào với Thùy Chi, Thanh Hằng, Cao Chí Thành, Linh Nga… Họ không chỉ có năng khiếu mà còn thực sự lao động hết mình. Điều chúng tôi quan tâm và đang nỗ lực thực hiện là không để lãng phí các tài năng bằng cách tổ chức các cuộc thi, đầu tư đi thi, tạo đất diễn cho các diễn viên, biên đạo trẻ. Chúng tôi mong sao khán giả Việt Nam sẽ thực sự trân trọng lao động của nghệ sĩ múa, cũng như các nghệ sĩ trên mọi lĩnh vực VNNT khác. Họ đã làm việc, cống hiến hết mình cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

HaNoiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất