Thứ Ba, 8/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Bảy, 21/1/2012 12:35'(GMT+7)

Ngoại giao đa phương Việt Nam 2011: Gia tăng sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào duyệt đội danh dự

Những thành công của đối ngoại Việt Nam năm qua được giới bình luận đánh giá như là "đòn bẩy của thế trận đa phương” tăng cường sức mạnh cho Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng vào sân chơi quốc tế, đặc biệt trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Ngoại giao đa phương thực ra không phải là chuyện mới lạ đối với Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi đầu rất sớm và đặt nền móng vững chắc cho ngoại giao đa phương Việt Nam đi tới nhiều thắng lợi trong lịch sử.

Quốc phòng - an ninh - đối ngoại có vai trò nòng cốt trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại để xây dựng và bảo vệ đất nước. Kế thừa tư tưởng đối ngoại Hồ Chí Minh, đường lối đối ngoại của hơn hai thập niên đổi mới, đối ngoại Việt Nam những năm gần đây liên tục bổ sung, phát triển những quan điểm phù hợp với tình hình mới. Mục tiêu đối ngoại "vì lợi ích quốc gia, dân tộc” đã được nêu rõ trong các văn kiện quan trọng mới đây của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam. Khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu đối ngoại cũng có nghĩa là đặt lợi ích quốc gia, dân tộc trở thành nguyên tắc cao nhất của các hoạt động đối ngoại. Nói cách khác, đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc mà tất cả các hoạt động đối ngoại từ ngoại giao Nhà nước, đối ngoại của Đảng đến ngoại giao nhân dân đều phải tuân thủ.

Từ nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, hoạt động đối ngoại Việt Nam nhất thiết phải hướng tới các nhiệm vụ "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, công tác đối ngoại Việt Nam năm qua cũng đã được thực hiện theo những định hướng lớn và rất cụ thể, như: "Thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ; ranh giới biển và thềm lục địa với các nước liên quan trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và nguyên tắc ứng xử của khu vực; làm tốt công tác biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển”. Để có thể giải quyết tốt các vấn đề còn tồn tại về biên giới lãnh thổ Việt Nam đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, tham gia các cơ chế hợp tác chính trị, an ninh, song phương và đa phương vì lợi ích quốc gia và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Từ "muốn là bạn” (Đại hội VII, VIII), "sẵn sàng là bạn” (Đại hội IX), "là bạn và đối tác tin cậy” (Đại hội X), Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung thêm "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, thể hiện quá trình trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động và có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu.

Năm 2011 được xem là năm mà ngoại giao đa phương Việt Nam đã tạo ra được nhiều dấu ấn và có những chuyển biến tích cực nâng cao vị thế Việt Nam trong cộng đồng thế giới góp phần khẳng định lợi ích quốc gia, dân tộc mà đặc biệt là gia tăng sức mạnh trong việc khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Những tháng cuối năm 2011 được xem là thời khắc cao điểm của ngoại giao Việt Nam và tạo ra được nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật nhất trong năm qua là các chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Lào, Trung Quốc, Campuchia...; các chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc...; các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới Lào, Indonesia, Hà Lan, Uzbekistan, Ukraina, Nhật Bản...; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm Campuchia, Bỉ, Nghị viện châu Âu, Anh, tham dự Hội nghị AIPA lần thứ 32... Ngoài ra các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã tham dự nhiều tổ chức và diễn đàn cấp cao về kinh tế, an ninh quốc phòng và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Báo chí, dư luận quốc tế và khu vực đặc biệt quan tâm, thông tin, bình luận, đánh giá tích cực về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Dư luận chung đều cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mang lại nhiều kết quả rõ rệt: Việt Nam và Trung Quốc đang có những nỗ lực mới nhằm giải quyết các tranh chấp, cùng các nước trong khu vực từng bước hướng tới một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, cụ thể là việc hai nước đạt được thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Đây là một bước tiến quan trọng, hướng tới việc giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Không những thế, hai bên còn nhất trí thiết lập một đường dây nóng nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh về biển đảo.

Cùng thời gian đó, trong buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời củng cố hợp tác trong quốc phòng và an ninh. Qua chuyến thăm, Việt Nam và Ấn Độ cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Theo đó, các tranh chấp ở Biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trước thềm chuyến đi Ấn Độ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn PTI của Ấn Độ và được báo chí quốc tế trích dẫn rộng rãi, trong đó ông nhấn mạnh tiếp tục đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước vào chiều sâu. Chủ tịch nước cũng khẳng định các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông, bao gồm Công ty dầu khí Ấn Độ (ONGC) khai thác tại hai lô trên thềm lục địa của Việt Nam, đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Một trong những thành công quan trọng của ngoại giao Việt Nam trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông là xác lập nguyên tắc vấn đề nào tranh chấp song phương thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan tới nhiều bên tranh chấp thì giải quyết đa phương. Chẳng hạn như vấn đề "đường lưỡi bò” có liên quan tới nhiều quốc gia ven Biển Đông phải được giải quyết theo nguyên tắc đa phương, trên cơ sở công khai minh bạch và phù hợp với luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong năm 2011 cũng đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên Biển Đông và kêu gọi toàn quân, toàn dân sẵn sàng chung sức, chung lòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển của cha ông. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội đã khẳng định lập trường nhất quán về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời đề ra lộ trình, nguyên tắc đòi lại chủ quyền quần đảo này (bị Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực năm 1974 từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa) bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Các nhà bình luận cho rằng, những khẳng định mạnh mẽ, minh bạch và nhất quán của các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam gần đây chứng tỏ Việt Nam tự tin vào nội lực và vị thế của mình trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại về biên giới lãnh thổ. Điều đó cũng cho thấy chiến lược ngoại giao đa phương của Việt Nam những năm qua đã tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng thế giới. Nhất là đã tranh thủ được sự ủng hộ của cộng đồng thế giới với chính nghĩa Việt Nam trong việc khẳng định chủ quyền của người Việt Nam trên Biển Đông, phù hợp với các chứng cứ lịch sử lâu dài và công pháp quốc tế.


Lê Phái/ĐĐk

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất