Hai năm 2020-2021, dịch COVID-19 hoành hành cũng là hai năm đất nước
gồng mình chống chọi với những tác động từ đại dịch. Để có được những
ngày bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả
dịch COVID-19 như hôm nay, chúng ta đã phải trải qua 4 làn sóng dịch với
rất nhiều mất mát, đau thương.
Chưa có con số tổng hợp cụ thể, chính xác về những thiệt hại do
COVID-19 gây ra nhưng có thể thấy, mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều bị
ảnh hưởng bởi đại dịch. Nhà máy đóng cửa, sản xuất đình trệ, thiếu việc
làm và hệ lụy là những cuộc hồi hương bão táp của cả triệu con người.
Hơn lúc nào hết, trong gian nan ấy, tinh thần đoàn kết, lá lành đùm
lá rách của người Việt lại tỏa sáng. Các dân tộc, tôn giáo, các thành
phần trong xã hội, từ nông dân, công nhân, trí thức, đến các doanh nhân
cùng chung tay đóng góp sức người, sức của vào công cuộc chống “giặc
COVID", chung tay sẻ chia với đồng bào trong cơn hoạn nạn, sa cơ.
Phát huy truyền thống gắn bó, đồng hành với dân tộc, sống tốt đời,
đẹp đạo, tinh thần từ bi, cứu khổ, bên cạnh các hoạt động đóng góp ủng
hộ Quỹ phòng, chống COVID-19, Quỹ vaccine, hỗ trợ hàng hóa, cứu trợ an
sinh xã hội, không ít chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo đã tham gia
tuyến đầu phòng, chống dịch, trong số đó có sự đóng góp không nhỏ của
đồng bào Công giáo.
Trong Thư kêu gọi gửi đồng bào Công giáo Việt Nam với tiêu đề
“Thương quá Sài Gòn ơi!", từng câu chữ chan chứa tình cảm đồng bào, tình
đoàn kết của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Nguyễn Chí Linh đã chạm tới
trái tim người đọc khi nhắc đến Thành phố Hồ Chí Minh - tâm dịch lớn
nhất nước với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày.
“Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố trải qua những ngày
thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc
một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân
viên y tế kiệt lực, đội phòng, chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu
thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là "hòn
ngọc Viễn Đông", là "đầu tầu kinh tế" đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự,
đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc... Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe
ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công
nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc
đóng cửa?
Anh chị em hãy nhớ lại: chính người dân Sài Gòn hôm nay đang khốn
khó, đã từng vội vã lên đường mỗi khi nghe tin đồng bào mình đây đó lâm
cơn hoạn nạn… Các tỉnh miền Trung, qua trận bão lũ năm 2020, vẫn còn ghi
lại dấu chân người Sài Gòn khắp hang cùng ngỏ hẻm. Trái tim Việt Nam
lúc nào cũng thì thào: một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều
phủ lấy giá gương; người trong một nước hãy thương nhau cùng. Lá lành
đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều".
Trong thư, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi đồng bào trong
nước hướng nhìn về Thành phố, nơi đã từng là trung tâm tình thương
trước khi trở thành tâm dịch; kêu gọi bà con hải ngoại nhớ đến khung
trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn
ơi”; kêu gọi tín hữu Công giáo, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức
từ thiện… coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo lời Chúa dạy, làm tất
cả những gì có thể để ứng cứu đồng bào ruột thịt.
Và sau lời kêu gọi ấy, ngày 22/7/2021, gần 200 linh mục, tu sỹ đã
tình nguyện lên đường vào các bệnh viện dã chiến - nơi điều trị bệnh
nhân mắc COVID-19 để chung tay góp sức với ngành y tế nơi tuyến đầu
chống dịch và chăm sóc các bệnh nhân.
Tiếp đó, ngày 11/8, thêm 70 tình nguyện viên là các chức sắc, tu sỹ,
tín đồ Công giáo đã tham gia hỗ trợ công tác điều trị COVID-19 tại Bệnh
viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 12 và Bệnh viện Nhân dân
Gia Định.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã tặng 3 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 của Chính phủ. Nhiều giáo phận đã tổ chức các
hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch
bệnh.
Các nhóm tu sỹ thiện nguyện cũng được thành lập để giúp đỡ nhân viên y
tế trong các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19. Có thể kể đến Tòa
Giám mục giáo phận Vinh ủng hộ 3 tỷ đồng và 60 tấn lương thực, thực
phẩm, rau quả cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh; Tòa giám mục Phan
Thiết đóng góp 10.000 lít nước mắm và 15 tấn cây trái. Ủy ban Bác ái xã
hội - Caritas Việt Nam tổ chức chương trình “Trao nhau yêu thương” hỗ
trợ 2.000 phiếu mua hàng nhu yếu phẩm (mỗi phiếu trị giá 100 nghìn đồng)
cho người nghèo tại Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng bởi dịch
COVID-19…
Huấn từ của Giáo hoàng Benedict XVI gửi Giáo hội Công giáo Việt: “Bằng
đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích,
anh chị em giáo dân phải chứng tỏ rằng là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt” và Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám
mục Việt Nam: “Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng
chia sẻ một số phận trần gian với thế giới. Vậy chúng ta phải đồng hành
với dân tộc mình để phục vụ với tính cách vừa là công dân, vừa là thành
phần Dân Chúa", đã được đồng bào Công giáo thể hiện bằng những hành động
cao cả như thế, sống phúc âm giữa lòng dân tộc.
Tình
nguyện viên Công giáo nhận balô, vật dụng sinh hoạt thiết yếu trong lễ
xuất quân tình nguyện viên tôn giáo tham gia phục vụ tuyến đầu chống
dịch COVID-19 hồi tháng 8/2021. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại Hội nghị tri ân các tôn giáo, cơ sở tôn giáo vận động
tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân
COVID-19, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đợt dịch COVID-19 thứ tư bùng phát tại
thành phố với diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
con người, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã
hội và khiến ngành y tế thành phố gần như quá tải.
Trong bối cảnh đó, các tôn giáo, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành
phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, vận động 679 tình
nguyện viên tham gia hỗ trợ các bệnh viện điều trị cho bệnh nhân.
“Các tình nguyện viên tôn giáo đã dấn thân đến nơi đang thiếu, đến
với người đang cần, vào nơi đối diện với sự sống còn của con người trong
cuộc chiến với đại dịch COVID-19…, dành hết tâm lực để chăm sóc, hỗ trợ
việc chữa trị người bệnh. Mỗi tình nguyện viên tôn giáo đã dấn thân,
đồng hành cùng ngành y tế tham gia chăm sóc các bệnh nhân tại các bệnh
viện điều trị, hồi sức COVID-19", bà Tô Thị Bích Châu tri ân tinh thần
thiện nguyện cao cả của các tình nguyện viên tôn giáo.
Theo bà, hành trình đến hỗ trợ tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân
COVID-19 của tình nguyện viên tôn giáo là hành trình yêu thương, sự cống
hiến, trải nghiệm sống trong giai đoạn đi vào lịch sử của thành phố
trong thời kỳ đấu tranh với đại dịch COVID-19, là hình ảnh khắc họa nét
đẹp của "đạo và đời".
Những đóng góp của các tôn giáo nói chung, đồng bào Công giáo nói
riêng khó có thể nói bằng lời hay bằng những con số. Giá trị lớn nhất mà
chúng ta có được sau các làn sóng dịch là tinh thần nhân văn, tinh thần
đoàn kết, truyền thống yêu nước được tiếp nối và phát huy.
Đồng
bào công giáo cùng tham gia lực lượng chốt kiểm soát bảo vệ "vùng xanh"
xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Trong thư chúc mừng nhân dịp lễ Thiên Chúa Giáng sinh năm 2021,
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã nhắc đến những đóng góp của các vị chức sắc,
giáo phẩm, tu sỹ và đồng bào Kitô hữu Việt Nam với sự trân trọng, tri ân
sâu sắc.
"Đại lễ năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn
biến phức tạp và nguy hiểm. Các cán bộ, chiến sỹ và đồng bào cả nước
không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo đã và
đang đoàn kết một lòng, chung một ý chí "chống dịch như chống giặc".
Với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc "thương người như thể
thương thân", trong khó khăn, hoạn nạn ngày càng xuất hiện nhiều nghĩa
cử cao đẹp, thấm đậm tình đồng chí, nghĩa đồng bào, chan chứa yêu
thương, lay động lòng người.
Nhiều tấm gương về sự dấn thân, cống hiến cao cả của các vị chức sắc,
tu sỹ, tín đồ Công giáo và đạo Tin Lành xung phong tham gia tuyến đầu
phòng, chống dịch ở các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến điều trị
COVID-19, trung tâm cách ly cũng như ủng hộ Quỹ Vaccine, chia sẻ hàng
chục nghìn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế… đã góp phần
cùng cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phòng, chống đại dịch hiệu
quả. Tôi trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của
đồng bào Công giáo, đồng bào theo đạo Tin Lành đối với đất nước trong
khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, thư viết.
Ông Đỗ Văn Chiến bày tỏ tin tưởng Giáo hội, đồng bào Công giáo, đồng
bào theo đạo Tin Lành Việt Nam sẽ luôn phát huy truyền thống yêu nước,
những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp; gắn bó, đồng hành cùng dân tộc;
đoàn kết chặt chẽ hơn nữa; đề cao ý thức và tiếp tục tham gia phòng,
chống dịch COVID-19 với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", góp phần phát triển kinh
tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân, thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh
phúc./.
Chu Thanh Vân (TTXVN)