Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện thay đổi mã
vùng điện thoại cố định, chuyển đổi các thuê bao di động từ 11 số xuống
10 số. Nhiều ý kiến lo ngại việc chuyển đổi này sẽ gây xáo trộn tới đời
sống người dân cũng như tốn kém lớn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên, đại
diện Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định,
trước đây chỉ có viễn thông cố định, sau đó mới có mạng di động. Khi ấy,
đầu số cho di động không ai tính đến mà chỉ tính tới đầu mã sử dụng làm
mã vùng cho mạng cố định.
Sau này, mạng di động ra đời, kho số còn lại bị hạn chế nên đầu mã dùng
cho mạng di động ít. Thêm vào đó, tại Việt Nam lại có quá trình tách,
nhập các tỉnh thành cho nên đầu mã cố định không như lúc ban đầu, độ dài
của mã vùng các tỉnh khác nhau (có tỉnh mã cố định có độ dài 1, 2, hoặc
3 chữ số).
Phát triển viễn thông bền vững
Thời gian vừa qua, sự bùng nổ của mạng di động đã nảy sinh vấn đề thiếu
đầu mã dành cho loại hình này. Trong khi đó, số người sử dụng điện
thoại cố định ngày càng ít đi nên kho số cho cố định ngày càng dư trong
khi kho số cho di động lại thiếu nên cần có sự xem xét quy hoạch lại.
Trước câu hỏi việc chuyển đổi này sẽ làm xáo trộn cuộc sống, gây tốn kém
cho hoạt động của doanh nghiệp, đại diện Cục Viễn thông cho biết đã
nghiên cứu rất kỹ thông lệ quốc tế và lấy ý kiến các doanh nghiệp, các
chuyên gia khi xây dựng Thông tư.
Sau đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xin ý kiến người dân bằng cách
đưa dự thảo văn bản quy hoạch này lên mạng. Sau khi tiếp thu ý kiến mọi
người, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành quy hoạch này. Và đây là
phương án tối ưu nhất.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt ra mục tiêu Quy hoạch phải tồn tại
được lâu dài, ít nhất từ 10-15 năm và đáp ứng thông lệ quốc tế, đảm bảo
quy hoạch đầu số, mã số một cách một cách hợp lý, thị trường nào có nhu
cầu nhiều thì được dành nhiều tài nguyên và ngược lại, có dự phòng cho
tương lai; đảm bảo tài nguyên kho số được sử dụng lâu dài, tiết kiệm,
hiệu quả tài nguyên kho số viễn thông.
Bên cạnh đó, lúc xây dựng Quy hoạch đã tính toán làm sao giảm thiểu
những tác động có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp viễn thông, các tổ
chức cá nhân sử dụng dịch vụ. Vì vậy, tất cả các số thuê bao kể cả cố
định và di động vẫn giữ nguyên không thay đổi; chỉ thay đổi mã vùng cho
điện thoại cố định, chuyển mã mạng di động độ dài 3 chữ số (mã mạng 1xx)
về mã mạng mới có độ dài 2 chữ số (3x, 4x, 5x, 7x, 8x) do quy hoạch lại
mã vùng mà có được.
Phía Cục Viễn thông khẳng định Quy hoạch được ban hành đúng thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Viễn thông.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông và các chuyên gia thì Quy
hoạch mới đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo phát triển viễn thông bền vững,
trên cơ sở đó đảm bảo quyền lợi người sử dụng dịch vụ dài lâu.
Người dân sẽ được dùng song song hai mã vùng cố định trước khi chuyển đổi. (Ảnh minh họa)
Giảm tối thiểu ảnh hưởng
Nói về lộ trình cụ thể về việc chuyển đổi, đại diện Cục Viễn thông khẳng
định trong Luật Viễn thông quy định rõ, khi có sự thay đổi về số thuê
bao thì trước khi thay đổi phải lập kế hoạch, lộ trình từng bước thực
hiện thế nào, phải thông báo cho người dân trên các phương tiện thông
tin đại chúng ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành đổi số thuê bao.
Thêm vào đó, tại Thông tư cũng nêu rõ Cục Viễn thông phải xây dựng kế
hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch kho số; Chỉ đạo, hướng dẫn doanh
nghiệp viễn thông triển khai.
“Vừa qua, các phương tiện truyền thông đại chúng nói bắt đầu từ ngày 1/3
thay đổi mã vùng là hiểu chưa đúng bản chất. Thật ra, Thông tư có hiệu
lực từ ngày 1/3, sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ lấy đây làm sở
cứ để xây dựng kế hoạch chi tiết,” đại diện Cục Viễn thông nói.
Để có kế hoạch này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải làm việc với
các doanh nghiệp viễn thông xem quy trình đổi thế nào, chẳng hạn chia
thành bao nhiêu giai đoạn để đổi làm sao giảm tối thiểu ảnh hưởng đến
các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông.
Khi chuyển đổi, người dân sẽ được dùng song song cả mã vùng cũ và mới từ 3-6 tháng để quen thuộc.
Cụ thể, trong quá trình người dân gọi điện, hệ thống tổng đài của các
doanh nghiệp viễn thông sẽ biết được người dân hay quay số theo đầu mã
cũ hay mới. Trong quá trình ghi nhận đó, cơ quan chức năng sẽ nắm bắt
được và đưa ra thời điểm để ấn định thời gian dừng sử dụng mã điện thoại
cố định cũ.
Đại diện Cục Viễn thông cũng khẳng định, việc thực hiện theo đúng lộ
trình không những không ảnh hưởng tới người dân mà còn thúc đẩy ngành
viễn thông phát triển bền vững./.
Trung Hiền (Vietnam+)