Thứ Ba, 26/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 17/10/2011 21:25'(GMT+7)

Người dân miền Trung lại phải vật lộn với nước lũ

Người dân Hải Lăng phải đi lại bằng thyền, bè trong những ngày mưa lũ. (Ảnh: TTXVN)

Người dân Hải Lăng phải đi lại bằng thyền, bè trong những ngày mưa lũ. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 13.000 ngôi nhà của các huyện Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong, thành phố Đông Hà và một số địa phương khác bị nhấn chìm trong nước.

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, kiêm Phó Ban thường trực Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn-Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị khẳng định đây là đợt mưa lớn nhất và cũng là trận lũ lụt nặng nhất kể từ năm 2005 trở lại đây.

Chỉ trong ngày 16/10, lượng mưa đo được tại Quảng Trị có nơi lên tới 470 mm. Trong khi đó lũ ở các sông cũng đua nhau lên, chỉ từ 7 giờ sáng cho đến 18 giờ ngày 16/10, lũ lần lượt từ mức báo động 1 vọt lên mức báo động 3. Lũ lên nhanh khiến người dân trở tay không kịp.

Ngày 17/10, nước đã có dấu hiệu rút, nhưng để rút hoàn toàn còn phải mất nhiều ngày nữa. Bà Nguyễn Thị Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Đông Giang (Đông Hà) cho biết toàn phường có tới 50% số hộ bị ngập sâu trong nước. Gần như toàn bộ các tuyến đường đang bị ngập sâu tới 0,5-1,2m.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đông Hà cho biết, gần như phường nào trên địa bàn thành phố cũng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, trong đó có khoảng 1.500 hộ dân bị ngập nặng.

Tại huyện Hải Lăng, nước lũ chia cắt hết các tuyến đường từ trung tâm huyện về đến các xã như Hải Sơn, Hải Tân, Hải Hòa ở độ sâu từ 0,5-1m. Kiểm tra tình hình lũ lụt tại xã Hải Hòa, ông Phan Văn Linh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hải Lăng cho biết, xã này là một trong những địa phương có nhiều hộ dân bị ngập lụt nhất với 90% số hộ dân bị ngập.

Không chỉ Hải Hòa, trên địa bàn huyện có khoảng 8.800 hộ dân bị ngập sâu dưới nước tới 2m.

Tại huyện Triệu Phong, hơn 3.000 ngôi nhà cũng bị ngập sâu trong nước. Mưa lũ không chỉ gây ngập về nhà cửa, hàng nghìn tấn thóc của nông dân vừa mới thu hoạch về chưa thể phơi được do thời tiết mưa vừa qua nay bị nước ngập, nguy cơ bị mốc thối và lên mầm là rất lớn.

Ông Lê Đa Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn-Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lụt đã gây ảnh hưởng nặng nề cho tỉnh Quảng Trị. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có hơn 13.800 hộ dân có nhà bị ngập. Các tuyến đường giao thông nông thôn, tỉnh lộ, huyện lộ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố bị ngập lụt trên diện rộng.

Một số vùng như Ba Lòng-Triệu Nguyên, Tà Rụt-A Vao, A Ngo thuộc Đakrông; Triệu Giang, Triệu Long (Triệu Phong), mưa lũ đã làm ngập hơn 1.000ha lúa chưa thu hoạch; Quốc lộ 9 bị sạt lở taluy dương ra mặt đường khoảng 4.000m3. Mưa lũ cũng đã làm 2 người chết và một cháu nhỏ ở thành phố Đông Hà hiện vẫn bị mất tích.

Quốc lộ 1A qua địa bàn tình Quảng Trị từ chiều hôm qua đến sáng nay, bị ngập nước ba điểm. Hàng dài xe ô tô xếp hàng tới cả chục km. Cho tới sáng gần trưa nay mới có thể lưu thông được.

Năm chuyến tàu với 2.035 hành khách bị kẹt lại các ga ở Quảng Trị, trong khi đó tuyến đường sắt qua địa phận tỉnh Quảng Trị vẫn còn bị ngập sâu trong nước ở hai điểm là giữa Đông Hà-Quảng Trị và Mỹ Chánh-Phò Trạch, chưa biết đến bao giờ mới thông tuyến.

Còn tại Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rãnh áp thấp, tỉnh đang có mưa vừa đến mưa rất to ở đầu nguồn kết hợp với triều cường ở hạ du làm giảm khả năng thoát lũ của các con sông.

Đến 10 giờ sáng 17/10, mực nước các con sông Bồ tại Phú Ốc vượt báo động 3 là 0,04m; sông Ô Lâu tại Phong Bình vượt báo động 3 là 0,98m. Riêng sông Hương tại Kim Long vượt báo động 2 là 0,44m.

Toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có 3.946 nhà bị ngập, trong đó tập trung tại các huyện Phong Điền, Hương Trà, Quảng Điền và thành phố Huế. 507 hộ với 1.036 khẩu đã phải di dời đến nơi trú ẩn an toàn, trong đó huyện Phong Điền di dời 474 hộ, 910 khẩu; huyện Hương Trà di dời 33 hộ, 126 khẩu. Bà Nguyễn Thị Sớm, 56 tuổi, trú tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, bị ngã gãy xương khi vận chuyển tài sản di dời tránh lũ.

Đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thừa Thiên-Huế bị sạt lở một số vị trí tại đèo PêKe xã Hồng Thủy; Quốc lộ 49A Huế lên A Lưới đoạn qua xã Hồng Hạ đến Bốt Đỏ (Km 62- Km 75) bị sạt lở. Các đơn vị giao thông đã huy động lực lượng và xe máy tập trung khắc phục để thông xe bình thường.

Đường sắt tại Km 656+400 đến 657+100 khu gian Mỹ Chánh Phò Trạch bị ngập 50cm, hiện đang cấm tàu không lưu thông. Hiện, tại ga Huế bị kẹt hai đoàn tàu SE2, SE4 với tổng số khách 491 khách. Bờ sông Bồ đoạn qua thôn Phò Ninh xã Phong An bị sạt lở, các hộ dân sống dọc bờ sông đã được di dời đến nơi an toàn.

Quốc lộ 49B một số đoạn qua xã Phong Bình, Phong Hòa, Điền Hương bị ngập nhiều đoạn, chỗ sâu nhất 1m; Quốc lộ 1A đoạn qua xã Thủy Dương cũng bị ngập sâu; giao thông thường xuyên bị gián đoạn, nhiều nơi người tham gia giao thông phải đi lại bằng thuyền.

Học sinh ở tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đều nghỉ học bắt đầu từ hôm nay.

Cũng do mưa lớn, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện lũ cục bộ, nhiều địa phương đã di dời dân khẩn cấp phòng chống lũ.

Tại huyện Núi Thành, tuyến đường từ thị trấn Núi Thành ngược lên xã Tam Mỹ Tây bị cô lập, nhiều đoạn bị ngập từ 1-1,5m đã nhấn chìm hơn 500 hộ dân, có ba người dân bị nước cuốn trôi nhưng đã được lực lượng cứu hộ cứu vớt thành công, ngoài ra có một cây cầu liên thôn ở xã Tam Trà bị cuốn trôi. Lực lượng chức năng đã huy động hàng chục chiếc xe, canô cùng hơn 50 chiến sĩ công an, bộ đội vào vùng ngập lũ để di tản dân ra ngoài.

Ngoài ra lực lượng bộ đội, công an đã chốt chặn tại các đoạn ngập không cho người dân, học sinh lưu thông qua lại và đề nghị các trường học trên địa bàn tạm thời cho học sinh ở vùng Tam Mỹ Tây nghỉ học.

Ngập lụt cục bộ nhấn chìm nhiều nhà dân trên một phần là do đơn vị thi công cầu sắt An Tân đã chặn dòng nước, nên nước ứ đọng lại mới xảy ra sự cố trên và một phần do nước mưa trên thượng nguồn đổ về mạnh.

Tuyến đường ĐT 617 bị sạt lở nhiều nơi tại xã Tam Trà, xã Tam Mỹ Tây với hàng trăm mét khối đất đá tràn xuống đường, đoạn đường thuộc thôn Thọ Khương (xã Tam Hiệp) cũng bị ngập sâu trong nước khiến việc thông thương giữa các xã phía Tây của huyện với trung tâm huyện bị chia cắt, ngừng trệ.

Hiện Ủy ban nhân dân huyện đã huy động lực lượng chức năng và khuyến cáo bà con không được chủ quan, nếu mưa kéo dài như hiện nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện phải thường trực 24/24 giờ để chốt chặn các đường lên các xã miền núi để giúp dân và cứu trợ cho dân vùng ngập.

Không riêng gì xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành bị cô lập do lũ, mà tại các xã lân cận của huyện Quế Sơn đi Nông Sơn nhiều tuyến đường chìm ngập trong nước hơn 1,5m, ngoài ra làm cho gần 30 ngôi nhà của hai xã Quế Trung và Sơn Viên, huyện Nông Sơn bị ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo nhanh của Ban phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cuối giờ chiều ngày 17/10 cho biết hiện các mực nước sông trên địa bàn tiếp tục lên, sông Vu Gia đoạn qua Ái Nghĩa đạt mức báo động 2 và có khả năng lên báo động 3; sông Thu Bồn, đoạn qua Câu Lâu đang ở trên mức báo động 1 sẽ vượt báo động 2, Sông Tam Kỳ vượt qua mức báo động 1, khả năng các sông này còn lên vượt đỉnh lũ.

Tại huyện Đại Lộc, vào chiều ngày 17 /10 thủy điện A Vương tiến hành xả lũ với lưu lương 100m2/giây, theo phương án được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê trước đó. Tuy nhiên, việc thủy điện A Vương xả lũ không thông báo rộng rãi cho người dân vì lưu lượng xả nhỏ chưa ảnh hưởng đến ngập lũ của hạ lưu những cũng gây ảnh hưởng trong nhân dân./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất