Lần đầu tiên ở Việt Nam, những chú voi Tây Nguyên trở thành nhân vật chính trong cuốn sách in đẹp và công phu, với đầy đủ thông tin “cá nhân” và hình ảnh sinh động. Điều ngạc nhiên, qua cuốn sách ảnh “Những người bạn lớn” này, người ta mới giật mình: cả tỉnh Đác Lắc hiện chỉ còn 52 chú voi nhà. Trong khi đó, vào năm 1985, thống kê sơ bộ của Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Đác Lắc, con số này là 500.
Nguy cơ biến mất đàn voi nhà
Nhà sử học Dương Trung Quốc ngậm ngùi: “Nếu cứ đà này thì chỉ khoảng ít năm nữa thôi, khi làm phim về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, chúng ta phải sang Trung Quốc để thuê voi về đóng. Tôi không phải là người tham gia bảo tồn động vật, nhưng tôi muốn đánh thức, cảnh tỉnh mọi người. Đối với chúng ta, voi không chỉ quan trọng ở khía cạnh bảo tồn, nó còn là một phần không thể thiếu trong tâm thức người Việt, đồng hành cùng lịch sử dân tộc trong bảo vệ đất nước”.
Lời cảnh báo của nhà sử học có lẽ đã cấp thiết phải biến thành một chương trình hành động. Bởi đàn voi nhà Đác Lắc còn lại ít ỏi đó vẫn đang từng ngày bị bóc lột sức lao động đến kiệt quệ. Hơn thế nữa, chúng còn bị đe doạ đến tính mạng, bị cưa ngà, nhổ trộm lông đuôi bán cho du khách với niềm tin mê muội sẽ mang lại may mắn.
Thực tế những năm gần đây, nhiều vụ giết hại voi dã man tàn khốc diễn ra chỉ vì thói hám lợi và niềm tin mê muội của con người. Một nhà báo từng tham gia viết bài điều tra về các vụ sát hại voi nhà cho biết, liên tục trong những năm vừa qua, nhiều vụ giết voi thủ phạm ra tay tàn khốc nhưng cuối cùng không tìm ra manh mối, hoặc giả có tìm ra thì mức xử phạt cũng loanh quanh nhẹ hều vì không có cơ sở pháp lý đủ mạnh. Có con bị chết bởi 217 nhát chém (ở Buôn Đôn), có con liên tục bị dùng búa tạ đập và bị kích điện trong nhiều năm cho đến chết (ở Lâm Đồng). Có con bị chính chủ nhà ra tay sát hại vì nếu cưa ngà, cắt đuôi, xẻ thịt đem bán thì sẽ được tiền gấp nhiều lần bán voi sống (ở Đà Lạt). Nhiều người hẳn chưa quên vụ chú voi Beckham, được coi là to lớn hùng dũng nhất Tây Nguyên năm trước, bị kẻ xấu cắt gân chân, đập vỡ hộp sọ để lấy ngà...
“Đừng để voi chỉ là ký ức”
Đó là slogan mà Tạp chí Xưa và Nay, enter Việt Nam và Chương trình “Hành trình Việt Nam xanh” đưa ra cùng với dự án bảo tồn đàn voi nhà ở Tây Nguyên. Nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa và Nay đã cùng hai nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Văn Thao và Nguyễn Bá Ngọc thực hiện những chuyến đi về Tây Nguyên. Họ tiếp cận những chủ voi ở Đác Lắc, chụp ảnh và viết lý lịch, đặc điểm, số phận của 51 trong tổng số 52 con voi nhà còn lại ở đây (một con liên tục theo chủ vào rừng sâu đoàn không tiếp cận được). Tập sách ảnh “Những người bạn lớn” được in đẹp dưới dạng một tập bưu thiếp, trong đó mỗi chú voi được in hai trang màu rất sang trọng.
Để thực hiện bộ ảnh cho cuốn sách này, hai tác giả Lê Văn Thao và Nguyễn Bá Ngọc đến Đác Lắc trong hàng tháng trời. Họ gặp từng người quản tượng, dành thời gian gần gũi, tìm hiểu từ hình dáng bên ngoài đến đặc điểm tính tình của mỗi chú voi.
Trong cuốn sách, các tác giả dành những dòng viết về các chú voi hết sức thân thiết, như những người bạn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, ông sẽ dành tặng cuốn sách này cho các đại biểu Quốc hội, đồng thời sẽ đặt ra vấn đề bảo tồn voi trong kỳ họp tới. Còn những bức ảnh khổ lớn của 51 chú voi được trưng bày trong triển lãm bên lề cuộc tọa đàm ở Hà Nội sẽ lần lượt được mang đến nhiều nơi nữa trước khi được đưa về Đác Lắc và tặng lại cho “thủ phủ” của voi nhà này.
Cùng với nỗi niềm đau đáu của ông và các cộng sự sau những chuyến hành trình từ Tây Nguyên trở về, dự án “Hành trình Việt Nam xanh” do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Công ty Cổ phần phim truyện 1 (Bộ VHTT&DL) cũng hướng các hoạt động của mình vào việc lên tiếng bảo vệ đàn voi. Họ đã tổ chức nhiều chuyến thị sát, làm phim, diễn thuyết về môi trường, bảo vệ di sản văn hóa, trong đó đặc biệt quan tâm đến số phận những chú voi nhà ở Tây Nguyên. Hoa hậu Ngọc Hân và nhiều nghệ sĩ đã tham gia dự án này. Vừa qua, họ đã gửi thư kiến nghị lên các cơ quan chức năng và tổ chức các buổi tọa đàm, diễn thuyết ở nhiều địa phương.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp, Phát triển nông thôn tỉnh Đác Lắc cho biết, sự đồng lòng lên tiếng cảnh báo của nhiều tổ chức, cá nhân có ảnh hưởng xã hội là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân, trước hết là nói “không” với các sản phẩm làm từ cơ thể voi.
Đối với 52 con voi nhà còn lại ở Đác Lắc- địa phương có nhiều voi nhất Tây Nguyên, tỉnh đang tính đến biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt và tìm phương án phát triển. “Hiện đàn voi đã quá già để có thể sinh sản tự nhiên. Còn nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng ở Tây Nguyên gắn liền với những cái tên lừng lẫy như Ama Kong hay Y Muk bây giờ đã hoàn toàn vắng bóng”.
Nếu không có biện pháp kịp thời, sẽ như nhà sử học Dương Trung Quốc viết trong Lời giới thiệu cuốn sách “Những người bạn lớn”: “... chỉ chừng 20 năm nữa, những đàn voi cùng với những buôn làng ở Tây Nguyên vang bóng một thời với nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ chỉ còn là di sản”.
Theo Nhân Dân