Thứ Ba, 24/9/2024
Môi trường
Thứ Hai, 3/10/2011 13:40'(GMT+7)

Cùng hướng tới các nền kinh tế xanh

Mô hình Công viên Zoorea-Zoological, một địa điểm “xanh” ở Hàn Quốc trong tương lai. Ảnh: aeccafe.com

Mô hình Công viên Zoorea-Zoological, một địa điểm “xanh” ở Hàn Quốc trong tương lai. Ảnh: aeccafe.com

Xu thế tất yếu

Trong thế kỷ 21, xu hướng giảm dần mức lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch để đạt tới một nền kinh tế xanh là một yêu cầu cơ bản đối với sự sống còn của các quốc gia. Phát triển xanh (Green Development) hay còn gọi là tăng trưởng xanh (Green Growth) chính là công cụ cần thiết để hướng tới nền kinh tế xanh đó.

Tăng trưởng xanh khác với tăng trưởng bình thường ở chỗ không lấy phương châm “phát triển trước, bảo vệ môi trường sau” mà lấy việc phòng ngừa, lồng ghép bảo vệ môi trường, giảm phát thải các-bon trong sản xuất kinh doanh làm động lực để tăng trưởng.

Tăng trưởng xanh hiện đang là trọng tâm trong chính sách phát triển của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới và khu vực trong nỗ lực hướng tới phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những áp lực về ô nhiễm suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, mô hình “tăng trưởng xanh” ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia như một cách tiếp cận chiến lược để giải quyết hay ứng phó với các vấn đề này.

Hiện nay, quốc gia đang đi đầu về tăng trưởng xanh là Hàn Quốc. Quốc gia châu Á này không giàu tài nguyên và cũng đang chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Để giải quyết tình trạng trên, năm 2008, Hàn Quốc đã công bố Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh, các-bon thấp”, chuyển dịch sang mô hình phát triển “nền kinh tế xanh”. Chiến lược này có các mục tiêu chính sách khuyến khích để giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới thông qua đầu tư các ngành môi trường và phát triển hạ tầng sinh thái. Trong đó, Chiến lược xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng là 2,7% (năm 2009), 3,78% (năm 2013) và hơn gấp đôi lên đến 6,08% (năm 2020); đồng thời đề ra mục tiêu trung hạn giảm phát thải khí nhà kính dự kiến sẽ xuống còn 30% vào trước năm 2020. Hàn Quốc mong muốn, Chiến lược Tăng trưởng xanh sẽ là một công cụ chính tạo ra sự thay đổi lớn từ chính sách kinh tế cho đến lối sống của người dân, thúc đẩy nền kinh tế tri thức và đem đến những giá trị lớn hơn, xanh hơn cho đất nước.

Cơ hội của Việt Nam

Tại Hội nghị cấp cao ASEM 8 tại Bỉ năm 2010, các nhà lãnh đạo Á-Âu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “thúc đẩy các hình thức sản xuất và tiêu dùng bền vững, thông qua thúc đẩy một nền kinh tế xanh, ít các-bon” và cam kết “tăng cường hợp tác ASEM trong việc nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin và các thực tiễn điển hình, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, phổ biến các công nghệ và bí quyết rộng rãi hơn”. Theo đó, Hội nghị đã thông qua sáng kiến tổ chức Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh, do Việt Nam đề xuất và Hàn Quốc, Anh, Đức đồng chủ trì.

Với chủ đề “Cùng hành động hướng tới các nền kinh tế xanh”, trong hai ngày diễn ra Diễn đàn (3 và 4-10), các đại biểu sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung chính, gồm trao đổi kinh nghiệm hoạch định và triển khai chính sách chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tăng cường đóng góp và vai trò của các tổ chức trong việc thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh; đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác trong ASEM.

Diễn đàn ASEM về tăng trưởng xanh sẽ là cơ hội để Việt Nam tìm kiếm kinh nghiệm và sự trợ giúp của các thành viên ASEM trong lĩnh vực còn mới mẻ này, đồng thời góp phần làm cho các cấp, các ngành và nhân dân hiểu sâu hơn về tăng trưởng xanh. Đây cũng là bước đi cụ thể để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, trong đó nhấn mạnh định hướng phát triển kinh tế nhanh gắn liền với bảo vệ môi trường.

Linh Oanh/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất