Bất cập đang tồn tại của chương trình phổ cập điện thoại tại các vùng công ích là các DN chỉ chú trọng phát triển số lượng thuê bao mà bỏ quên chất lượng.
Sau 3 năm triển khai phổ cập điện thoại tới các vùng công ích, kế hoạch đã khá thành công xét trên tổng thể: nâng mật độ thuê bao điện thoại tại các vùng công ích từ gần 2,5 máy/100 dân năm 2004 lên 8, 3 máy/100 dân vào năm 2008; hầu hết các huyện công ích đều đạt mật độ từ 5 máy /100 dân trở lên. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương vẫn đang tồn tại một số bất cập.
Theo phản ánh từ nhiều Sở TT &TT, với chính sách khuyến khích và thúc đẩy cạnh tranh của Bộ TT &TT trong cung cấp dịch vụ điện thoại về vùng công ích, các DN đã phát triển nhanh về số lượng thuê bao nhưng cũng chính vì thế mà chất lượng chưa đảm bảo. Đồng thời, để cạnh tranh nhau về phát triển thuê bao, các DN đã đưa ra nhiều chính sách khuyến mại. ưu điểm là dịch vụ phát triển nhanh và người dân được hưởng lợi nhưng hiện có tình trạng lẫn lộn giữa chính sách khuyến mại của DN với chính sách hỗ trợ của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (DVVTCI) đối với người dân. ở nhiều vùng, người dân chưa hiểu được rằng đó là sự hỗ trợ của Nhà nước, không phải từ khuyến mại của DN.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ DVVTCI cho rằng, đúng là chất lượng của các thuê bao chưa đảm bảo. Song có thể hiểu đây là một quy luật: với quy trình của một sản phẩm dịch vụ thì DN trước hết phải “chạy đua” về số lượng, sau đó mới nâng cao về chất lượng và duy trì sản lượng dịch vụ. Do đó, có thể trong thời gian đầu, chất lượng của các dịch vụ không đảm bảo, vì cạnh tranh giữa các DN và sự xuất hiện của công nghệ mới - công nghệ điện thoại cố định không dây.
Cũng theo ông Dũng, còn một bất cập nữa là việc duy trì, phát triển các điểm truy nhập viễn thông công cộng ở những nơi cần phát triển (vùng khó khăn nhất, theo Chương trình VTCI được gọi là khu vực 3) thì chưa phát triển được. Trong khi đó, ở những nơi có sẵn cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống Điểm bưu điện văn hóa xã thì vẫn chưa được tổng kết để đánh giá. Đặc biệt, các DN thường chỉ tập trung phát triển dịch vụ ở các vùng công ích dễ, ít triển khai ở vùng công ích khó (khu vực 3) do khó xây dựng đường truyền. Vậy là người dân ở vùng khó khăn nhất phải chịu nhiều thiệt thòi.
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ sớm được Bộ TT &TT giải quyết trong năm 2009, với việc đưa ra chính sách thúc đẩy DN phát triển dịch vụ ở các xã thuộc khu vực 3. “Ngay trong kế hoạch đặt hàng các DN năm nay, Quỹ DVVTCI sẽ tập trung đặt hàng nhiều vào khu vực 3. Mức độ hỗ trợ ở khu vực 3 cũng cao hơn. Cụ thể mức hỗ trợ là: Đối với khu vực 1, chỉ hỗ trợ cho người dân 32% tiền cước thuê bao hàng tháng nhưng người dân thuộc khu vực 2 được hỗ trợ 52% cước thuê bao tháng và ở khu vực 3 mức hỗ trợ lên tới 74%. Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cũng sẽ được xây dựng trên tinh thần đẩy mạnh phát triển dịch vụ tại các vùng đặc biệt khó khăn. Chắc chắn là sau khi phát triển khu vực 1, khu vực 2 một cách tương đối, các DN sẽ vươn tới phát triển dịch vụ tại khu vực 3. Song với đặc điểm của ngành viễn thông, khi DN vươn tới khu vực 3 thì tốc độ phát triển sẽ chậm hơn so với triển khai ở khu vực 1 và khu vực 2”, ông Dũng nói.
(Theo ICTnews)