Thứ Năm, 3/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 31/3/2009 9:50'(GMT+7)

Bao giờ truyền hình di động Việt Nam cất cánh?

Đã hơn 2 năm kể từ ngày đầu tiên chính thức góp mặt tại Việt Nam, truyền hình di động (THDĐ) không còn là khái niệm xa lạ đối với những người sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, để chinh phục được đa số những người sành di động và chiếm lĩnh thị trường thì đó dường như vẫn chỉ là “trong tầm ngắm”.

Truyền hình di động không “di động”

Ở Việt Nam mới có 2 đơn vị tiên phong trong dịch vụ này là S-Fone (Trung tâm Điện thoại di động CDMA S-Telecom trực thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn) và VTC Mobile (Công ty Truyền hình di động trực thuộc Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC). Sử dụng công nghệ khác nhau, S-Fone dựa trên nền công nghệ CDMA 2000 1x EV-DO còn VTC Mobile sử dụng công nghệ DVB-H dành riêng cho dịch vụ này, cả 2 đều chung mục đích là biến chiếc điện thoại di động thành “ti vi di động”. Tuy nhiên dịch vụ của hai “ông lớn” này dường như vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các tính năng của THDĐ.

Một trong những rào cản lớn nhất khiến THDĐ ở Việt Nam không chinh phục được người dùng chính là vùng phủ sóng hẹp. VTC Mobile mới chỉ phủ sóng ở 3 địa điểm: Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng và một số tỉnh lân cận. Vì vậy với những người thường xuyên phải đi công tác xa ở các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng… muốn xem lại không được. Tương tự vậy, muốn xem truyền hình trên điện thoại S-Fone cũng chỉ giới hạn khách hàng ở 4-5 tỉnh, thành phố lớn.

T.T vừa mới làm quen với THDĐ được dăm tháng thì đành ngậm ngùi “từ bỏ”, lí do vì cước phí thuê bao của dịch vụ này vẫn còn quá cao. T chia sẻ: “Thay vì phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ cho hàng tháng, tôi cũng chỉ cần mang laptop ra quán cà phê nào đó có wifi là có thể xem truyền hình internet rồi, miễn phí hoàn toàn mà còn xem được nhiều kênh hơn”.

Loay hoay tìm hướng đi

Đến nay, ngoài 2 dịch vụ của S-Fone và VTC Mobile vẫn chưa có thêm đơn vị nào sẵn sàng vào cuộc. Hơn thế nữa, số lượng thuê bao ở thời điểm này của cả VTC Mobile và S-Fone cũng phát triển một cách chậm chạp, thậm chí chững lại. VTC Mobile mới cầm chừng được hơn 20.000 thuê bao, chỉ đạt 1/4 so với ước tính ban đầu. Thực trạng ấy đã khiến cả VTC Mobile và S-Fone phải xoay xở “chèo chống” bằng nhiều cách.

VTC Mobile tuy ra đời sau song lại có những bước tiến vượt bậc hơn S-Fone trong việc chú trọng phát triển đa dạng nội dung. Hiện tại, VTC Mobile triển khai cung cấp hơn chục kênh truyền hình trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực như kênh thời sự tổng hợp (VTV1, VTC1, HTV9), kênh tin tức quốc tế (BBC), kênh thời trang (FTV), kênh thiếu nhi (VTC11), kênh phim truyện (VTC2)… Ngoài ra có kênh truyền hình tương tác lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam – iTV (kênh giải trí), và 2 kênh VTCs (thông tin dịch vụ), VTCm (phim truyện) do VTC Mobile biên tập dành riêng cho khán giả của “màn ảnh bỏ túi”.

Giảm giá thành thiết bị đầu cuối cũng là hướng đi chung của cả hai dịch vụ. Ngoài các “đại gia” N77, N92, N96 của dòng Nokia độc quyền VTC Mobile, hiện tại công ty cũng đang tìm kiếm đối tác cung ứng những thiết bị đa dạng hơn, bình dân hơn, phù hợp với túi tiền của nhiều người hơn. S-Fone thay vì chỉ có mỗi chiếc Samsung F363 đã mở rộng thêm một số máy có thể xem được THDĐ như Samsung F603…

Bên cạnh đó, để “cầm chân” khách hàng, VTC Mobile đã liên tục hạ giá cước sử dụng, đồng thời áp dụng nhiều chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn. Có thể thấy cả VTC Mobile và S-Fone đều đang nỗ lực khắc phục tình trạng trên song đến nay, độ nóng của THDĐ đã giảm nhiệt rất nhiều. Hy vọng đưa THDĐ trở thành một thói quen, một nhu cầu không thể thiếu của những người sử dụng điện thoại di động dường như vẫn quá xa vời.

(Theo ICTnews)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất