Minh bạch hóa thông tin hơn nữa trong công tác quản lý quy hoạch đất đai là giải pháp chính góp phần hạn chế và tiến tới xóa bỏ nạn tham nhũng trong lĩnh vực này.
Đây là nhận định của các chuyên gia trong phiên họp thứ 2 của Hội thảo trước Đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 10, bàn về phòng chống tham nhũng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai và khoáng sản diễn ra ngày 15/11.
Trong năm 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai 3 cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các tổ chức sử dụng đất tại Quảng Ninh, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Kết quả đã kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi 30.000m2 đất đô thị, 450ha đất rừng tại Quảng Ninh và đề nghị thu hồi gần 18.000m2 đất sản xuất kinh doanh tại Khánh Hòa; đề nghị chấn chỉnh các hành vi chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chưa đạt hiệu quả ….
Báo cáo về thực trạng và nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ ra những khâu xuất hiện hành vi tham nhũng nhiều nhất đó là: công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất , bồi thường giải phóng mặt bằng; định giá đất…
Báo cáo cũng nêu rõ tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến dưới nhiều biến tướng khác nhau: gian lận trong lập phương án bồi thường; xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất có sự thỏa thuận với người dân để chia lợi hoặc phê duyệt giá giao đất, cho thuê đất có lợi cho chủ đầu tư.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống văn bản pháp luật đất đai có nhiều điểm chưa thống nhất, còn chồng chéo, tạo kẽ hở. Bên cạnh đó do hệ thống hồ sơ địa chính chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, thiếu dữ liệu quản lý thông tin tới từng thửa đất. Đây cũng là kẽ hở để cán bộ cấp cơ sở lợi dụng nhũng nhiễu khi làm thủ tục cấp giấy, xác nhận thời điểm sử dụng đất, lập hồ sơ khi thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để tham nhũng…
TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai (Đại học Luật) cho rằng, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiễu kẽ hở, việc định giá đất để chia địa tô chênh lệch từ chuyển đổi mục đích sử dụng cũng đang làm lợi cho doanh nghiệp, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
TS Nguyễn Quang Tuyến đưa ra công thức chia địa tô với tỷ lệ: 5.3.2. Cụ thể lợi nhuận từ sự chênh lệch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sẽ được chia như sau: 50% được đưa vào ngân sách nhà nước, 30% để cho chủ đầu tư và 20% là đầu tư lại cho người dân bị mất đất.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm Bộ môn Địa chính (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, muốn loại bỏ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, hệ thống pháp luật liên quan phải được xây dựng dựa trên cơ sở phát huy cao nhất những tiêu chí: phá bỏ tính độc quyền của cơ quan quản lý, xác định rõ trách nhiệm của người quản lý và công khai, minh bạch hóa thông tin./.
(Theo: VGP News)