Ngày hôm nay (18/11), liên ngành công an và giao thông Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết Kế hoạch 01/KH-BCĐ về kiểm tra các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố, trong đó nội dung tập trung về vi phạm lấn chiếm lòng hè đường, không có giấy phép kinh doanh, trốn thuế, không niêm yết giá vé… tại các điểm trông xe.
Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cũng kiến nghị, đối với các điểm trông giữ phương tiện không có đăng ký kinh doanh, sử dụng quá diện tích cấp phép, thu tiền quá mức phí quy định với chênh lệch lớn, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước nếu phát hiện sai phạm nghiêm trọng, đủ căn cứ có thể chuyển cơ quan điều tra Công an Thành phố xử lý hình sự.
86% điểm giữ xe vi phạm
Theo thống kê của lực lượng liên ngành, từ ngày 19/5 đến ngày 19/10, các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo 197 đã tiến hành kiểm tra 271 điểm trông giữ xe trên địa bàn 10 quận nội thành, phát hiện 232/271 điểm trông giữ xe có vi phạm.
Cụ thể, vi phạm không có đăng ký kinh doanh, giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường để trông giữ phương tiện có 219 điểm, vi phạm chiếm dụng vỉa hè lòng đường 177 điểm, vi phạm niêm yết giá vé 84 điểm, vi phạm thu tiền quá mức phí quy định 88 điểm… Các ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 232 trường hợp, phạt thành tiền hơn 4,8 tỷ đồng.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, các vi phạm trong hoạt động trông giữ xe diễn ra phổ biến chủ yếu là các vi phạm về diện tích giữ xe và gây cản trở giao thông, lấn chiếm vỉa hè lòng lề đường, không có bảng niêm yết giá vé, thu tiền quá quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.
Các điểm trông giữ xe trên hè phố, lòng đường hầu hết vi phạm về sử dụng diện tích theo giấy phép, lấn chiếm phần đường giành cho người đi bộ gây mất mỹ quan đô thị.
Dẫn chứng như điểm trông giữ ôtô ngày và đêm tại khu 7,2ha phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình do ông Phan Văn Hàn tổ chức trông giữ không có giấy phép sử dụng tạm thời hè phố, lòng đường, chiếm dụng 560m2 vỉa hè và 40m2 lòng đường để kinh doanh trông giữ xe.
Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện trường học, công viên còn sử dụng khuôn viên làm điểm trông giữ phương tiện tạm thời hầu hết không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Thậm chí có điểm, Ủy ban Nhân dân phường tự đứng ra ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức hoặc đưa các bộ phận của Ủy ban Nhân dân phường đứng ra tổ chức kinh doanh hoạt động dịch vụ trông giữ xe, coi đây là một nguồn thu của phường như: Ủy ban Nhân dân phường Trần Hưng Đạo; Đoàn thanh niên của Ủy ban Nhân dân phường Tràng Tiền, Công đoàn phường Liễu Giai, lực lượng dân phòng của Ủy ban Nhân dân phường Dịch Vọng…
Bên cạnh đó, một số điểm trông giữ xe do các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đứng ra xin cấp phép sử dụng hè, lòng đường nhưng lại ký hợp đồng “bán lại” cho cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp khác để hưởng chênh lệch.
Vi phạm sẽ rút giấy cấp phép
Theo Thượng tá Cao Thắng, Phó Chánh văn phòng Công an Thành phố Hà Nội, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban Nhân dân Thành phố trong hoạt động trông giữ phương tiện thời gian diễn ra phức tạp và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, trật tự mỹ quan đô thị.
Lý giải cho thực tế này, theo Thượng tá Thắng, lực lượng liên ngành đã phối hợp chặt chẽ, kiên quyết xử phạt các điểm đô xe vi phạm theo Nghị đinh 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 với mức xử phạt hành chính mỗi lần vi phạm là 25 triệu đồng.
“Cá biệt, có điểm trông giữ xe dù đã bị nhắc nhở, xử phạt tới 3 lần nhưng ngay hôm sau lại tái diễn vi phạm,” ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng cũng cho biết thêm: “Việc các điểm trông giữ xe vẫn vi phạm một phần cũng là do trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các quận chưa kiêm quyết trong công tác xử lý, việc ra các quyết định xử phạt điểm vi phạm còn quá chậm.”
Theo Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép chồng chéo, cùng một lúc cấp phép sử dụng tạm thời cả hè phố, lòng đường cho một đơn vị tại một điểm trông giữ phương tiện.
Đơn cử như một số điểm trông giữ xe do Ủy ban Nhân dân quận, Sở Giao thông Vận tải cấp phép cũng vi phạm Quyết định 20/2008/QĐ-UBND của Thành phố về quy định quản lý, sử dụng hè phố lòng đường.
Cụ thể, nhiều điểm Ủy ban Nhân dân quận cấp phép trên cả hè phố có bề rộng dưới 3m, hoặc cấp phép 2 hàng xe trên hè phố 5m, cấp phép quá gần ngã ba, ngã tư… Các điểm trông giữ xe do công ty cổ phần 901 và công ty khai thác điểm đỗ xe đã lợi dụng việc này để chỉ sử dụng trông giữ ôtô để thu lợi.
Trước tình trạng đó, Đại tá Thùy yêu cầu các lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự được yêu cầu tăng cường kiểm tra và cương quyết đình chỉ các điểm trông giữ xe vi phạm, không cho tồn tại và sẽ rút giấy phép đã cấp.
Các Sở Y tế, Sở Giao thông Vận tải và Cục Thuế Hà Nội cùng các đơn vị có các điểm trông giữ xe phải chấn chỉnh hoạt động, rà soát và cấp lại giấy phép hoạt động để bố trí các điểm trông giữ xe hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thu quá phí quy định, không thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.
“Khi kiểm tra, phát hiện những điểm trông giữ phương tiện trốn thuế lớn sẽ chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố để xử lý về mặt hình sự,” Đại tá Thùy kiến nghị./.
(Vietnam+)