Thứ Hai, 7/10/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 26/2/2009 14:43'(GMT+7)

Người đưa tiếng Mông vào chứng chỉ ngoại ngữ thay thế thi chuyên viên chính

Thượng úy Thao Duy Lênh

Thượng úy Thao Duy Lênh

Màu xanh áo lính và ước mơ thời con trẻ

Quê hương của thượng úy Thao Duy Lênh là một vùng biên cương rộng lớn. Khi sinh ra và lớn lên, cậu bé Lênh đã thấy các chú bộ đội Biên phòng đóng quân ở bản mình. Hằng ngày, chứng kiến cuộc sống giản dị, vất vả nhưng vẫn ngày đêm bám trụ, gắn bó máu thịt với nhân dân của các chú bộ đội biên phòng đã nhen nhóm trong cậu ước mơ. Sau những năm tháng miệt mài đèn sách trên ghế nhà trường, Thao Duy Lênh biến ước mơ thành sự thật, trở thành sinh viên Đại học Biên phòng khoá 9 (niên khoá 1996 - 2001).

Tốt nghiệp ra trường, Lênh được phân công làm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Trong một lần đi công tác tại địa bàn, thiếu úy Lênh đã cảm nhận rõ những khó khăn do việc đa số cán bộ, chiến sỹ không biết tiếng dân tộc Mông. Số rất ít biết được là nhờ thói quen và kinh nghiệm giao tiếp hàng ngày.

Sự thiếu hụt vốn tiếng dân tộc ảnh hưởng rất lớn đến công tác dân vận, đấu tranh, phòng chống tội phạm và quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực tế cho thấy khi đội ngũ cán bộ công chức của huyện phần lớn là người Kinh và người Thái, trong khi, người dân tộc Mông ở đây chiếm tới 82% dân số thì việc hiểu tiếng Mông là một lợi thế vô cùng quan trọng.

Con đường trở thành thày giáo


Giờ lên lớp của các thày giáo
mang quân hàm xanh.

"Phải dạy tiếng dân tộc Mông cho đồng đội và cán bộ địa phương". Ý nghĩ ấy thôi thúc anh trong nhiều đêm mất ngủ. Thao Duy Lênh âm thầm tự ôn luyện tiếng và chữ viết của đồng bào Mông.

Sau hai năm tự tìm tòi, học hỏi trong sách báo, qua thực tế, anh tự trang bị cho mình vốn tiếng Mông kha khá. Trong lần sinh hoạt Đảng bộ, anh mạnh dạn đề xuất với Đảng uỷ Đồn cho phép mở lớp dạy tiếng dân tộc Mông tại đơn vị. Nguyện vọng ấy lập tức được cấp uỷ, chỉ huy đơn vị đồng ý.

Ban đầu, anh chỉ dạy cho cán bộ, chiến sỹ của đơn vị. Sau ba tháng, 70% cán bộ, chiến sỹ của đồn cơ bản đã  giao tiếp được với bà con. Nhờ đó, hiệu quả công tác được nâng cao, nhất là trong việc tiếp cận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để làm tốt công tác nắm tình hình và vận động quần chúng.

Nhờ thông thạo tiếng Mông cán bộ chiến sĩ đồn Na Mèo có thông tin, nguồn tin trực tiếp, đa dạng hơn và đã liên tục bắt được nhiều đối tượng  buôn bán vũ khí và ma tuý qua biên giới. Tháng 11-2001, trong khi khai thác một đối tượng người dân tộc Mông buôn bán ma túy, Thao Duy Lênh đã phát hiện nhóm buôn bán ma tuý có vũ khí "nóng" hoạt động trên địa bàn.

Chuyên án nhanh chóng xác lập, Thao Duy Lênh được giao làm tổ trưởng tổ phục kích ở mũi chủ yếu và đã bắt gọn các đối tượng thu 40kg thuốc phiện và 2 bánh heroin. Nhờ chiến công đặc biệt xuất sắc, Lênh được bầu chọn là một trong 10 gương mặt điển hình của tuổi trẻ Thanh Hoá năm 2002.

Cùng thời điểm đó, tại các bản người Mông: Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi nổi lên hiện tượng truyền đạo trái pháp luật. Do am hiểu tiếng, anh cùng đồng đội đã kịp thời tuyên truyền, vận động đồng bào không nghe theo kẻ xấu, không bỏ phong tục, tập quán của tổ tiên đi theo đạo khác trong khi tại nhiều bản khác, hàng nghìn người đã bỏ theo tà đạo.

Từ những kết quả thực tế, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh  báo cáo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh cho phép mở các lớp dạy tiếng dân tộc Mông cho bộ đội Biên phòng, Công an, Quân khu 4, cán bộ công chức một số ngành và năm huyện biên giới. Lớp học do thượng úy Lênh cùng hai đồng đội phụ trách sau ba tháng, kết quả  tốt nghiệp chiếm 76% khá, giỏi.

Sở Nội vụ phối hợp với bộ đội Biên phòng liên tiếp mở các lớp dạy tiếng dân tộc Mông. UBND tỉnh Thanh Hoá đã quyết định dùng chứng chỉ tốt nghiệp lớp tiếng Mông thay cho chứng chỉ ngoại ngữ chuyên viên chính của cán bộ công chức tỉnh Thanh Hoá.

Thao Duy Lênh được mời về Sở Nội vụ làm tổ trưởng tổ biên soạn giáo trình dạy tiếng Mông. Sau năm tháng nghiên cứu, tham khảo tài liệu, anh đã cho ra đời 76 bộ giáo án hoàn chỉnh về cấu trúc ngữ pháp, từ đơn giản đến phức tạp có phiên âm La tinh tiếng Mông Đơ, Mông Lành và Mông Đu. Giáo trình này hiện đang được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo phê chuẩn, cho phép làm tài liệu giảng dạy các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông trong toàn quốc. 

Nhờ những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp dạy tiếng Mông, thượng úy Lênh liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua, được UBND tỉnh Thanh Hoá, các cấp ngành tặng Bằng khen.

Gặp anh trong Hội nghị điển hình tiên tiến và sơ kết 20 năm thực hiện "Ngày Biên phòng toàn dân", thượng úy Thao Duy Lênh khiêm tốn nói: "Tôi nghĩ rằng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người sỹ quan biên phòng hay người cán bộ công tác nơi biên giới, trước hết phải biết tiếng và chữ viết của người dân tộc nơi đó. Nó vừa là phương tiện giao tiếp làm tốt công tác dân vận, vừa là công cụ hữu ích phục vụ công tác chuyên môn, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới"./.

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất