Trở về quê hương sau thời gian phục vụ trong quân ngũ, ông Nguyễn Thành Tuế, thương binh 4/4 (sinh năm 1951, ngụ xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đã tích cực lao động sản xuất.
Ông là “đầu tàu” trong phong trào sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn tại địa phương. Không chỉ tích cực đôn đốc các tổ viên tham gia sản xuất, ông còn cho các tổ viên vay vốn để mua giống lúa và vật tư nông nghiệp.
Đi bộ đội khi mới tròn 17 tuổi, 12 năm sau, ông Tuế phục viên trở về quê. Từ khi về quê, ông luôn trăn trở làm thế nào để sản xuất hiệu quả trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Ông Tuế đã tích góp tiền và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, cải tạo 2.000 m² đất vườn chuyển sang trồng cây lâu năm.
Sau một thời gian, vợ chồng ông đã tích lũy được một số vốn mua thêm ruộng đất, phát triển sản xuất. Đến nay, vợ chồng ông Tuế đã sở hữu 7.000 m² đất vườn với khoảng 100 gốc măng cụt có giá trị kinh tế cao và 8.000 m² đất trồng lúa.
Ông Nguyễn Thành Tuế tự mình đến tận nhà tổ viên để thông báo lịch phun thuốc, bón phân.
|
Năm 2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tam Bình phối hợp với UBND xã Hòa Hiệp vận động người dân tham gia sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là mô hình điểm của xã, từ đó được nhân rộng ra 7/7 ấp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thấy được lợi ích từ việc tham gia sản xuất theo hướng tập thể, ông Tuế đã tích cực hưởng ứng đồng thời vận động mọi người cùng tham gia. Ông được tổ viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng. Hiện nay, tổ có 65 hộ canh tác với diện tích hơn 35 ha.
Thấy tổ viên không có vốn, phải nợ tiền vật tư nông nghiệp đến cuối vụ và phải chịu thêm tiền lãi, ông Tuế đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng 7.000 m² đất vườn của gia đình mình để thế chấp vay vốn ngân hàng 200 triệu đồng để cho tổ viên vay, giúp các tổ viên có vốn để sản xuất trong mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Ông Tuế chia sẻ: Ở đây nông dân còn khó khăn, làm ruộng phải mua vật tư nông nghiệp nợ tới kỳ thu hoạch, trả thêm tiền lãi nên không có lợi nhuận. Ông quyết định hỏi ý kiến của UBND xã rồi về bàn với gia đình, lấy giấy quyền sử dụng đất đem vay tiền ngân hàng cho người dân mượn. Thấy mọi người sử dụng đồng tiền hiệu quả, đầu tư để chăm sóc ruộng lúa đạt năng suất cao, ông rất mừng.
Ông Nguyễn Thành Tuế cùng các tổ viên ra thăm ruộng lúa.
|
Với vai trò Tổ trưởng tổ hợp tác, ông Tuế thường xuyên họp tổ viên hoặc đến tận nhà vận động tổ viên thực hiện đúng quy trình canh tác đã được hướng dẫn, lưu ý lịch thời vụ, thời gian bón phân, phun thuốc... Ông cũng tìm hiểu những mô hình canh tác hiệu quả ở các địa phương, học hỏi kinh nghiệm sản xuất về chia sẻ lại với các tổ viên.
Ông Tuế cho biết: Sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong 5 năm tham gia mô hình, các hộ tham gia sản xuất theo mô hình đều có lợi nhuận cao. Trước đây bà con thường làm ăn nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm rồi tự tìm thương lái để bán, thường bị ép giá, rất thiệt thòi. Từ lúc vào tổ hợp tác, các hộ được chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thống nhất ngày thu hoạch và chọn được giá bán phù hợp, hạn chế được tình trạng thương lái ép giá.
Là tổ viên của tổ hợp tác, từng nhiều lần được ông Tuế cho vay vốn để sản xuất, anh Nguyễn Văn Tám (xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình) cho biết: “Năm nào chú Tuế cũng cho anh em vay vốn , giúp mọi người có vốn mua phân thuốc bón cho ruộng lúa. Nhờ được chú Tuế vận động vào tổ hợp tác nên gia đình tôi canh tác lúa đạt năng suất cao hơn trước rất nhiều, bán lúa dễ dàng và giá cũng cao hơn trước”.
Theo Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hòa Hiệp Nguyễn Trung Tiến, ông Nguyễn Thành Tuế là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương. Thời gian qua, ông không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình mà còn quan tâm, giúp đỡ mọi người, được người dân tin yêu.
Ông Tuế đã có nhiều đóng góp trong xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn ở địa phương. Ông Nguyễn Thành Tuế đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long trong thực hiện công tác dân vận khéo và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Lê Thúy Hằng (TTXVN)