Thứ Năm, 3/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 11/6/2011 7:10'(GMT+7)

Người tiêu dùng... bị quên

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Toàn bộ nội dung dự luật nhằm thể chế hóa các vấn đề liên quan tới lĩnh vực giá, có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng mới chỉ đứng về phía người bán, doanh nghiệp, cơ quan quản lý… chứ chưa có một quy định nào về việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Sự ra đời của Luật Giá là một bước tiến lớn, cần thiết, thay thế cho Pháp lệnh Giá, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý, điều hành giá trong bối cảnh phải đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì thế, về mặt nguyên tắc, Luật Giá phải toàn diện, bảo đảm quyền lợi của mọi đối tượng tham gia hoạt động về giá. Bởi một nguyên tắc cơ bản xuyên suốt hệ thống pháp luật Việt Nam là: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật! Tuy nhiên, theo dự thảo, người tiêu dùng - một yếu tố quan trọng trong hoạt động về giá - lại chưa được đề cập thỏa đáng.

Nói về mặt lý thuyết, giá thành một sản phẩm bao gồm các yếu tố: Giá nguyên vật liệu, giá nhân công, năng lực sản xuất, chi phí tài chính, chi phí vận chuyển, phân phối… cộng với tỷ lệ lãi suất ước định của nhà sản xuất. Thế nhưng, trên thực tế, giá còn phụ thuộc rất lớn vào “cầu” (tức khách hàng) có khả năng chi trả. Khi giá “cung” không gặp được “cầu” có khả năng chi trả, sản phẩm sẽ có nguy cơ bị ế. Và như thế, nhà sản xuất sẽ phải có những biện pháp điều chỉnh giá thành như hạ tỷ lệ lãi suất, hay tiết giảm chi phí v.v..

Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thì “cầu” hiện luôn lớn hơn “cung” ở phần lớn các mặt hàng. Do đó, với nhiều sản phẩm, người tiêu dùng đang phải chịu gánh nặng về giá, thậm chí cao hơn tại những nền kinh tế phát triển. Nguyên nhân có thể do năng lực sản xuất của chúng ta còn thấp kém, khiến giá thành sản phẩm bị đội lên. Nguyên nhân cũng có thể là nhà sản xuất, nhà phân phối “ép” người tiêu dùng, định giá bán sản phẩm cao hơn giá trị thực.

Nguyên nhân sau sẽ là một sự bất hợp lý, gây mất công bằng giữa các nhân tố tham gia thị trường. Mà ở đây, phần thiệt thòi chính là người tiêu dùng. Vì thế, một bộ luật về giá hoàn chỉnh cần phải thể hiện vai trò là “trọng tài”, bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Luật Giá phải có những quy định liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, cũng như quyền tiếp cận thông tin và đòi hỏi giải trình về giá của người tiêu dùng đối với các hoạt động hình thành, thẩm định và quản lý giá của cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII (vào cuối tháng 7-2011), Chính phủ trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật Giá. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ có một Luật Giá hoàn chỉnh, bảo đảm lợi ích của mọi nhân tố tham gia hoạt động về giá./.

(Sĩ Bình/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất