Thứ Hai, 23/12/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Tư, 10/11/2010 14:11'(GMT+7)

Người tốt, việc tốt là những bông hoa đẹp trong rừng hoa "Thi đua yêu nước"

Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một vị lãnh tụ đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức cách mạng. Là Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước (11/6/1948), Hồ Chí Minh cũng là Người đặc biệt quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Dù bộn bề công việc, Người vẫn dành thời gian theo dõi rất kỹ những bản tin, bài viết về tấm gương người tốt đã làm những việc tuy nhỏ, nhưng rất đẹp, rất “mình vì mọi người”. Người từng nói rằng: “Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1]. Vì vậy, để nhân những hạt giống đỏ, gương mẫu trong mỗi việc làm, gương mẫu trong đạo đức lối sống, và để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh việc phải phổ biến sâu rộng, nhân rộng trong nhân dân và phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương người tốt, việc tốt.

1. Thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, xây dựng CNXH, đem lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân lao động, ngay sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mong muốn sẽ “xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta”. Tuy nhiên, Người cũng hiểu rằng, để có thể làm được công việc phi thường đó, chúng ta phải thay đổi triệt để những tập tục, thói quen và nếp sống cũ của những con người cũ đã ăn sâu, bám rễ từ hàng nghìn năm trước. Và Người đã chỉ rõ: Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi, mà một trong những biện pháp chính, theo Người là thi đua học tập gương người tốt, việc tốt; thi đua làm những công việc tốt hàng ngày, vì “công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua”.

Thấm nhuần quan điểm mác xít, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng không phải của riêng một vài cá nhân anh hùng, và để nhiệt tình cách mạng của quần chúng được bắt nguồn vững chắc từ nhận thức tình hình, nhiệm vụ cách mạng một cách sâu sắc, đồng thời chuyển nhiệt tình cách mạng của mỗi người thành hành động cách mạng chung của mọi người Việt Nam yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng hết thảy những việc làm tốt, những công việc nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa trong đời sống thường ngày. Người hiểu rằng, bên cạnh những tấm gương anh hùng của những chiến sĩ thi đua, anh hùng dũng sĩ làm nên những việc anh hùng, còn biết bao những con người bình thường khác mà những việc họ đã làm vẫn ngời sáng đạo lý làm người cao cả, ích nước lợi dân, vẫn có sức lan toả, thấm sâu trong cộng đồng. Người từng nói rằng: Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã đặt chúng ta đứng trước những thử thách lớn và truyền thống anh hùng đang được nhân dân ta phát huy đến cao độ. Từ trong thực tiễn đó, có những người, những tập thể đã được Đảng và Chính phủ tuyên dương là anh hùng, dũng sĩ. Tuy nhiên, đó “vẫn chỉ là số ít” trong trong quần chúng hàng ngày, hàng giờ “góp gió thành bão”, gánh vác, việc nước việc nhà. Vì thế, những điển hình tiên tiến nảy sinh trong thực tiễn, dù ở đâu và làm bất cứ công việc gì, thì bằng những việc làm cụ thể của mình, tấm gương đạo đức của họ cũng sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, góp phần lôi kéo mọi người xung quanh cùng làm tốt công việc.

Xuất phát từ phương pháp nêu gương, lúc đầu Người đề nghị các báo của Đảng, của các đoàn thể “mở ra mục Người mới, việc mới nhằm nêu lên những gương người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành”[2]. Không chỉ động viên, Người còn quan tâm và tặng huy hiệu của Người cho những tấm gương tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong chiến đấu, học tập, lao động sản xuất nhằm thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước. Sau đó, trong những năm (1968-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ thị cho toàn Đảng noi theo tấm gương người tốt trong cả nước - những bông hoa đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để làm những việc tốt.

2.Thực tiễn lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước trong những năm đấu tranh giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã xuất hiện biết bao nhiêu tấm gương những con người tốt với những việc làm tốt. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp gian khổ, nhiều tấm gương những con người làm “những việc nhỏ, bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân” đã được Người động viên, thưởng huy hiệu. Đó là tấm gương những người tốt, những việc làm tốt sáng ngời đạo đức cách mạng: trung với nước, hiếu với dân, gương mẫu đi đầu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, v.v.. góp phần không nhỏ làm vào chiến thắng chung của dân tộc. Tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào Thi đua yêu nước, trong những năm cả nước cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những bông hoa tươi thắm của vườn hoa người tốt, việc tốt càng nở rộ hơn bao giờ hết.

Những Lê Mã Lương, Nguyễn Văn Trỗi,..trên trận tuyến đánh quân thù, những Phạm Thị Vách, Đào Thị Hào,..trên mặt trận lao động sản xuất, và còn biết bao những tấm gương người tốt, làm những việc tốt như cõng bạn đi học, nhặt được của rơi trả lại người mất, quên mình cứu bạn, có nhiều sáng kiến để tăng năng xuất lao động, v.v.. thực sự là những tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về đạo đức XHCN như: tinh thần tập thể, mình vì mọi người, thương người như thể thương thân và luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, v.v... Đó đồng thời cũng là những người Việt Nam đẹp nhất, mang đậm trong mình những yếu tố truyền thống, bản chất cao quý của tâm hồn Việt, và cũng là “cái nền” góp phần tạo dựng lên lâu đài: nước Việt Nam mới độc lập, tự do, hạnh phúc.

Những em nhỏ như Thái Đình Hoàn cứu sống 3 bạn nhỏ bị bom vùi ở Đô Lương, Nghệ An (do báo Nghệ An đăng ngày 17/6/1966), cô đội trưởng thuỷ lợi Nguyễn Thị Vương ở Thạch Thất, Hà Tây có nhiều sáng kiến trong công tác, đạt thành tích cao (do báo Hà Tây đăng ngày 18/6/1966), Nguyễn Văn Minh ở Thanh Liêm, Nam Hà dũng cảm cứu sống 3 người thoát chết đuối (do báo Nam Hà đăng ngày 20/8/1966), v.v.. được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc và đề nghị thưởng huy hiệu của Người, thì với họ, đó không chỉ là vinh dự khi làm được một việc tốt, đó còn là trách nhiệm và hạnh phúc trước món quà nhỏ của Bác Hồ gửi tặng, để từ đó càng hăng hái thi đua, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện làm nhiều hơn nữa những việc tốt.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, noi gương và thi đua học tập, làm theo những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm gương ngời sáng phẩm chất đạo đức cách mạng để cả xã hội cùng đổi mới và phát triển tốt đẹp là ý nghĩa lớn lao nhất của những việc làm, những hành động bình thường mà vĩ đại của hàng chục triệu người trong xã hội. Và cũng theo Người, việc lấy gương tốt trong quần chúng nhân dân để giáo dục quần chúng là cách làm tốt nhất, sinh động và sâu sắc nhất, nhằm nhân rộng những điển hình, kích thích phong trào Thi đua yêu nước phát triển: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[3].

Cùng với việc cổ động cho phong trào Thi đua yêu nước, đặc biệt quan tâm đến việc động viên phong trào thi đua noi gương người tốt, làm việc tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian đọc các báo, các bản tin nêu những tấm gương người tốt việc tốt trên các báo Nhân dân, Lao động, Tin Việt Nam thông tấn xã, Quân đội nhân dân, Văn hoá, Văn nghệ, các báo địa phương như Nghệ An, Nam Hà,Thái Bình, Thủ đô Hà Nội, v.v.. Số lượng các bài Người đọc, tự mình sưu tầm ở khắp mọi miền Tổ quốc lên tới 2000 bài. Trân trọng những tấm gương đó, Người tự mình cắt dán cẩn thận những bài báo và các báo cáo nói về gương người tốt, việc tốt, sắp xếp lại thành 19 tập. Sau khi đọc, “Bác cho kiểm tra những chỗ đúng và không đúng sự thật, và Bác thưởng huy hiệu cho hơn 5000 người tốt làm những việc tốt”[4] (4). Theo Người, “những chiến công và thành tích nổi bật, vang dội thì ai cũng có thể thấy được. Còn những việc nhỏ bình thường thôi, nhưng ích nước lợi dân, thì hay bị xem thường”[5] (5), mà biển cả là do “từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc”[6], nên không thể bỏ qua những việc tưởng như rất tầm thường nhưng lại có tác dụng nêu gương không nhỏ.

3. Với ý nghĩa lớn lao của việc nêu gương người tốt, việc tốt, chủ trương viết về người tốt, việc tốt, nâng niu, trân trọng từng việc làm tốt của mỗi người ở khắp mọi nơi, trong các ngành, các giới mà địa phương nào, lứa tuổi nào, v,v.. cũng có theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những cuốn sách nhỏ Người tốt, việc tốt năm xưa, quỹ “những tấm lòng vàng”, những chương trình “Người đương thời”, “vì miền Trung ruột thịt”, ca nhạc từ thiện, nhắn tin ủng hộ đồng bào miền Trung, ủng hộ sách vở, quần áo cho đồng bào miền Trung, v.v.. trong thời gian qua, đã không chỉ “nêu gương những con người bình thường, hàng ngày có những hành động nhỏ mà anh hùng, xứng đáng được học tập, ai ai cũng có thể làm theo”[7], mà còn làm sáng ngời và lan toả những việc làm cao cả của mỗi người trong cuộc sống đời thường.

Sự nghiệp cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã góp phần xây dựng và đào tạo nên những con người Việt Nam mới XHCN, và những tấm gương người tốt việc tốt trong hiện thực cuộc sống hôm nay như tấm gương của anh Nguyễn Văn Sơn (Trưởng thôn Cồn Nâm) và thầy Nguyễn Khắc Tiến (Trường TH Quảng Minh B - Quảng Trạch - Quảng Bình), những người đã quên mình cứu dân trong dòng nước lũ ngày 4/10- (Báo Dân trí); là cha con ông Ngô Tam (ở thôn 2 Xuân Sơn – Sơn Trạch – Bố Trạch – Quảng Bình), trong đêm 4/10, cùng con trai là Ngô Văn Nam đã chèo đò vượt sông, qua thôn 1 Cù Lạc (Sơn Trạch), cứu hơn 350 người bị mắc kẹt trong nhà không thoát ra được, khi con nước lũ đang lên. Và sau một đêm trắng cứu người, cha con ông Tam trở về nhà, thì căn nhà đã chìm sâu trong nước (Chương trình Người đương thời); là anh Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiêu (Sơn Trạch, Bố Trạch,Quảng Bình) cứu đến người thứ 50 trong thôn, nhưng khi đi qua nhà của anh thì nhà đã không còn nữa...Tuy nhiên, anh Ninh vẫn động viên mọi người: "Nhà tôi, của cải của gia đình tôi bị nước lũ cuốn trôi không còn nữa, nhưng tôi vui vì đã cứu được nhiều người dân thoát khỏi tử thần. Còn người là còn của, nhà cửa, của cải mất đi tôi còn làm lại được mà” (báo Công an nhân dân), và gần nhất là hành động vượt qua cơn lũ dữ đưa 200 người dân đến nơi an toàn trong đợt lũ đầu tháng 11 ở tỉnh Ninh Thuận (Tin TTXVN) của anh Nguyễn Như Hữu (34 tuổi, thôn An Thạch1), v.v..thực sự là những hòn ngọc nguyên chất, không mài dũa, không thêm bớt, không tô vẽ, giản dị, nhưng lại toả sáng một tình thương yêu đồng loại sâu sắc. Sẽ không thể bút mực nào tả xiết những tấm lòng thơm thảo của bà con nơi vùng lũ Hà Tĩnh đã góp gạo thổi cơm chung, giúp đỡ những người đang bị co lập trong nước lũ. Càng không thể nói hết được sự tri ân, lòng biết ơn của những người dân vùng lũ được cứu sống bởi những người lính “bộ đội cụ Hồ”, bởi chính những người hàng xóm của mình, ngày mỗi ngày “tối lửa tắt đèn có nhau.,v.v..

Những viên ngọc đó, ngày mỗi ngày góp phần xây dựng lối sống đạo đức cách mạng, lối sống “mình vì mọi người”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, v.v..theo những chuẩn mực của đạo đức cách mạng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Noi theo những tấm gương sống, những tập thể và cá nhân tốt của từng ngành, từng giới, từng lứa tuổi, v.v..được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, trong mỗi cuốn sách Người tốt, việc tốt, để mọi người từng ngày, từng giờ đều làm những việc tốt, điều thiện trong mỗi con người sinh sôi, xã hội ngày một tốt đẹp hơn, và những tính xấu, sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa, cùng điều ác sẽ thui chột dần đi.

Chú ý khen ngợi, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt trong tất cả các ngành nghề, từ những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, đến những người lao động phục vụ, từ những người lính “xả thân” cứu dân, đến những hành động anh hùng của những người dân bình thường, chính là chúng at đã và đang làm theo đững lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Chúng ta đánh giặc và xây dựng chế độ xã hội mới bằng những việc làm muôn hình muôn vẻ của hàng chục triệu người như thế, chứ không phải bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng. Và cũng theo lời Người, những tấm gương người tốt, việc tốt “nhiều lắm, ở đâu cũng có”, không chỉ làm đẹp thêm những truyền thống tốt đẹp của dân tộc vốn đã được hình thành và bồi đắp trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, mà còn góp phần vào việc giáo dục đạo đức cách mạng như Hồ Chí Minh từng nói. Hàm chứa trong nó ý nghĩa đạo đức lớn lao, những tấm gương người tốt, việc tốt được nêu gương, được nhân rộng và lan toả trong cộng đồng, không chỉ thể hiện những phẩm chất đạo đức cách mạng của con người Việt Nam mới XHCN, mà còn làm đẹp thêm tâm hồn, đạo đức Việt trong thời đại mới. Đó là những hạt giống tốt để xây dựng chế độ xã hội mới, là những điển hình, “những “mực thước” cho mọi người cùng phấn đấu, học tập.

Mang theo khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta về một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, những tấm gương người tốt, việc tốt và những bông hoa đẹp, những tấm lòng vàng luôn xuất hiện trong cuộc sống đời thường, đã truyền tải giá trị tinh thần cao quý, mang tính giáo dục, phổ biến tri thức cho cả hiện tại và tương lai. Noi gương người cộng sản mẫu mực Hồ Chí Minh suốt đời phấn đấu, tận trung với nước, tận hiếu với dân, noi gương một cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son của Người là thiết thực làm cho Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên có ý nghĩa sâu sắc nhất. Đi liền cùng cuộc vận động chính trị to lớn đó, những tấm gương Người tốt, việc tốt ngày càng nở rộ, lan toả trong mọi mặt của đời sống xã hội, rất cần được nhân rộng, tuyền truyền, để mỗi người có thể học tập và noi theo những gương người tốt, làm những việc tốt, thiết thực làm cho đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã nêu ra, gương mẫu thực hiện ngày càng trở nên sinh động, và làm cho Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, tháng 11 năm 2010 trở nên có ý nghĩa lớn lao, sâu sắc hơn trong thực tiễn./.

TS. Văn Thị Thanh Mai

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.1, tr. 263

[2] Thành Duy: Tư tưởng Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, Nxb. CTQG, H, 2001, tr.128

[3] Hồ Chí Minh, Sđ d, t.12, tr.558

[4] Bộ văn hoá thông tin: Tuyển tập Hà Huy Giáp, !998, tr.332

[5] Sách Người tốt, việc tốt: Vì nước vì dân, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1968, t.3, tr.5

[6]Hồ Chí Minh, Sđ d, t.12, tr.549

[7] Sách Người tốt, việc tốt: Vì nước vì dân, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1968, t.3, tr.5

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất