Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 15/7/2010 7:52'(GMT+7)

Nguồn cung ngoại tệ chưa bền vững

 

Dù cung-cầu ngoại tệ hiện tại có thể bình ổn tỉ giá, nhưng rất cần cải thiện thâm hụt thương mại để đảm bảo sự bền vững của nguồn cung ngoại tệ

Cán cân thanh toán quốc tế (CCTT) là một tài liệu thống kê các quan hệ tài chính của một nước với nước ngoài trong một khoảng thời gian xác định, thường là một năm. CCTT là bản đối chiếu giữa những khoản thu được từ nước ngoài với các khoản phải trả cho nước ngoài của một quốc gia.

Ví dụ: Cán cân thương mại (xuất khẩu FOB-nhập khẩu FOB, có nghĩa là hàng hóa xuất-nhập khẩu chưa tính bảo hiểm-free on board) của VN ước tính 6 tháng đầu năm là -4,2 tỉ USD, có nghĩa là cán cân hàng hóa hụt khi nhập khẩu cao hơn xuất khẩu 4,2 tỉ USD.

CCTT là một chỉ số kinh tế vĩ mô rất quan trọng để đánh giá sức mua quốc tế của đồng tiền nội địa và  hơn nữa là sức mạnh kinh tế của quốc gia đó. Việc NHNN lần đầu tiên công bố công khai các hạng mục CCTT trên website là một việc làm rất đáng hoan nghênh để thị trường biết rõ thông tin về CCTT của VN.

Thặng dư cán cân vốn luôn thừa

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa-Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ Ngân hàng Nhà nước - thừa nhận, đối với VN thâm hụt cán cân vãng lai là vấn đề thâm niên chủ yếu do thâm hụt thương mại lớn. Trong 6 tháng đầu năm nay, ước nhập siêu khoảng 4,2 tỉ USD. Nhưng cho đến nay, CCTT của VN giữ được ổn định và không bị tổn thương là do cán cân vốn và tài chính (đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, vay nước ngoài) luôn thặng dư và trở thành nguồn bù đắp chủ yếu cho thâm hụt cán cân vãng lai.

Chỉ tính riêng thặng dư chuyển tiền một chiều (là những hoạt động chỉ có một chiều. Ví dụ, thu hay chi dưới hình thức viện trợ quốc tế, kiều hối...) ròng gần 3,8 tỉ USD và thặng dư vốn FDI ròng hơn 3,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm đã đủ bù đắp cho nhập siêu cả 2 quý đầu năm 2010.

Liệu đã yên tâm?

Người ta chưa biết được độ chính xác của CCTT vừa được công bố trên website NHNN đến đâu, bởi vì muốn có một CCTT mô tả đúng thực tế phải có đủ dữ liệu đầu vào  từ các cơ quan hành chính có hiệu lực (hải quan kiểm soát và nắm vững thông tin về tất cả các luồng giao dịch thương mại quốc tế của VN; hệ thống tài chính- ngân hàng kiểm soát và nắm vững thông tin về tất cả các luồng giao dịch tài chính quốc tế...) và các bộ, ngành có liên quan phải cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật  cho tổ chức thống kê tập trung (ở VN là NHNN), và tổ chức thống kê đó phải xử lý được tất cả các thông tin đó.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, với diễn biến thu-chi ngoại tệ của nền kinh tế qua các hạng mục chính của CCTT có thể thấy tổng cung, tổng cầu ngoại tệ của nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2010 vẫn trong trạng thái ổn định, tích cực.  Sau khi đã bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, thặng dư cán cân vốn của VN vẫn thừa 1,64 tỉ USD trong quý II/2010 và 1,8 tỉ USD trong quý I/2010.

Ở đây, chưa bàn đến chất lượng thông tin đầu vào, chúng ta chỉ bàn đến các khoản mục trên CCTT công bố. Dù NHNN cho rằng khoản Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế (1 tỉ USD) và vay nước ngoài ròng (1,6 tỉ USD) là một bù đắp lớn cho CCTT, nhưng đây thực chất vẫn là một khoản nợ nước ngoài chưa đến hạn trả.

Có thể đến thời điểm hiện tại và thậm chí trong một thời gian nữa thặng dư cán cân vốn và tài chính vẫn có thể bù đắp cho thâm hụt cán cân vãng lai nhưng về lâu dài thì vấn đề mấu chốt vẫn phải cải thiện được cán cân thương mại vì đây mới là nguồn cung ngoại tệ bền vững nhất.

Điều này không dễ dàng gì vì giá cả trên thế giới đang tăng, trong khi đó các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu của VN lại chưa thể một sớm một chiều triển khai được, ví dụ việc xây dựng và thực hiện các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu chuyên ngành, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng xuất khẩu v.v...

Để bù đắp tài chính cho nhập siêu thường có 3 giải pháp: Tín dụng thương mại (các nhà nhập khẩu xin được thanh toán chậm); vay bằng ngoại tệ (ngân hàng rồi cho doanh nghiệp vay lại hoặc doanh nghiệp vay trực tiếp); trích từ dự trữ ngoại hối của NHTƯ (thị trường thiếu ngoại tệ, NHTƯ phải lấy ngoại tệ trong dự trữ quốc gia ra để đáp ứng nhu cầu mua ngoại tệ của thị trường). NHNN không công bố số dự trữ ngoại hối đến thời điểm này, dù vừa qua cho biết đã mua thêm được 1,5 tỉ USD, nhưng có thể quỹ chưa thể tăng như mong muốn.

Nhìn lại CCTT của VN thấy một nền kinh tế được bù đắp thương mại dựa vào kiều hối và vay nợ thì  chưa thể bền vững. Vấn đề mấu chốt để giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân vãng lai và ổn định sức mua của đồng VN là phải giảm nhập siêu về từ 20%/tổng kim ngạch xuất khẩu trở xuống.

Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phải thu hút được tất cả các nguồn ngoại tệ có trong nước và tập trung lại để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ. Để thực hiện được hai vấn đề trên thì  vai trò điều tiết của Nhà nước (áp dụng những biện pháp để ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối) là rất quan trọng./.

Lao Động online

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất